Người lao động tự do ở TP.HCM ngậm ngùi ăn Tết xa quê
Ngày Tết, ai cũng muốn sum vầy với gia đình và người thân, tuy nhiên, mong muốn đó không phải ai cũng được trọn vẹn. TP.HCM có khoảng 2,3 triệu lao động phi chính thức (lao động tự do), chiếm đến 48% lao động của Thành phố. Công việc bấp bênh, Xuân Ất Tỵ này, nhiều người không về quê đón Tết do khó khăn.
Thu nhập giảm, không dám mua sắm Tết
Ngày cận Tết, anh Nguyễn Văn Tý ở xóm trọ đường Võ Duy Ninh, Phường 22, quận Bình Thạnh chạnh lòng khi thấy dòng người tất bật mua sắm và về quê đón Tết. Hơn 5 năm nay, anh chưa về quê ăn Tết, sum vầy cùng gia đình.
Quê anh Tý ở xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Về quê anh cũng không tốn nhiều tiền tàu xe. Tuy nhiên, cái khó đã kéo chân anh lại, bởi thu nhập của cả gia đình anh trong năm chỉ đủ nuôi cả nhà 4 người và dành dụm tiền học cho hai đứa con. Về Tết sẽ mất nhiều khoản chi phí hơn và phải thiếu trước hụt sau.
Anh Tý kể, nghề sơn nước của anh năm qua rất khó khăn, thời gian làm và thu nhập giảm 1/3 so với trước. Vợ anh làm nhân viên bán hàng ở siêu thị lương “cứng” gần 6 triệu đồng/tháng. Thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ đủ gói ghém lo tiền nhà trọ và chi phí ăn, uống, sinh hoạt trong gia đình.
Tiền học của 2 đứa con học lớp 4 và lớp 1 đều trông cậy vào anh Tý. Vì vậy, những lúc không có việc làm, anh tranh thủ đi phụ hồ, nhưng thợ hồ cũng bấp bênh lúc có, lúc không. Tết này, anh cũng đến chợ đầu mối bưng, vác hàng để kiếm thêm tiền.
Phòng trọ chưa tới 20m2 cộng thêm căn gác lửng là nơi sinh sống của gia đình anh Tý bao năm nay. Tết này, vợ chồng anh cũng chỉ dám mua bình hoa vạn thọ cho phảng phất chút xuân, chứ không dám mua sắm gì thêm.
Tết chở vợ con ra đường hoa Nguyễn Huệ chơi, chụp hình…Sau đó đưa đi thăm ba, mẹ vợ ở trọ tại quận 12. Ngày Tết, vợ tôi nấu mâm cơm cúng ông, bà với những món như thịt kho hột vịt, canh khổ qua, còn bánh, mứt thì nhà rất ít mua.
Xóm trọ của anh Tý có hơn 25 người quê ở miền Tây và làm nhiều công việc khác nhau. Năm nay khó khăn nên có đến hơn 2/3 số người không về quê đón Tết.
Bà Nguyễn Thị Nô, 68 tuổi quê ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cùng chung xóm trọ, làm lao công, dọn vệ sinh. Bà Nô làm thời vụ ở những tòa nhà cao tầng ở khu vực gần nhà trọ, thu nhập mỗi tháng khoảng 5,8 triệu đồng. Sau khi đóng tiền nhà trọ gần 1 triệu đồng/tháng và chi tiêu cho bản thân, hàng tháng bà gửi tiền về quê để phụ con gái nuôi 2 đứa cháu ngoại.
Tết, bà nhớ mùi nồi bánh tét nấu đêm 30 chờ đón giao thừa, nhớ không khí chộn rộn làm mứt dừa, lặt lá mai… Nhưng việc làm năm nay cũng không ổn định, thu nhập bấp bênh nên bà cũng không về quê đón Tết.
Để kiếm thêm thu nhập, bà Nô đăng ký đi làm luôn 3 ngày Tết, vì tiền công cao hơn ngày thường. Tết ở xóm trọ của bà Nô rất đơn giản. Bà Nô chỉ mua 1 hộp bánh, mứt để cúng và sau đó ăn mấy ngày Tết. Cũng không chưng hoa, cúng trái cây gì vì phòng trọ chật quá.
Tiết kiệm từng đồng nuôi con, nuôi cháu
Gia đình chị Bùi Thị Hằng, 45 tuổi, quê ở Hà Nam vào miền Nam đã hơn chục năm và Tết này cũng không về quê. Chị tính nhẩm, nếu về quê, chi phí cho chuyến về Tết của gia đình chị như sau: Tiền vé xe, cả nhà đã tốn gần hai chục triệu, chưa kể quà cáp nội ngoại, tiền tiêu vặt, lễ Tết... Số tiền ấy là cả một gia tài đối với gia đình chị. Tiêu hết không biết sau Tết sống ra sao. Bởi hai vợ chồng chi chỉ buôn bán trái cây dạo, sống tằn tiện từng đồng để lo tiền nhà, tiền học cho con. Đi bán dạo cả ngày chỉ kiếm được 200-300 nghìn đồng chỉ đủ trả tiền nhà với tiền ăn. Vì vậy, hai vợ chồng chị không dám nghĩ đến việc về quê dịp Tết.
Vả lại, cận Tết cũng là dịp bán trái cây phục vụ Tết nên vợ chồng chị cố gắng thức khuya, dậy sớm lấy hàng Tết về bán để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Năm nay chị bán hàng đến hết 29 tháng Chạp, mùng 3 Tết bán lại.
Ngày Tết, không khí nhộn nhịp của phố phường dường như không chạm tới cánh cửa căn trọ nhỏ ấy, vì nó chẳng có gì khác ngày thường. Gần chợ, hai vợ chồng chị “ăn tới đâu mua tới đó”. Mâm cơm tất niên cũng vài món cơm, canh đơn giản, không đào, mai, không bánh chưng hay bánh tét. Bởi chị bảo kiếm được đồng nào là phải dành dụm lo cho con cái, bởi tình hình buôn bán của tiểu thương mỗi ngày một khó.
Năm nay không có tiền nên không về được. Tết mà chị Hằng lo lắm, lấy hàng được nhưng bán không được, người bán nhiều hơn người mua do họ cũng đã dần về quê trong khi những năm trước buôn bán khấm khá hơn. "Muốn về lắm, thích về, bố mẹ ở quê cứ gọi điện hoài vì ai mà không muốn con cái về cho đông vui. Cũng nhớ nhưng đành chấp nhận thôi".
Ở cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu, nhưng bà Nguyễn Thị Sáu, 69 tuổi, quê huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi vẫn tất bật mưu sinh. 10 năm nay bà làm công việc chăm sóc một cụ già liệt giường ở quận Bình Thạnh.
Dù gia đình chủ luôn sẵn lòng cho phép bà về quê dịp Tết, nhưng chi phí cho việc đi về không nhỏ nên bà đành gác lại nỗi nhớ nhà. Bà Sáu dành dụm từng đồng để gửi về quê phụ nuôi con, nuôi cháu. Năm nay, bà tự tay gói giò thủ, mua nước mắm, trái cây, bánh kẹo và cả nhang thơm đóng gói gọn gàng gửi về quê phụ con cháu cúng giỗ cha mẹ, ông bà tổ tiên.
Giỗ cha, giỗ mẹ, Tết nào cũng khóc vì nhớ nhà, tủi thân. Bây giờ về thì không có tiền chứ ai lại không nhớ nhà. Thay vì chi tiền xe về Tết, mua quà thì gửi về cho con lo liệu chứ về cũng hết tháng lương. Thương cụ bà cũng như thương cha mẹ mình, nếu về sẽ không có ai thay thế, chăm sóc.
Đêm giao thừa, bà Sáu lặng lẽ bày biện mâm cơm cúng cho gia chủ và tâm niệm rằng đây cũng là nhà để vơi bớt nỗi niềm nhớ quê ngày Tết.
Năm mới, những người lao động xa quê ở TP.HCM mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp, kinh tế Thành phố phát triển tốt hơn để họ có thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, để khi Tết đến, xuân về được sum vầy cùng gia đình nơi quê nhà.