Người lao động trước kỷ nguyên mới

Đứng trước ngưỡng cửa phát triển và vươn mình mạnh mẽ của dân tộc, mỗi công dân, người lao động cần không ngừng đổi mới, sáng tạo để bắt nhịp với thời đại.

Lực lượng lao động giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: ĐỖ QUYẾT

Lực lượng lao động giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: ĐỖ QUYẾT

Ngày 1/5/1886 đã đi vào lịch sử nhân loại như cột mốc khẳng định vai trò và sức mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đó không chỉ là cuộc bãi công đòi quyền lợi chính đáng của 40.000 công nhân, người lao động tại TP Chicago (Mỹ) mà sự nổi dậy mạnh mẽ, toàn diện này đã thúc đẩy giai cấp vô sản đấu tranh chống áp bức, bất công trong xã hội. 3 năm sau sự kiện này, Quốc tế cộng sản II quyết định lấy ngày 1/5 hằng năm là ngày biểu dương lực lượng của tầng lớp vô sản các nước.

Tại Việt Nam, cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh là minh chứng cho sự trưởng thành, lớn mạnh của giai cấp công nhân. Lực lượng này không còn cam chịu mà đã mạnh dạn đấu tranh trực diện với giai cấp bóc lột. Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong ngày này, công nhân, lao động cả nước sẽ được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương. Từ đó đến nay, Ngày Quốc tế lao động 1/5 là ngày hội của giai cấp công nhân, người lao động, tôn vinh lực lượng sản xuất, lao động xây đắp tiến bộ, phồn vinh trong xã hội.

Trong tiến tình lịch sử dân tộc ta, ở bất kỳ giai đoạn nào, công nhân, người lao động luôn đóng vai trò quan trọng. Đảng ta đã lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động đứng lên giành độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khi cánh cửa hội nhập rộng mở, lực lượng công nhân càng ra sức sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Và khi cả nước đang nỗ lực bước vào kỷ nguyên vươn mình thì lực lượng lao động lại giữ trọng trách lớn lao. Bởi nếu không có cú hích từ lao động sẽ không tạo ra bứt phá trong sản xuất để kinh tế - xã hội chuyển dịch mạnh mẽ, nhất là khi nước ta đang dần trở thành công xưởng lớn của thế giới.

Công nhân, người lao động cần được quan tâm, chăm lo, góp phần tái tạo sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: ĐỖ QUYẾT

Công nhân, người lao động cần được quan tâm, chăm lo, góp phần tái tạo sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: ĐỖ QUYẾT

Ở Hải Dương, lực lượng lao động dồi dào vốn là lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 390.000 công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ đã qua đào tạo, có chứng chỉ đạt 32,7%. Xác định lao động là một trong những trụ cột, tạo động lực phát triển, thời gian qua, Hải Dương có nhiều giải pháp, chính sách nhằm nâng cao chất lượng lao động. HĐND tỉnh đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Tỉnh cũng quan tâm, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng về nhà ở, trường học… để công nhân an tâm làm việc. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã phát huy vai trò, trở thành chỗ dựa tin cậy cho người lao động.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng lực lượng lao động của tỉnh vẫn còn những hạn chế, cần sớm được khắc phục để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đó là tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn hay việc đào tạo nghề còn chưa phù hợp làm cho cung - cầu lao động lệch nhịp. Thiết chế cho công nhân, người lao động vẫn còn thiếu và yếu, phần nào khiến họ chưa thể toàn tâm, toàn ý, say sưa lao động, sáng tạo…

Đứng trước cơ hội lịch sử khi cả nước bước vào kỷ nguyên mới, với vai trò là lực lượng nòng cốt, công nhân, người lao động phải chủ động thích ứng bằng cách học hỏi, sáng tạo không ngừng. Ngay trong nội bộ lực lượng lao động phải có sự chuyển dịch, từ phổ thông, đại trà hướng đến nguồn lao động chất lượng cao với trình độ, tay nghề vượt trội. Khi lực lượng sản xuất tiến bộ mới tạo ra sự phát triển bền vững.

HOÀNG LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguoi-lao-dong-truoc-ky-nguyen-moi-410604.html
Zalo