Người là niềm tin tất thắng

'Đất nước nghiêng mình. Đời đời nhớ ơn. Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam…'. Giai điệu bài hát 'Người là niềm tin tất thắng' ngân vang giữa những ngày tháng Năm lịch sử khiến chúng ta trào dâng những cảm xúc đặc biệt.

“Đất nước nghiêng mình.
Đời đời nhớ ơn.
Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam…”.

Giai điệu bài hát “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh ngân vang giữa những ngày của tháng Năm lịch sử khiến chúng ta trào dâng những cảm xúc đặc biệt và khôn tả. Đấy chỉ là một trong những khúc tráng ca trong kho tàng âm nhạc đồ sộ viết về vị lãnh tụ vĩ đại và muôn vàn kính yêu của dân tộc - Hồ Chí Minh.

Ngày 7-5-1954, khi nghe tin quân ta cắm cờ “Quyết chiến Quyết thắng” trên nóc hầm tướng De Castries ở chỉ huy sở Mường Phăng thì nhạc sĩ Đỗ Nhuận bắt đầu viết ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”. Bài hát như một khúc hành ca thấm đẫm chiến thắng của một nước thuộc địa ở phương Đông gây chấn động địa cầu – tô thêm vào trang sử hào hùng và chói lọi của cuộc kháng chiến chống xâm lược của quân và dân Việt Nam.

Thời điểm đó, tại câu lạc bộ Lao Động ở thủ đô London nước Anh, “Phong trào đòi tự do cho các thuộc địa” đã tổ chức một buổi mít-tinh nhân chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi tiếng nhạc bài Quốc tế ca vừa dứt, cố nhạc sĩ Ewan MacColl ôm đàn, bước lên sân khấu. Ông dõng dạc tuyên bố:

“Thưa các ngài và các bạn! Chiều nay, đài BBC đã miễn cưỡng dè dặt đưa tin: Điện Biên Phủ mất rồi! Nhưng với chúng ta, ngày Điện Biên Phủ kết thúc lại là ngày hội lớn của những người lao động bị áp bức trên toàn thế giới. Thưa các bạn! Tại sao chiến thắng đặc biệt có ý nghĩa này lại xảy ra ở Việt Nam mà không phải ở một mảnh đất thuộc địa nào khác? Gần đây, tôi đã được đọc cuốn sách quý, gồm nhiều bài của một số giáo sư Sử học phương Đông, Pháp và Ý... ca ngợi một nhân vật vĩ đại…”

Nhạc sĩ Ewan MacColl ngắt nghỉ: “Vừa gấp cuốn sách lại thì lập tức những cảm hứng nghệ thuật đã tràn ngập tâm hồn tôi. Bài hát này chính là tình cảm của tôi và nhân dân nước Anh dành cho Hồ Chí Minh. Tôi đã chủ tâm sử dụng làn điệu dân ca cổ Saxon, với giai điệu rất sôi nổi, tự hào”.

“Tôi đã sáng tác Ballad of Ho Chi Minh để ngợi ca Người đang nhen lên ngọn lửa giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Từ Việt Nam, ngọn lửa đó bừng sáng và lan nhanh tới mọi lục địa để thiêu cháy sự áp bức và bất công...", Ewan MacColl nhấn mạnh.

Và nhạc sỹ Ewan MacColl cầm đàn lên hát. Giai điệu Saxon của xứ sở sương mù như ngọn lửa bập bùng, bập bùng trong đêm, đưa người nghe từ trời Tây băng qua Đại dương xa xôi sang phương Đông rực ánh mặt trời:

“Miền biển Đông, xa tắp nơi chân trời

Ở nơi xa đó, người dân đói nghèo

Từ đau thương người đi khắp năm châu

Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi

Rọi chiếu sáng dân mình”

Theo lời kể lại, khi đó, cả khán phòng lắng đọng trong âm hưởng Bài ca Hồ Chí Minh. Mỗi khi Ewan MacColl hát xong một đoạn, lập tức trên các hàng ghế chật ních những thủy thủ, binh sĩ, công nhân, sinh viên và cả một số nghị sĩ Quốc hội Anh…Tất cả cùng đồng thanh hô vang: “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!”.

Cuối những năm 60 của thế kỷ XX được coi là thập niên cách mạng với sự bùng nổ mạnh mẽ của nhiều phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa đòi quyền tự do, bình đẳng, dân chủ trên khắp thế giới. Phong trào phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng của thập niên cách mạng, có tác động mạnh mẽ đến hòa bình thế giới.

Năm 1967, trong đêm khai mạc “Liên hoan quốc tế ca hát phản chiến” tại La Habana (Cuba), Ewan MacColl đã biểu diễn bài hát này cùng nữ nghệ sỹ Peggy Seeger - người bạn đời của ông... Rất nhiều tràng vỗ tay đề nghị biểu diễn lại đã cất lên.

“Ewan có một sự đồng cảm lớn với con người Hồ Chí Minh, một nhân cách đáng mến. Hồ Chí Minh ở trong trái tim, trong suy nghĩ của ông ấy. Và có lẽ ở nhiều đất nước, họ cũng ước có một vị lãnh đạo như vậy ở đất nước mình. Có lẽ vậy, bài hát đã đi vào trái tim và thấm vào tâm trí họ”, nghệ sỹ Peggy Seeger - vợ cố nhạc sĩ Ewan MacColl hồi tưởng.

Cố NSƯT Quang Hưng kể lại, ông đã được chính Ewan MacColl dạy hát bài Ballad of Ho Chi Minh bằng tiếng Anh tại Liên hoan quốc tế ca hát phản chiến. Ông vẫn nhớ những thời khắc ấy: “Tôi xúc động đến trào nước mắt khi nghe bài hát ca ngợi Bác của một nhạc sỹ nước ngoài, sống xa Việt Nam tới nửa vòng trái đất. Đêm ấy, hàng ngàn thính giả đã lặng đi khi MacColl hát đến đoạn..."Hồ Chí Minh - mùa xuân, chứa chan muôn niềm tin, người từ chân lý sinh ra, vì thế giới hòa bình, người hiến dâng đời mình. Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh". Tôi chợt hiểu ra rằng: “Hồ Chí Minh” chính là một cái tên Việt Nam khác, đã khắc sâu trong lòng bạn bè thế giới. Ngay lúc ấy, tôi nghĩ về Tổ quốc, nghĩ về Bác, về đồng bào mình đang ngày đêm chiến đấu thống nhất nước nhà.

"Ewan MacColl cầm đàn hát Tiến về Sài Gòn, còn tôi hát bản Ballad Hồ Chí Minh do anh sáng tác, chúng tôi như hòa làm một...”, NSƯT Quang Hưng vẫn giữ nguyên những hình ảnh và cảm xúc khi đó.

Liên hoan kết thúc, giờ phút chia tay tại sân bay Jose Marti ở thủ đô Havana, giữa hàng quân nhạc đang tấu bài Giải phóng miền Nam, cặp vợ chồng nhạc sĩ - chiến sĩ quốc tế Ewan MacColl chạy như bay trên đường băng lao tới ôm chầm lấy các nghệ sĩ Việt Nam rồi trao tận tay bản nhạc “Ballad of Ho Chi Minh” với lời đề tặng trích từ một bài thơ của thi sĩ Mỹ:

“Trên đời có những điều không thể thay đổi

Có những con chim không khuất phục bao giờ

Có những tên người sống mãi với thời gian

Hồ Chí Minh!”.

Năm 1967, Quang Hưng là một trong những ca sĩ nổi tiếng của miền Bắc và thường hay lưu diễn một số nước xã hội chủ nghĩa. Còn Phú Ân là nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng. Cả hai người đều công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Trở về sau chuyến lưu diễn, quà mà Quang Hưng mang về cho Phú Ân chính là Ballad of Hồ Chí Minh của Ewan MacColl với mong muốn Phú Ân “bắt” được hồn ca khúc để viết lời Việt.

Tháng 5/1967, đúng sinh nhật Bác, lần đầu tiên Bài ca Hồ Chí Minh vang lên ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Giọng hát ngọt ngào của Quang Hưng cất lên trên nền nhạc đệm guitar kèm tiếng huýt sáo ngẫu hứng khiến Bài ca Hồ Chí Minh từ một bản nhạc mang tính hành khúc trở thành một bài ca đầy xúc cảm, "chứa chan muôn niềm tin" và tự hào.

Bài hát với ca từ dễ hiểu, dễ thuộc và dễ đi vào lòng người, đặc biệt là điệp khúc "Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh" rất ấn tượng với nhiều người. Người nghe như đắm mình cùng tác giả khi nghe kể về con đường tìm đường cứu nước và tiến đến giải phóng dân tộc của Bác Hồ kính yêu bằng âm nhạc.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam và cả nhân loại, hiếm có vị lãnh tụ nào được kính trọng, yêu mến và ngợi ca nhiều như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tài năng và nhân cách của Người luôn là niềm cảm hứng bất tận cho nhiều văn nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế. Từ những tình cảm thiêng liêng, kính yêu dành cho Người, các nhạc sỹ đã viết nhiều ca khúc về Bác với giai điệu thiết tha, sâu lắng, tạo cảm xúc thân thương đi vào lòng người.

Cuối năm 1945, tại Ấu Trĩ Viên (nay là Cung thiếu nhi Hà Nội) diễn ra một buổi sinh hoạt của Đội Thiếu niên Tiền phong. Lúc đó cố nhạc sĩ Phong Nhã mới 21 tuổi đang là Tổng phụ trách Nhi đồng cứu quốc Hà Nội. Khi có câu hỏi thảo luận: “Ai yêu Bác Hồ nhất”? được đưa ra thì các em đồng thanh trả lời rõ ràng: "Thiếu niên, nhi đồng yêu Bác Hồ nhất ạ!". Tình cảm chân thành, trong sáng của các em đã ngay lập tức tác động đến người phụ trách - nhạc sĩ Phong Nhã. Những nốt nhạc đầu tiên vang lên trong tâm trí, ông cầm lấy cây mandolin "chạy tiếp' những nốt nhạc tiếp theo...

“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam”.

Tháng 4/1946, Phong Nhã hoàn thành bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, một trong 4 bài hát đầu tiên của nhạc sỹ viết về Bác.

Tháng 19/5/1946, lần đầu tiên kỷ niệm ngày sinh nhật của Bác tại Phủ Chủ tịch, các em thiếu nhi đã hát vang bài hát này tặng Bác.

Bác sĩ Trần Duy Hưng lúc đó có mặt trong lễ mừng sinh nhật Bác Hồ kể lại rằng, khi nghe câu hát: “...Bác nay tuy đã già rồi, già rồi nhưng vẫn vui tươi...” thì Bác cười và nói với mọi người: "Bác đã già đâu nhỉ?". Lúc đấy, mọi người cùng cười rôm rả theo Bác.

“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” nằm trong chùm tác phẩm được trao tặng “Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật” của nhạc sĩ Phong Nhã. Ca từ trong sáng, giản dị nhưng toát lên hình ảnh vị Chủ tịch kính yêu như một người ông, người cha thân thương, gần gũi đến lạ thường. Giai điệu bài hát như theo mãi tuổi thơ mỗi người và để rồi hình ảnh của Bác mãi tồn tại trong lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều khắc nhớ ngày sinh nhật của Bác Hồ kính yêu với cảm xúc khôn nguôi khi hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - trái tim của cả nước với tấm lòng trân trọng, tri ân và thành kính. Sinh nhật Bác, không chỉ là ngày kỷ niệm, mà còn là ngày nhắc nhớ về cội nguồn của độc lập, của chiến thắng, của hạnh phúc ngày hôm nay.

Chương trình chính luận nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” được Đài Hà Nội tổ chức vào ngày 19/5 sẽ là cuộc hành trình bằng ngôn ngữ nghệ thuật thấm đẫm tình cảm đầy thiêng liêng dâng lên Người nhân dịp Kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh. Hành trình ấy sẽ dẫn dắt người xem từ Làng Sen, đi suốt theo năm tháng “lênh đênh bốn biển” tìm đường cứu nước, đến những ngày “cháo bẹ rau măng” gian khổ nơi núi rừng Việt Bắc và cho tới ngày Người trở về gắn bó với Thủ đô Hà Nội.

120 phút của chương trình được dàn dựng công phu với sự hòa quyện, đan xen của những tiết mục nghệ thuật đặc sắc và các phóng sự truyền hình với nhiều tư liệu quý báu sẽ cùng gợi lại những thời khắc lịch sử, những năm tháng không quên trong sự nghiệp vĩ đại của Người.

"Người là niềm tin tất thắng” hứa hẹn sẽ chạm vào trái tim khán giả bằng những giai điệu mộc mạc, bằng tình cảm chân thành, bằng những hình ảnh dung dị như chính con người Bác - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Chương trình chính luận nghệ thuật “Người là niềm tin tất thắng” diễn ra lúc 20h tối 19/5 tại Trường quay S5 Đài Hà Nội; truyền hình trực tiếp trên Kênh H1, H2, FM96 và các nền tảng số của Đài Hà Nội.

Biên tập: Lê Bình
Thiết kế Thanh Nga

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nguoi-la-niem-tin-tat-thang-329789.htm
Zalo