Người mẹ kế và bài học yêu thương
Khi người mẹ kế sống bằng tâm chân thật, không cầu lợi, không mong báo đáp, thì chính đời sống của bà đã được đáp đền bằng lòng hiếu thảo, thành đạt và hạnh phúc từ con cái.
Nhớ người xưa có câu “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”, kể về người phụ nữ, làm lẽ, làm kế mà yêu thương, quý mến con của chồng là… hiếm, hầu như không có! Vâng, lời “đúc kết” dân gian có thể đúng, nhưng không phải tuyệt đối, bởi thực tế có người phụ nữ, phận làm lẽ (mẹ kế) nhưng vẫn coi con đẻ của chồng như chính con mình sinh ra.
Trường hợp của Nguyễn Thị Hiền, một người cùng quê với tôi là ví dụ điển hình, khi cô may mắn được sống với người mẹ kế đầy tình yêu thương suốt những năm tháng ấu thơ cho tới khi trưởng thành.
Tấm lòng người mẹ… không sinh mà dưỡng
Mới lên ba tuổi, Hiền đã chịu tổn thất lớn nhất trong cuộc đời, đó là người mẹ sinh thành ra cô lìa xa cõi đời vì một cơn bạo bệnh. Bố Hiền còn trẻ tuổi, con còn quá nhỏ và không muốn sống nốt quãng đời còn lại trong sự cô quạnh, thiếu vắng hơi ấm của người phụ nữ, nên sau khi cải táng vợ, nhờ mai mối của người quen, ông đã cưới một người phụ nữ quá lứa lỡ thì ở làng bên.
Khi bố có ý định lấy vợ, dì ruột của Hiền (em mẹ) lo rằng cháu sẽ vất vả, thậm chí khổ sở khi người phụ nữ khác về làm vợ anh rể mình.

Hình minh họa tạo bởi AI.
Thế nhưng, thay vì sự ái ngại, lo lắng ấy, khi bố Hiền lấy người phụ nữ kia về thì hàng xóm đều ngỡ ngàng vì sự chăm sóc đối xử của “người mẹ mới” với bé Hiền. Cô chăm lo cho Hiền từ miếng cơm, ngụm nước, dạy em học mỗi tối, dù công việc nhà, việc đồng áng luôn tối tăm mặt mũi. Không hề giả tạo, tình thương yêu, sự ân cần dạy bảo của người mẹ kế đối với Hiền xuất phát tự đáy lòng.
Bởi khi lớn lên, Hiền mới hiểu tấm lòng người mẹ kế, chứ lúc đó chưa đủ lớn để cảm nhận. Hầu như chẳng bao giờ mẹ kế nặng lời hay đánh đòn Hiền, mặc dù đôi lúc em cũng bướng bỉnh cãi lời, hay không chịu làm, chịu học… Thấy Hiền chưa ngoan, mẹ kế nhẹ nhàng chỉ bảo, dạy dỗ từng chút để em hiểu và sửa chữa. Khi thấy chòm xóm và cả người anh rể của mình kể về những đức tính trên cả tuyệt vời của người mẹ kế thì không chỉ dì ruột, mà ông bà ngoại của Hiền cũng mát dạ và yên tâm, bởi Hiền không chịu khổ, cơ cực như đại đa số những đứa trẻ trong cảnh sống khắc nghiệt cùng mẹ kế.
Khi những đứa em được sinh ra từ người mẹ kế, tưởng Hiền sẽ ít được quan tâm, chiều chuộng, thế nhưng tình thương của mẹ kế dành cho Hiền vẫn không đổi khác. Người mẹ ấy không có sự phân biệt trong cách sống, cách cư xử giữa con mình và con chồng. Hiền từng kể với ông bà ngoại: “Mẹ đối xử với cháu tốt lắm. Mẹ mua quần áo mới cho các em thì cũng mua cho cháu. Thậm chí nhiều khi còn mua cho cháu nhiều hơn …”.
Hiền là người chăm học, lại học khá nên mẹ kế luôn động viên Hiền cố gắng để mai này thi đỗ đạt, tạo dựng sự nghiệp cho đời đỡ khổ. Mẹ kế luôn tạo điều kiện cho Hiền, như mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, không thiếu thứ gì, mặc dù kinh tế gia đình không mấy khá giả. Những buổi học thêm ở nhà thầy cô, bạn bè mẹ kế đều nhắc Hiền đi đủ, luôn giành làm việc nhà để Hiền có nhiều thời gian học. Năm Hiền đỗ vào cấp 3 trường chuyên của huyện, phải đi học xa, mẹ kế đã mua cho Hiền một chiếc xe đạp khá hiện đại để em đi học đỡ vất vả.
Hiền quá may mắn khi có người mẹ kế luôn tạo điều kiện để được học hành đến nơi đến chốn, chứ ở đời quá ít những đứa trẻ mồ côi mẹ lại may mắn như thế, bởi lẽ thường khi có dì ghẻ, những người con chồng thường phải bỏ dở việc học để làm việc lo toan cuộc sống, chứ mấy ai được đối tốt và còn được đảm bảo học hành.

(Ảnh: Internet)
Thời gian thấm thoắt, ba năm học THPT qua nhanh, Hiền đỗ tốt nghiệp loại giỏi, thi đại học với số điểm Á khoa của một trường danh tiếng. Cuộc đời thực sự sang trang khi Hiền vào đại học, rồi thành tài với công việc ổn định, lương cao khi ra trường. Hiện tại, Hiền ngoài ba mươi tuổi, đã mua được nhà riêng tại một khu chung cư ven thành phố. Công việc ổn định trong một cơ quan nhà nước, cùng một gia đình nhỏ đầm ấm hạnh phúc.
Chồng của Hiền hết mực thương yêu vợ, hiện làm cho một công ty liên doanh nước ngoài, có thu nhập cao, hai con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, con trai bảy tuổi và con gái năm tuổi… Đó là “gia tài” quý giá, mà có lẽ nếu không có mẹ kế tuyệt vời thì Hiền sẽ không bao giờ có thể có được ngày hôm nay.
Nghĩa mẹ như biển rộng - từ nhân sinh đến đạo lý
Biết ơn lòng tốt, sự chân thật, hết lòng vì con cái của mẹ kế, hầu như tuần nào là Hiền cũng tranh thủ ngày cuối tuần đưa chồng con về thăm ông bà nội, ngoại và nhất là người mẹ kế tuyệt vời. Mỗi lần về quê, Hiền đều ra siêu thị thật nhiều quà để mang về biếu mẹ kế. Thấy con gái chăm sóc mình quá, mẹ kế nhiều lần bảo: “Thôi, mẹ còn khỏe, vẫn làm được nên vẫn có tiền để mua sắm các thứ. Các con cứ dành dụm tiền còn lo liệu cho con cái học hành và tương lai của chúng nó sau này, chứ lấy đâu mà lần nào về cũng mua cho mẹ nhiều thứ, tốn kém…”. Thấy con gái tình cảm, chăm lo cho mẹ, bố Hiền cũng vui, mãn nguyện vì ông đã không sai lầm khi tìm đúng người phụ nữ giàu tình cảm, đủ sức gánh vác trọng trách của người vợ cả để nuôi dưỡng, dạy dỗ Hiền nên người.

Hình minh họa tạo bởi AI.
Có thể nói, trong câu chuyện ấy, người mẹ kế đã gieo hạt giống thiện lành bằng tình thương vô điều kiện, vượt qua định kiến và cả giới hạn của quan hệ huyết thống.
Trong Kinh Thiện Sinh, đức Phật từng dạy về sáu phương phải gìn giữ, trong đó, bổn phận của cha mẹ đối với con cái không chỉ nằm ở việc sinh thành, mà còn ở việc “dạy điều hay, lẽ phải”, “lo cho ăn học”, “gả cưới đúng lúc”… Người mẹ kế trong câu chuyện này đã thực hành trọn vẹn tinh thần đó, bằng lòng từ bi không phân biệt, bằng sự nhẫn nại và vị tha.
Nhà Phật cũng dạy: “Tâm là gốc của muôn pháp”. Nếu trong tâm có tình thương, thì ta sẽ tự nhiên hành thiện, sống thiện và mang đến phúc lành cho người khác. Và như Hiền, người con được nuôi dưỡng trong tình yêu thương đó, cũng không quên ơn nghĩa, luôn trở về thăm mẹ, báo hiếu bằng tất cả chân tình. Đây chính là quả lành của một nhân lành đã được gieo trồng từ thuở thiếu thời.
Câu chuyện đời thực này là minh chứng rõ nét cho đạo lý nhân quả, rằng “gieo nhân nào gặt quả ấy”. Khi người mẹ kế sống bằng tâm chân thật, không cầu lợi, không mong báo đáp, thì chính đời sống của bà đã được đáp đền bằng lòng hiếu thảo, thành đạt và hạnh phúc từ con cái.
Đức Phật từng dạy: “Không có sự khác biệt giữa nước mắt của con ruột hay con nuôi, nếu cả hai đều rơi vì tình thương chân thật”. Lòng yêu thương vượt khỏi danh phận, huyết thống, chính là biểu hiện của từ tâm, cốt lõi trong giáo lý đạo Phật.
Yêu thương là gieo hạt giải thoát
Được “mục sở thị” gần như suốt cuộc đời của Hiền, từ tấm bé cho tới khi thành đạt, tôi mới ngẫm thấy trên cuộc đời này không phải người mẹ kế, dì ghẻ nào cũng ác độc, khắt khe,… với con chồng, giống như miệng lưỡi người đời từng “đúc kết”!
Con người với con người, sống là để yêu thương, luôn nảy nở tình cảm mến, vì thế những người phận lẽ, mẹ kế đâu nhất thiết cứ phải đối xử với con chồng không ra gì, bởi nếu một khi mình đối xử tốt, tình cảm với con chồng thì sẽ nhận được không chỉ cảm tình, mà sự quý trọng, kính mến.
Quy luật cho-nhận của cuộc sống đôi khi thật công bằng, khi bạn cứ cho đi, bạn sẽ nhận nhiều hơn, “gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy”! Khi mình sống tốt thì cuộc đời không phụ công mà sẽ trả lại cho bạn sự ngọt ngào, tình yêu thương...
Tác giả: Nguyễn Thúy Uyên - Trường Đại học Thủ Đô