Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm liên đới, bồi thường vì hành động quảng cáo sai của mình
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH Thái Bình - cho rằng, người ảnh hưởng tham gia quảng cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai của mình.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn Thái Bình - phát biểu
Sáng 10/5, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Góp ý cho dự thảo luật này, nhiều đại biểu quốc hội đề cập đến việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật khiến dư luận bức xúc, cần có chế xử lý nghiêm và yêu cầu người nổi tiếng phải bồi thường trong trường hợp này.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai cho biết, ông đồng tình với việc người truyền tải quảng cáo là người có ảnh hưởng. Trong Luật bảo vệ người tiêu dùng đã có Nghị định nêu rõ tiêu chí "người có ảnh hưởng", song những sự việc vừa xảy ra thời gian qua cho thấy, vướng nhất trong quảng cáo là người có ảnh hưởng tác động rất lớn đến người xem quảng cáo. Trong khi đó, theo Luật bảo vệ người tiêu dùng, người có ảnh hưởng là người có trình độ, có chuyên môn, năng lực nhưng còn có một bộ phận nữa mà luật chưa đề cập đến là những người gây sự chú ý cho dư luận như: người thi hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên, người tạo scandal trên mạng…
Đại biểu Xuân An cho rằng, chúng ta phải siết lại quy định người có ảnh hưởng tham gia quảng cáo phải có khả năng chuyên môn, kiến thức, trình đô liên quan đến sản phẩm quảng cáo thì mới được tham gia quảng cáo. "Hoa hậu, người mẫu, diễn viên… thì biết gì về sản phẩm và chất lượng nhưng vẫn quảng cáo với hình ảnh đẹp và thu hút sự chú ý của công chúng?" - đại biểu Trịnh Xuân An đặt câu hỏi.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai - phát biểu
Theo đại biểu này, quy định như dự luật là đang đẩy rủi ro cho người có ảnh hưởng tham gia quảng cáo. "Quyền chỉ có hai quyền, trong đó rất mở nhưng nghĩa vụ thì quy định một loạt, trong đó có nghĩa vụ rất chung chung như "nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật" - đại biểu Xuân An dẫn chứng. Vì vậy, đại biểu này cho rằng, nếu chúng ta siết lại được phạm vi người ảnh hưởng tham gia quảng cáo thì sẽ quy định cụ thể nghĩa vụ, quyền hạn của người này một cách cụ thể.
Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm bồi thường khi quảng cáo sai
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng, cần bổ sung, rà soát các quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, pháp lý của người có ảnh hưởng. Việc có cơ chế quản lý riêng với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng là cần thiết.
Bà Phúc lý giải, những người nổi tiếng làm việc trong các cơ quan, tổ chức, khi họ quảng cáo sai sự thật thì cơ quan tổ chức đó cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, đồng thời phải quy chế hoạt động nội bộ cụ thể về đạo đức nghề nghiệp khi tham gia hoạt động quảng cáo, cũng như quy định rõ hình thức vi phạm.
Còn đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn Thái Bình - cho rằng, người ảnh hưởng tham gia quảng cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai của mình.
Bà Thu cũng dẫn kinh nghiệm một số nước, như Mỹ, yêu cầu người nổi tiếng phải tiết lộ rõ ràng mối quan hệ tài chính với thương hiệu khi quảng cáo sản phẩm. Quảng cáo phải trung thực, không gây hiểu lầm về hiệu quả hoặc tính năng của sản phẩm. Hàn Quốc cũng cấm các hoạt động quảng cáo trá hình trên mạng xã hội, nếu vi phạm có thể bị phạt tối đa 2% doanh thu quảng cáo hoặc tối đa 500 triệu won (khoảng 8,7 tỷ đồng). Năm 2022, quốc gia này còn bổ sung quy định cấm nghệ sĩ làm làm gương mặt đại diện cho các hãng rượu để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.
Quảng cáo trực tuyến cần có cơ chế cảnh báo tự động nội dung vi phạm
Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân - Đoàn TPHCM - góp ý, Ban soạn thảo cần làm rõ và bổ sung một số quy định cụ thể về quảng cáo trên nền tảng số. Cần quy định cụ thể quy trình và trách nhiệm của bên liên quan đối với việc kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng, xác minh danh tính của người quảng cáo.
Cụ thể, người quảng cáo phải cung cấp giấy phép kinh doanh hoặc tài liệu pháp lý hợp lệ. Nền tảng quảng cáo có trách nhiệm lưu và cung cấp thông tin khi cơ quan chức năng yêu cầu. Nền tảng quảng cáo trực tuyến phải có cơ chế cảnh báo tự động về các quảng cáo xuất hiện cạnh nội dung vi phạm pháp luật, giúp người tiêu dùng nhận biết được.
Về quảng cáo ngoài trời, theo đại biểu Trân, không cần quy định về kiểu dáng, kích thước, chất liệu vì như vậy không khuyến khích sự sáng tạo và không phù hợp với không gian thực tế. Việc áp dụng quy định quảng cáo ngoài trời chưa khả thi với thực tế. Thay vào đó, cần đưa ra các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật xây dựng lắp đặt quảng cáo phải đảm bảo mỹ quan đô thị và đặc biệt là đảm bảo an toàn công trình giao thông.