Người kể chuyện trên sắc màu thổ cẩm

Họ kể câu chuyện của cộng đồng Xê Đăng trên sắc màu thổ cẩm, ở đó không chỉ là hồn cốt của dân tộc, mà ngày càng phát triển mạnh hơn, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa.

Bà Y Khen (trái) và nhiều phụ nữ Xê Đăng nỗ lực phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Minh Ngọc

Bà Y Khen (trái) và nhiều phụ nữ Xê Đăng nỗ lực phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Minh Ngọc

Sắc màu của Xê Đăng

Bên khung dệt bằng tre nứa, đôi tay bà Y Khen (thôn Đắk Niêng, xã Măng Bút, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) lúc nào cũng thoăn thoắt và mềm mại bên khung dệt. Gần 60 tuổi, nhưng bà Y Khen học nghề dệt thổ cẩm từ mẹ và bà ngoại khi mới 15 tuổi. Cũng như bao cô gái khác, ngày trước, người con gái Xê Đăng nào cũng biết trồng bông, kéo sợi, nhuộm sợi và dệt vải. Tuy nhiên, kể từ khi sợi chỉ có mặt nhiều trên thị trường, chị em không còn phải tốn nhiều công sức trồng bông, xe sợi mà mua sợi về dệt. Dần dần, nghề trồng bông thất truyền, nghề dệt thổ cẩm cũng chấp chới bên bờ quên lãng khi quần áo may sẵn về đến tận đầu làng với giá rẻ.

Ở Đắk Niêng, nhiều phụ nữ như bà Y Khen và Y Doa, hay Y Trương như những con ong cần mẫn dệt vải mỗi ngày, vừa để tạo sinh kế, vừa để giữ gìn văn hóa truyền thống. Y Khen bảo, bà yêu nghề dệt thổ cẩm như cái cách của người Xê Đăng yêu nhà Rông, bến nước. Bà yêu những vẻ đẹp của những người đàn ông, phụ nữ khoác lên mình bộ áo quần thổ cẩm, rồi cùng nhau đánh chiêng, múa xoang trong hương men rượu cần bên bếp lửa bập bùng mỗi mùa lễ hội. Vì vậy, bằng mọi cách, bà Y Khen và Y Doa dệt vải để giữ nghề dệt thổ cẩm. “Để chứng minh cho dân làng thấy việc giữ gìn nghề dệt là quan trọng, mình và Y Doa cặm cụi bên khung cửi nhiều ngày liên tục quyết dệt được một tấm vải đẹp nhất, sau đó may thành váy áo để mặc cho bà con xem. Mình nói với người làng rằng, đồ dệt bằng tay sẽ bền và tốt hơn đồ mua sẵn. Thời gian đầu, bà con vẫn quyết không nghe nhưng sau này, họ cũng xuôi vì thấy mình nói đúng” - bà Y Khen thủ thỉ như thế khi vừa luồn sợi dệt vải.

Nếu như đan lát, rèn sắt là nhiệm vụ của người đàn ông thì dệt thổ cẩm là công việc của người phụ nữ để đáp ứng nhu cầu ăn mặc hàng ngày trong gia đình. Để có những tấm vải thổ cẩm đẹp với những đường nét, hoa văn độc đáo là cả một quá trình lao động sáng tạo khá công phu. Để tạo màu sắc cho sợi chỉ, đồng bào thường dùng các loại củ, lá, quả của cây rừng để ngâm nhuộm. Màu sắc chủ yếu thường là đen, xanh, đỏ, vàng... trên nền đen chàm. Đường nét, màu sắc hoa văn trên trang phục mang những ý nghĩa khác nhau theo quan niệm của mỗi đồng bào. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, mỗi tấm thổ cẩm như là một tác phẩm nghệ thuật giàu hình tượng, biểu cảm.

Những nữ nghệ nhân ở Măng Bút đã truyền hơi thở của cuộc sống vào từng hoa văn, từng đường dệt, màu sắc, thổi vào đó cái hồn mang yếu tố tâm linh, huyền bí và cả ước muốn, sức sống của cộng đồng. Đặc biệt, hoa văn dệt và cách phối màu trên vải của đồng bào nơi đây vẫn còn giữ được nguyên vẹn, không bị pha tạp. Bà Y Khen chia sẻ thêm, một tấm thổ cẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn như lấy bông, xe sợi, nhuộm sợi... với yêu cầu sự tỉ mỉ, óc sáng tạo và sự khéo léo.

Trong xu thế hòa nhập hiện nay, trang phục truyền thống không được giới trẻ ưa chuộng nhiều, tuy nhiên, các bà, các mẹ vẫn tỉ mẩn miệt mài phơi sợi, dệt vải, nhuộm chàm... làm từng bộ quần áo, chiếc khăn, tấm choàng với mong muốn lưu giữ nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống dân tộc. Trong những năm gần đây, các bà, các mẹ, các chị ở Măng Bút vẫn dệt nên những tấm thổ cẩm đủ sắc màu và ứng dụng nhiều cho sản xuất. Thời gian qua, để thu hút du khách, những nghệ nhân ở đây đã phối hợp các màu sắc truyền thống như trắng, đỏ, đen, xanh đen, vàng, cam đỏ... với nhiều màu sắc khác để tạo ra gam màu phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Hiện nay, bà Y Khen và các chị em trong làng tạo ra các sản phẩm từ nghề dệt chủ yếu là khăn choàng cổ, áo, chăn đắp, khố, túi xách... phục vụ nhu cầu của người dân cũng như khách du lịch quốc tế với giá thành phù hợp: 1 tấm choàng với giá 400 nghìn đồng, 1 túi xách tay 300 nghìn đồng, 1 bộ áo váy nữ 1 triệu đồng, 1 áo nam 300-400 nghìn đồng.

Niềm hy vọng ở đất núi

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong huyện Kon Plông luôn quan tâm và có nhiều giải pháp động viên các nghệ nhân và người dân trong huyện khôi phục, giữ gìn và phát triển các nghề truyền thống theo Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719. Trong đó, xác định mục tiêu công tác bảo tồn, phát huy nghề truyền thống. Hiện nay, nghề truyền thống trên địa bàn huyện Kon Plông cần khôi phục và bảo tồn gồm 7 nghề: nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, nghề rèn, nghề chế tác nỏ, nghề làm rượu ghè, nghề tạc tượng, nghề chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống. Trong đó, đẩy mạnh việc phát triển 3 nghề, đó là nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, nghề làm rượu ghè.

Nguyên liệu để làm nên tấm vải thổ cẩm của người Xê Đăng. Ảnh: Minh Ngọc

Nguyên liệu để làm nên tấm vải thổ cẩm của người Xê Đăng. Ảnh: Minh Ngọc

Ngày 14/5/2024, tại thôn Đăk Lanh (xã Măng Bút) đã ra mắt mô hình “Nhóm phụ nữ dệt thổ cẩm” cho phụ nữ Xê Đăng trên địa bàn do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kon Plông phối hợp với UBND xã Măng Bút tổ chức với 11 phụ nữ Xê Đăng tham gia. Đây là mô hình nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số, đồng thời, gìn giữ, lưu truyền nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Xê Đăng. Tổng kinh phí thực hiện là 103 triệu đồng. Trong đó, 63 triệu đồng để làm khung dệt, mua chỉ màu và mở các lớp tập huấn truyền dạy nghề dệt, 50 triệu đồng do hộ gia đình có thành viên nhóm dệt đối ứng để làm mới, tu sửa mở rộng diện tích nhà ở có khu vực ngồi dệt vải. Chị Ngô Thị Na, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kon Plông cho hay, mục đích của mô hình là bên cạnh giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, còn góp phần gìn giữ, lưu truyền nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Xê Đăng trong cộng đồng và quảng bá những hình ảnh đẹp, nét văn hóa đặc trưng, làng nghề truyền thống của người phụ nữ Xê Đăng nói riêng, phụ nữ dân tộc thiểu số nói chung.

Ở Măng Bút bây giờ, nhiều lên rồi những người phụ nữ dệt thổ cẩm, những người như Y Hinh, Y Hai, Y Den, Y Giên, Y Chiên (thuộc thôn Đắk Lanh), Y Khen, Y Doa, Y Trương (thôn Đắk Niêng), Y Đùm, Y Sên, Y Hên, Y Hieh (thôn Kô Chắk). Nhờ tính cần cù, chịu khó, lại tỉ mỉ, khéo léo của những người phụ nữ đảm đang này mà thổ cẩm được trao truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ, góp phần phát triển kinh tế và làm giàu thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Ông A Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút cho biết, thời gian qua, UBND xã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân trên địa bàn phát triển một số nghề truyền thống nhiều tiềm năng của địa phương như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, làm nhạc cụ, đàn bầu. Trong đó, đặt hàng các nghệ nhân làm ra các sản phẩm thổ cẩm với mẫu mã đẹp mắt để trưng bày, quảng bá, trao đổi mua bán tại các quầy trưng bày, điểm du lịch. Mục tiêu của chính quyền các cấp là không chỉ giúp người dân bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, mà còn tạo ra được các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, đồng thời, tìm kiếm các kênh tiêu thụ, tạo điều kiện cho người dân có nguồn thu nhập từ sản phẩm làng nghề. Từ đó, giúp bà con gắn bó hơn với nghề truyền thống này.

"Hiện nay, mô hình bảo tồn nghề dệt thổ cẩm kết nối du lịch di sản tại Măng Bút đã góp phần bảo tồn và phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hóa dân tộc Xê Đăng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương" - ông A Vinh nhấn mạnh.

Minh Ngọc - Ngô Na

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-ke-chuyen-tren-sac-mau-tho-cam-post483840.html
Zalo