Người họa sĩ gắn bó sâu sắc với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Họa sĩ Ngọc Linh là một trong những gương mặt tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực hội họa và thiết kế bối cảnh điện ảnh. Các tác phẩm của ông không chỉ là những bức tranh đơn thuần, mà còn là những câu chuyện giàu cảm xúc, thể hiện rõ tình yêu quê hương, đất nước và sự gắn bó sâu sắc với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc.

Họa sĩ Ngọc Linh phiêu trên từng nét vẽ. Ảnh: Ngọc Ánh
Tại triển lãm cá nhân lần thứ 12 mang tên “Con đường của tôi” diễn ra tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam mới đây, người xem được tiếp cận với nhiều mảng sáng tác quen thuộc của họa sĩ Ngọc Linh, như phong cảnh và sinh hoạt của đồng bào miền núi phía Bắc, các góc phố Hà Nội xưa cũ. Đặc biệt, lần này, ông còn giới thiệu 4 mảng sáng tác mới, chưa từng được công bố chính thức: Loạt tranh về đất mỏ Quảng Ninh, vịnh Hạ Long; các phác thảo thiết kế bối cảnh và poster phim; bộ truyện tranh vẽ cho Nhà xuất bản Kim Đồng; cùng bộ 7 tranh sơn mài và 1 tranh sơn khắc.
Loạt tranh về Quảng Ninh và vịnh Hạ Long là minh chứng cho tinh thần sáng tạo bền bỉ của ông. Để hoàn thành bộ tranh này, năm 1969, ông đã dành gần 2 tháng tại Quảng Ninh, sáng tác 100 bức tranh khổ lớn bằng bột màu trên giấy A0. Họa sĩ Ngọc Linh đã đạp xe từ Hà Nội tới Quảng Ninh, mang theo bảng vẽ, bút, bột màu, keo da trâu và vài bộ quần áo. Ông được Tỉnh ủy Quảng Ninh cho mượn một căn lô cốt trên khu mỏ đèo Nai để ở và sáng tác. Dưới điều kiện khắc nghiệt, ông vẫn miệt mài vẽ từ sáng sớm đến tối mịt, mỗi ngày hoàn thành 1–2 bức tranh.
Bộ truyện tranh về cuộc đời Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - Sùng Dúng Lù là một thành tựu đặc biệt khác. Lấy cảm hứng từ bài viết trên Báo Nhân Dân năm 1968, họa sĩ Ngọc Linh đã tái hiện câu chuyện này bằng 42 bức tranh nhỏ. Mỗi khung hình được bố cục như một cảnh phim, với ánh sáng, góc máy và nội cảnh, ngoại cảnh chuẩn chỉnh, thể hiện rõ sự ảnh hưởng từ kinh nghiệm thiết kế bối cảnh phim truyện và sân khấu của ông. Bộ truyện tranh sau đó được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành, trở thành tác phẩm gây tiếng vang lớn.
Dù là tranh về phong cảnh vùng cao, câu chuyện của người dân tộc thiểu số hay bối cảnh điện ảnh, tranh của họa sĩ Ngọc Linh đều toát lên sự say mê, tỉ mỉ và tư duy nghệ thuật sắc bén. Họa sĩ Trịnh Lữ từng nhận xét: “Phẩm chất hội họa của Ngọc Linh nằm ở khả năng tạo hình hùng biện, khiến người xem phải dừng lại, chú ý lắng nghe. Ông vẽ các khung cảnh như thể đó là một bối cảnh phim, một câu chuyện lớn được kể qua tranh”.
Ở tuổi 95, họa sĩ Ngọc Linh vẫn xuất hiện đầy minh mẫn và tinh tường tại triển lãm. Nụ cười rạng rỡ và nguồn năng lượng tích cực từ ông khiến những người xung quanh đều cảm thấy vui vẻ, phấn chấn. Họa sĩ Ngọc Linh chia sẻ: “Xem tranh của tôi, ai cũng trẻ ra, cũng thấy vui vẻ, hạnh phúc. Tôi luôn muốn vẽ để ai xem cũng thấy đất nước mình quá đẹp! Cả cuộc đời, biết bao giờ vẽ cho hết cái đẹp của đất nước”.
Họa sĩ Ngọc Linh gọi các bức tranh của mình là “mùa Xuân”. Ông cho rằng, chỉ có người hạnh phúc mới có thể vẽ ra những bức tranh tươi sáng, đầy sức sống. Mỗi bức tranh của ông đều tràn ngập niềm vui, sự lạc quan và tình yêu cuộc sống.
Nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông cũng khẳng định rằng: “Hội họa của Ngọc Linh là hội họa của mùa Xuân vĩnh cửu”. Tranh của ông là kết tinh của hơn nửa thế kỷ lao động nghệ thuật, từ những năm tháng chiến tranh khốc liệt cho đến cuộc sống hòa bình ngày nay. Dù là tranh về phố cổ Hà Nội, núi rừng Tây Bắc hay những bối cảnh phim, tranh của ông luôn bừng sáng qua đôi mắt hồn hậu và trái tim nồng ấm.
Họa sĩ Ngọc Linh tên thật là Vi Văn Bích, sinh năm 1930 tại Hà Nội. Ông là người dân tộc Tày, quê gốc Lạng Sơn. Ông theo học mỹ thuật tại chiến khu Việt Bắc từ năm 1950-1954, dưới sự dẫn dắt của các bậc thầy như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn... Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và công tác tại Điện ảnh Đồi Cọ, An toàn khu Việt Bắc.
Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, họa sĩ Ngọc Linh đã tổ chức 12 triển lãm cá nhân, mỗi triển lãm là một dấu mốc quan trọng trong hành trình nghệ thuật của ông. Ngoài hội họa, Ngọc Linh còn để lại dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực truyện tranh và mỹ thuật điện ảnh. Ông từng vẽ nhiều bìa sách và minh họa cho Nhà xuất bản Kim Đồng, tạo nên phong cách riêng biệt, giàu bản sắc dân tộc. Không chỉ thành công trong lĩnh vực hội họa, Ngọc Linh còn để lại dấu ấn đậm nét trong điện ảnh. Ông đã thiết kế cho 25 bộ phim điện ảnh, trong đó có những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam như: “Vợ chồng A Phủ”, “Chung một dòng sông”, “Kim Đồng”, “Sao tháng Tám”. Ông cũng là người thiết kế bối cảnh cho nhiều vở kịch nói, sân khấu nổi tiếng.
Ở tuổi 95, họa sĩ Ngọc Linh vẫn tiếp tục sáng tác. Với ông, vẽ tranh là một niềm vui, một cách để sống hết mình và mang lại hạnh phúc cho mọi người. Tranh của họa sĩ Ngọc Linh là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật, cuộc sống và tâm hồn - như mùa Xuân vĩnh cửu trong trái tim người nghệ sĩ.