Người 'giữ lửa' nghệ thuật truyền thống

Dù đã bước qua tuổi 70, nhưng Nghệ nhân nhân dân Phan Thị Kim Dung (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) vẫn miệt mài học hỏi và thắp lên ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật truyền thống cho các thế hệ sau, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Đam mê nghệ thuật cổ truyền

Nghệ nhân nhân dân Phan Thị Kim Dung. Ảnh: Bảo Lâm

Nghệ nhân nhân dân Phan Thị Kim Dung. Ảnh: Bảo Lâm

Vừa đến cổng nhà văn chỉ của làng Mọc, phường Quan Nhân, chúng tôi đã nghe thấy tiếng đàn, tiếng hát ngọt ngào, đầy tâm tình vọng lại. Đó là buổi tập luyện của các thành viên Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân chuẩn bị cho buổi biểu diễn sắp tới. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân chính là Nghệ nhân nhân dân Phan Thị Kim Dung, một người đam mê với âm nhạc cổ truyền suốt 6 thập kỷ qua. Bà vừa được vinh danh Công dân ưu tú Thủ đô năm 2024.

Chia sẻ về thuở niên thiếu và những kỷ niệm với nghệ thuật hát xẩm, bà Kim Dung bồi hồi nhớ lại: “Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Từ nhỏ tôi đã được học những điệu hát xẩm, hát chèo, hát văn từ cha tôi là nghệ nhân Phan Đức Hậu. Ông đã truyền dạy cho tôi niềm đam mê với âm nhạc cổ truyền, đặc biệt hát chầu văn, “đặc sản” di sản văn hóa phi vật thể của Nam Định”.

Nghệ nhân nhân dân Phan Thị Kim Dung (áo dài hồng, người thứ 2 từ trái qua) vinh dự nhận danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2024. Ảnh: NVCC

Nghệ nhân nhân dân Phan Thị Kim Dung (áo dài hồng, người thứ 2 từ trái qua) vinh dự nhận danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2024. Ảnh: NVCC

Bén duyên với nghệ thuật từ thuở lên 9, lên 10, lớn lên với những làn điệu dân ca nhạc cổ của người cha, người mẹ, tới năm 11 tuổi, bà Kim Dung đã được gặp và học hỏi nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. “Đó là may mắn và cũng là cái duyên của tôi. Hôm đó, năm, sáu chị em chúng tôi xuống tỉnh chơi, đúng lúc cụ Hà Thị Cầu đang dạy hát cho đoàn chèo Hà Nam. Chúng tôi xin vào xem và nghe cụ dạy hát, thích lắm. Tôi bày tỏ niềm đam mê của mình và được cụ chỉ dẫn thêm nhiều điều. Từ đó, hát xẩm ngấm vào máu của tôi, cho đến giờ lúc nào tôi cũng thấy văng vẳng bên tai tiếng cụ hát”, bà Kim Dung nói.

Nhờ những lời ca, điệu hát cổ truyền được thấm đượm từ nhỏ cùng với sự kèm cặp của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu mà sau này lớn lên bà Kim Dung đã có cơ duyên gắn bó với nghệ thuật âm nhạc dân gian hơn 60 năm qua. Theo nghệ nhân Kim Dung, để biểu diễn một bài xẩm, nghệ nhân cần phải thành thục trong việc chơi nhạc cụ, kết hợp hát và chơi nhạc sao cho ăn khớp và hòa quyện nhất. Vì thế, đến tận bây giờ, khi đã ngoài 70 tuổi, bà vẫn tìm đến các nghệ nhân có tiếng như Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch để học hỏi. Bà Kim Dung bộc bạch: “Tôi muốn học các đàn anh để có thể trau dồi thêm kỹ thuật, hát cho hay hơn và truyền dạy cho các con, các cháu dễ hiểu, dễ nhớ hơn”.

Bà Kim Dung hướng dẫn thành viên tập luyện cho đẹp. Ảnh: Bảo Lâm

Bà Kim Dung hướng dẫn thành viên tập luyện cho đẹp. Ảnh: Bảo Lâm

Bà Kim Dung cùng luyện tập với các thành viên. Ảnh: Bảo Lâm

Bà Kim Dung cùng luyện tập với các thành viên. Ảnh: Bảo Lâm

Bà Kim Dung cùng luyện tập với các thành viên. Ảnh: Bảo Lâm

Bà Kim Dung cùng luyện tập với các thành viên. Ảnh: Bảo Lâm

Bà Kim Dung trao đổi với các thành viên câu lạc bộ. Ảnh: Bảo Lâm

Bà Kim Dung trao đổi với các thành viên câu lạc bộ. Ảnh: Bảo Lâm

"Câu lạc bộ ra đời trên đất làng Mọc là để phục vụ cho dân làng. Từ đó đến nay Câu lạc bộ hoạt động rất tích cực, hiệu quả, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và sự tin tưởng của các cấp, các ngành từ quận đến thành phố. Mỗi dịp lễ hội, ngày tết, ngày kỵ thánh, ngày mừng thọ hay các hội nghị của phường, quận, câu lạc bộ đều dàn dựng, biểu diễn nhiều tiết mục nghệ thuật dân gian"

Nghệ nhân nhân dân Phan Thị Kim Dung

Cũng chính vì niềm đam mê với nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, bà Kim Dung đã thành lập Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân từ năm 2009. Câu lạc bộ ban đầu chỉ vỏn vẹn 14 người, tới nay đã thu hút hơn 50 người tham gia. Các thành viên phần lớn là những người đã lên ông, lên bà. Ngoài truyền dạy các kỹ năng hát và biểu diễn, bà Kim Dung còn truyền bá các loại hình dân ca vùng miền, dân ca quan họ Bắc Ninh, xẩm, làn điệu chèo cổ, hát văn... cho thành viên câu lạc bộ. 15 năm qua, câu lạc bộ đã trở thành điểm hẹn văn hóa quen thuộc của những nghệ sĩ không chuyên.

Là thành viên câu lạc bộ, bà Nguyễn Thanh Mai chia sẻ: “Hằng tuần tôi cứ mong đến ngày thứ 6 để được gặp cô giáo Dung và thành viên câu lạc bộ. Từ bỡ ngỡ không biết gì, đến nay tôi đã quen với những lời ca, nhịp phách, thuần thục trong từng điệu múa. Chị Dung vừa là cô giáo, vừa là người chị gần gũi, tình cảm, chan hòa, được mọi người yêu mến và tôn trọng. Câu lạc bộ phát triển như ngày hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của chị. Chị Dung là tấm gương, khích lệ cho chúng tôi tiếp tục góp sức để giữ gìn và phát huy nghệ thuật cổ truyền”.

Tiếng thơm của câu lạc bộ cũng ngày một vươn xa hơn, lan tỏa tới nhiều địa phương trong quận, thành phố và cả nước. Năm 2015, bà Phan Thị Kim Dung đã vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở loại hình hát xẩm. Cũng năm đó, bà còn giành được Huy chương Vàng với tiết mục hát Xẩm Nhị tình lời cổ trong Liên hoan Nghệ thuật quần chúng đàn, hát dân ca khu vực Bắc Trung Bộ do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức. Năm 2021, bà đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen về thành tích “Xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” và được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố.

Một buổi tập luyện của Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân. Clip: Bảo Lâm

Miệt mài, tận tâm cống hiến

Dành trọn cuộc đời mình gắn bó với những giai điệu xẩm, chèo cổ và hát văn – những tinh hoa văn hóa trường tồn qua bao thế kỷ, tâm huyết của Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung đã được ghi nhận. Tuy nhiên bấy lâu nay, bà Kim Dung vẫn luôn nặng lòng với những trăn trở tìm kiếm người kế thừa, giữ gìn trọn vẹn bản sắc cốt lõi của nghệ thuật truyền thống. “Những người am hiểu sâu sắc, đầy đủ về hát xẩm, hát chèo, hát văn nay đều đã già, trong khi đó thế hệ trẻ chưa hiểu hết các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống tốt đẹp trong âm nhạc cổ truyền để có ý thức lưu giữ, chỉ sợ đến khi mình không còn sống sẽ không còn ai biết đến”.

Những "nghệ sĩ nhí" cùng Nghệ nhân nhân dân Kim Dung. Ảnh: NVCC

Những "nghệ sĩ nhí" cùng Nghệ nhân nhân dân Kim Dung. Ảnh: NVCC

Do đó, khi được lãnh đạo quận Thanh Xuân mời đứng lớp bồi dưỡng hạt nhân nghệ thuật truyền thống cho các cháu độ tuổi từ 6 - 14 đang học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn, bà nhận lời ngay. Hàng chục lớp học, với hàng trăm trẻ đã được bà Kim Dung truyền dạy những kiến thức về nghệ thuật âm nhạc dân ca cổ truyền. Với Nghệ nhân nhân dân Kim Dung, việc bảo tồn nghệ thuật không chỉ là việc dạy hát mà còn truyền đạt tình yêu và lòng tự hào về văn hóa dân tộc. Dù xã hội có thay đổi, thì văn hóa dân gian vẫn gắn bó với đời sống hàng ngày. Nếu không truyền lại cho thế hệ trẻ, sẽ dần bị lãng quên.

Những buổi tập luyện say mê của Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân. Ảnh: NVCC

Những buổi tập luyện say mê của Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân. Ảnh: NVCC

Nhờ sự tận tâm truyền dạy kỹ năng biểu diễn các môn nghệ thuật truyền thống, các em đã tự tin biểu diễn tại nhiều sân khấu lớn nhỏ như: Tham gia biểu diễn trong lễ hội hoa anh đào, lễ hội văn hóa dân gian; chương trình giao lưu văn hóa hai nước Việt Nam và Trung Quốc… “Điều tôi xúc động và nhớ mãi là khi tham gia dạy múa hát cho trẻ khuyết tật. Tôi đã từng đứng lớp rất nhiều, nhưng mỗi lần dạy các cháu là tôi lại chảy nước mắt, bởi cũng điệu múa ấy với người bình thường thì không quá khó, song với người khuyết tật vận động thì đó là một thử thách lớn. Những cánh tay không lành lặn, cong queo, cầm quạt còn khó nữa là múa, nhưng không gì lay chuyển được ý chí quyết tâm của các cháu. Rất là thương và khâm phục. Tôi vui hơn khi các cháu gửi clip đi thi lại được giải ở Ấn Độ, hạnh phúc lắm”, nghệ nhân nhân dân Kim Dung chia sẻ.

Với bà Kim Dung, được mang những lời ca tiếng hát phục vụ cho dân làng là hạnh phúc. Ảnh: Bảo Lâm

Với bà Kim Dung, được mang những lời ca tiếng hát phục vụ cho dân làng là hạnh phúc. Ảnh: Bảo Lâm

15 năm qua dù không có một khoản thù lao nào cho việc truyền dạy, nhưng nghệ nhân Kim Dung không lấy đó làm buồn, cũng chưa bao giờ bà muốn bỏ cuộc. “Tôi luôn tâm niệm là biết nghề thì truyền nghề, hướng dẫn cho các chị em, con cháu. Cứ đến ngày nhà giáo, tôi lại được chị em gọi là “cô giáo” và chúc mừng, điều đó khiến tôi cảm động và hạnh phúc. Bản thân tôi cũng thấy vui và ý nghĩa khi được mang những lời ca tiếng hát phục vụ cho dân làng, tạo được sân chơi cho bạn bè, bà con, gieo được niềm say mê âm nhạc cổ truyền cho các cháu, để không bị mai một”. Nghe bà bộc bạch về những đam mê với nghệ thuật truyền thống và nỗi niềm đau đáu về việc giữ gìn, lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc, mới thấy được tình yêu và sự tâm huyết của bà.

Nghệ nhân nhân dân Kim Dung ngày thường vẫn giản dị. Ảnh: Bảo Lâm

Nghệ nhân nhân dân Kim Dung ngày thường vẫn giản dị. Ảnh: Bảo Lâm

Không chỉ được biết đến là người truyền lửa nổi tiếng, bà Kim Dung còn là tấm gương sáng trong các phong trào thi đua, đặc biệt là công tác thiện nguyện. Với tấm lòng “Thương người như thể thương thân”, nhiều năm qua, bà Dung tích cực vận động hội viên câu lạc bộ mua chăn ấm, áo len, mũ len, xe lăn… trao tặng cho người khuyết tật, học sinh dân tộc vùng cao Yên Bái và Điện Biên với số tiền trị giá gần 30 triệu đồng; góp sức với Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân tặng quà các cháu học sinh số tiền gần 20 triệu đồng… Bà trở thành tấm gương lan tỏa tới cán bộ, hội viên phụ nữ trong phường, trong quận học tập, làm theo. Cũng chính vì vậy, bà được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội khen thưởng gương điển hình tiên tiến "Phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác" giai đoạn 2018-2023.

Nghệ nhân nhân dân Phan Thị Kim Dung chia sẻ. Clip: Bảo Lâm

Người Nghệ nhân nhân dân ấy ngày thường vẫn giản dị, không trang điểm, đi chiếc xe đạp quanh làng Mọc để tìm người kế cận. “Tôi chỉ mong có sức khỏe để sống với đam mê của mình và góp sức giữ gìn, lan tỏa được những giá trị của âm nhạc dân gian trong đời sống cộng đồng, cũng như sống có ích, giúp được nhiều người hơn, xứng đáng với danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô”, bà Kim Dung chia sẻ.

Với những cống hiến tận tâm, năm 2022, bà được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Đặc biệt, năm 2024, Nghệ nhân nhân dân Phan Thị Kim Dung đã được phong tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô. Với nghệ nhân Kim Dung, danh hiệu này là động lực to lớn để tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ và cộng đồng, khơi dậy niềm đam mê và tình yêu với di sản văn hóa dân tộc.

Dương Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nguoi-giu-lua-nghe-thuat-truyen-thong-689589.html
Zalo