Người lái đò, bến nước, dòng sông 'chảy' vào văn chương

Văn học cận đương đại được hiểu như nền văn học nghệ thuật trước thời kỳ hiện tại cách đây chí ít cũng nửa thế kỷ nằm trong dòng thời gian của văn chương và văn học cận đại (tính từ đầu thế kỷ 20).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu cho rằng, văn chương, văn học hiện đại Việt Nam có xuất xứ từ văn học dân gian kết hợp với văn học viết mà thành. Trong đó, văn chương được xem như là những biểu tượng “vật thể” phi vật chất, thể hiện qua các loại hình văn hóa, nghệ thuật như ca hát, hò vè, ngâm vịnh, phú, đối họa,…

Nước Việt từ Nam chí Bắc là một dải đất có nhiều hệ sinh thái: Biển đảo, đồng bằng, núi rừng, sông suối với nhiều cộng đồng dân tộc mang những nền văn hóa giàu bản sắc, đặc trưng,…Nhưng về ngôn ngữ thì văn chương Việt là nền tảng, tinh hoa đóng vai trò chủ đạo, tiêu biểu.

Nước ta có rất nhiều sông, hầu như địa phương nào cũng có sông. Miền xuôi, miền ngược đều có sông:

“Chẳng rộng xa một tầm cò vỗ cánh

Cũng xinh xinh đôi sải chèo quẫy mạnh

Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng

Mỗi con người gắn bó một dòng sông”

(Thơ Bế Kiến Quốc)

Và đã có sông thì tất nhiên sẽ có bến nước và người lái đò. Ba chủ thể ấy gắn kết nhau, đi vào văn chương tự bao giờ? Có lẽ, từ rất lâu trong lịch sử, trước khi có những cảm hứng sáng tác bởi những tao nhân mặc khách, những người của “muôn năm cũ”. Nếu quan sát, khảo cứu, người ta rất dễ thấy hình ảnh dòng sông, bến nước, người lái đò xuất hiện khá nhiều trong văn hóa dân gian. Chàng Trương Chi chài lưới trên sông, đậu đò ở bến nước gần nhà quan Thừa tướng có cô con gái tên Mỵ Nương nết na, xinh đẹp. Nàng Mỵ Nương tương tư tiếng sáo của chàng nghệ sĩ dân gian. Trương Chi lại trót si tình người đẹp lầu son… Chuyện tình lãng mạn ấy diễn ra, gắn liền với không gian con đò, bến nước, dòng sông - đặc trưng địa lý của vùng đất kinh kỳ, phố hội của nước Việt xưa.

Soạn giả cổ nhạc nổi tiếng Viễn Châu đã soạn nên vở tuồng cải lương Đò chiều biên giới hào hùng và bi tráng được biểu diễn thành công trên nhiều sân khấu ở miền Nam trước năm 1975. Nội dung kịch bản kể lại câu chuyện hy sinh oanh liệt của một sư nữ tên Huệ Thu, cô xuất gia đầu Phật, tu niệm ở một thảo am bên sông. Tuy ngày ngày dưa muối kệ kinh nhưng lòng cô luôn khôn nguôi nỗi thù nhà nợ nước. Giặc Minh xâm lược đã tàn phá quê hương, giết chết những người thân của cô. Và sư nữ đã xin sư phụ rời chốn thiền môn, giả dạng làm người lái đò trên sông Đà nơi biên giới để đưa đón nghĩa quân qua sông và tìm cơ hội giết kẻ thù. Một hôm, có một tốp giặc Minh gọi đò, Huệ Thu đưa chúng qua giữa khúc sông thì nhận chìm đò. Bọn giặc không biết lội nên chết đuối giữa dòng Đà giang mênh mông sóng dữ.

Những dòng sông, bến nước, người lái đò đã trở thành hình tượng nghệ thuật, nguồn cảm hứng dạt dào, chất xúc tác lãng mạn cho các văn, nghệ sĩ say mê, hưng phấn, miệt mài sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị nhân văn và nghệ thuật, để lại dấu ấn trong lòng người thưởng thức và đôi khi sống mãi với thời gian.

“Vua” giai điệu Bolero, cố nhạc sĩ Trúc Phương đã sáng tác bài Đò chiều vào năm 1959, còn để lại nhiều cảm xúc qua bao tháng năm: Một chiều ngàу nào trên bến cô liêu/ Xóm bên sông tiêu điều/Buồn hắt hiu mâу chiều/ Đò của người thôn nữ chờ đưa người νiễn xứ/ Đi muôn nơi xa xôi…

Nhà văn Nguyễn Tuân với bút ký đặc sắc Người lái đò sông Đà đã để lại dấu ấn trong lòng biết bao thế hệ học sinh… Sông Đà hùng vĩ, lãng mạn nhưng cũng không kém phần hung dữ và người lái đò gắn bó cả cuộc đời với dòng sông ấy luôn hiểu với một tình yêu không thể chia cách được. Sông Đà như một “con người” có máu thịt, có buồn vui chảy mãi về xuôi. Sông cũng như người, bởi vậy có câu “hồn sông nước”… Nguyễn Tuân đã viết: “… Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời. Đá ở đây ngàn năm vẫn mai phục hết trong dòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quảng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền…”. Và khuôn mặt nên thơ, lãng mạn của sông Đà được khắc họa: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn khói núi Mèo đốt nương xuân”. Còn người lái đò được khắc họa: “Tay lêu nghêu như cái sào, chân khuỳnh ra như kẹp lấy một cái bánh lái tưởng tượng, giọng nói ào ào như thác lũ sông Đà, nhãn giới vòi vọi như nhìn về một bến xa nào đó...”.

Trong văn chương nghệ thuật, hình tượng người lái đò thường được biểu hiện thông qua hình ảnh nhân vật “ông lái đò” hoặc “cô lái đò”, “chị lái đò”. Rất ít khi ta gặp “chú lái đò” hay “bà lái đò”, mặc dù hai đối tượng này có khá nhiều trong cuộc sống đời thường:

Tôi đã gặρ một chiều trên bến nước.

Ông lái đò ngồi đợi khách sang sông

Gió đưa nhẹ đôi hàng lau lả lướt

Ông lái buồn đưa mắt mỏi mòn trông

(Ông lái đò - nhạc Hiếu Nghĩa)

Bỏ thuyền bỏ lái bỏ dòng sông

Cô lái đò kia đi lấy chồng

Vắng bóng cô em từ dạo ấy

Để buồn cho những khách sang sông!

(Cô lái đò - thơ Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Đình Phúc)

Tôi đưa đoàn chiến sĩ qua sông,

Được chị lái đò kể cho tôi nghe chuyện người con gái.

(Hoa mua trắng - ca cổ Ngự Bình)

Còn “bến nước” gặp rất nhiều trong văn, thơ, nhạc, kịch, phim, ảnh,… từ Bắc chí Nam: Bến sông Thương, bến Bình Ca, bến Ngự, bến My Lăng, bến Tam Giang, bến Hạ, bến Nhà Rồng, bến Hàm Luông, bến Ninh Kiều, bến Vàm Nao, bến Năm Căn, bến Tô Châu,…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, những dòng sông, bến nước, người đưa đò là những hình ảnh hầu như bất cứ một làng nào của xứ sở sông nước này cũng có. Đã có biết bao tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh hình tượng ấy như là một sắc thái riêng biệt của Đồng bằng sông Cửu Long. Dòng sông, bến nước, con đò vô hình trung đã trở thành máu thịt của cư dân Nam Bộ tự bao giờ!

Dòng sông, bến nước, người lái đò là hình bóng của một góc quê hương thu nhỏ trong tâm thức của nhiều người trong chúng ta, nó lẩn khuất đâu đó, chìm lắng, sâu thẳm dưới lớp bụi thời gian tháng năm chồng chất. Rồi có một buổi chiều xuân nào đó, bất chợt gặp lại dòng sông, ký ức thời thơ ấu nơi quê nhà bỗng quay về, dạt dào với bao cảm xúc thân thương. Và ta biết rằng tình yêu quê hương cho dù có trải qua bao dâu bể, vật đổi sao dời vẫn nồng nàn, đau đáu không hề nhạt phai./.

Những dòng sông, bến nước, người lái đò đã trở thành hình tượng nghệ thuật, nguồn cảm hứng dạt dào, chất xúc tác lãng mạn cho các văn, nghệ sĩ

Mai Lý

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguoi-lai-do-ben-nuoc-dong-song-chay-vao-van-chuong-a188594.html
Zalo