Người nhà mời luật sư cho người đang bị tạm giữ, tạm giam được không?

*Bạn đọc hỏi: chị Nguyễn Minh A., trú tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) hỏi: Chồng tôi sinh năm 1977, trú tại TPthành phố Hội An, làm nghề thợ mộc. Ngày 05/01/2025, chồng tôi vừa bị Công an TPthành phố Hội An đến nhà và bắt giữ để điều tra về hành vi buôn lậu gỗ quý từ Lào về Việt Nam. Trước giờ ông ấy là người hiền lành, chăm chỉ, chưa từng có tiền án, tiền sự nào. Tôi muốn hỏiTôi muốn hỏi, tôi có thể mời Luật sư tham gia bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chồng của tôi hay không?

Luật sư Trương Đức Trung.

Luật sư Trương Đức Trung.

*Luật sư Trương Đức Trung (Văn phòng Luật sư Phong & Partners – Chi nhánh Quảng Nam) trả lời:

Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, quyền bào chữa là một trong các quyền cơ bản của công dân khi tham gia tố tụng. Thông thường, để bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bị buộc tội thường mời những người có chuyên môn pháp lý và kinh nghiệm hành nghề để bào chữa cho mình. Tuy nhiên, khi người bị buộc tội đang bị tạm giam thì sẽ gặp khó khăn trong việc trực tiếp mời luật sư bào chữa. Do đó, pháp luật đã tạo điều kiện để những người thân thích của họ như vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột, hoặc người đại diện hợp pháp được phép thay họ thực hiện quyền này. Cụ thể tại Điều 75 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định:

“Điều 75. Lựa chọn người bào chữa

1. Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn.”

Như vậy căn cứ theo quy định trên thì chị A. có thể mời Luật sư tham gia bào chữa cho chồng của chị. Thời điểm chị A có thể mời Luật sư tham gia bào chữa cho chồng chị được quy định tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 như sau:

“Điều 74. Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng

Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.”

Theo đó, Luật sư có thể tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chồng chị A. ngay từ bây giờ. Để Luật sư có thể tham gia quá trình tố tụng, chị A. cần phải liên hệ đến các cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư và yêu cầu họ cung cấp dịch vụ pháp lý cũng như yêu cầu Luật sư tham gia bảo vệ cho chồng chị. Sau khi nhận được yêu cầu của chị A., Luật sư sẽ thực hiện các thủ tục đăng ký bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Trong trường hợp chị A. có đơn yêu cầu nhờ Luật sư bào chữa cho chồng của chị hiện đang bị tạm giam thì Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có trách nhiệm tiếp nhận đơn yêu cầu này và thông báo cho chồng chị để có ý kiến về việc nhờ Luật sư bào chữa. Nếu chồng Đối với trường hợp chồng chị A đồng ý việc nhờ Luật sư bào chữa, trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận đủ giấy tờ đăng ký bào chữa, Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ghi vào sổ đăng ký bào chữa và gửi văn bản thông báo người bào chữa ngay cho Luật sư. Khi đó, Luật sư sẽ có đầy đủ các quyền của người bào chữa theo quy định tại Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

“Điều 73. Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa

1. Người bào chữa có quyền:

a) Gặp, hỏi người bị buộc tội;

b) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;

c) Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;

d) Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;

đ) Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;

e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;

g) Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

h) Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

i) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

k) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;

l) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;

m) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;

n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

o) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật này.”

Như vậy, khi trở thành người bào chữa cho bị can, bị cáo, Luật sư được quyền tham gia vào một số hoạt động điều tra của cơ quan điều tra như được phép gặp và hỏi bị can, bị cáo; tham gia quá trình hỏi cung, đối chất để đảm bảo cho quá trình điều tra diễn ra một cách công bằng, minh bạch và đúng theo quy định của pháp luật. Việc có sự tham gia, theo dõi sát sao của Luật sư, người có kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn ngay từ những buổi đầu của quá trình tố tụng sẽ góp phần giúp bị can, bị cáo hiểu rõ quyền lợi của mình, trình bày đầy đủ các tình tiết liên quan để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp.

Khi đảm nhận vai trò bào chữa cho chồng chị A., Luật sư không chỉ hỗ trợ pháp lý mà còn vận dụng các biện pháp phù hợp theo quy định pháp luật để chứng minh chồng chị A. vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho chồng của chị . Sự tham gia của Luật sư trong quá trình điều tra giúp chồng chị A có điều kiện trình bày rõ ràng về vụ việc, cung cấp chứng cứ cần thiết, qua đó tạo cơ sở bảo vệ quyền lợi một cách hiệu quả.

Từ những phân tích trên có thể khẳng định rằng không chỉ bị can, bị cáo có quyền mời Luật sư bào chữa cho mình mà những người thân thích của họ cũng có thể thay họ thực hiện việc này. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người không biết quy định này dẫn đến việc bỏ qua cơ hội mời Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người thân mình khi họ vướng vào một vụ án hình sự. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chồng, chị A. thì chị A. cần tìm kiếm một Luật sư chuyên về lĩnh vực hình sự để thực hiện các thủ tục tham gia tố tụng và bào chữa cho chồng của chị.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nguoi-nha-moi-luat-su-cho-nguoi-dang-bi-tam-giu-tam-giam-duoc-khong-post308381.html
Zalo