Lo xa cho tết

Tết đã cận kề và những bà nội trợ đã bắt đầu bận rộn với câu chuyện thực đơn.

Khi mà cuộc sống ngày càng đủ đầy, nhiều người không còn quá lo về túi tiền sắm tết, thì một nỗi lo khác lại xâm chiếm. Ấy là nỗi lo mất an toàn thực phẩm.

Cái gì nhìn cũng đẹp mắt, cũng kích thích dịch vị, cũng muốn mua, nhưng trong từng cân giò, cái bánh, túi măng, bó miến... chứa những hoạt chất gì thì không ai biết được. Sử dụng thực phẩm bây giờ nhiều người xác định phải trông chờ vào sự may mắn. Nhất là dịp tết sức mua lớn sự trà trộn trong hàng hóa càng nhiều hơn.

Thì đấy thôi, những vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra gần đây, khiến nhiều người chết, hàng nghìn người phải nhập viện. Mà đâu phải là thức ăn đường phố. Trong số những vụ việc ấy có cả những vụ ngộ độc tiệc chiêu đãi tại hội nghị, bữa ăn học đường... Nghĩa là thực phẩm không mua gom trôi nổi trên thị trường, mà có nhà cung cấp rõ danh tính, thế nhưng vẫn xảy ra sự cố. Gần nhất, vụ cơ quan chức năng phát hiện 20 tấn giá đỗ có chất cấm gây tổn thương nhiều cơ quan nội tạng của người làm rúng động dư luận, hoang mang cho người tiêu dùng ưa thích món ăn này.

Tết vui, nhưng cũng rất nhiều nỗi lo, trong đó nỗi lo mất an toàn thực phẩm rất đáng sợ, bởi người tiêu dùng hiện nay phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường.

Từ hồi giữa năm người trong họ cho biết đang nuôi gần chục con lợn cám từ nguồn tiền kết dư chạp họ năm trước. Trong làng có mấy ao nuôi, họ thống nhất thuê cả một ao tự nuôi, tự quản luôn. Lợn nuôi bằng rau, cám gạo, hệt như thời bao cấp, còn cá thì nuôi bằng thức ăn tự chế, nói không với thực phẩm công nghiệp. Như cách giải thích của một số người trong họ thì kỳ công như thế mới là lợn tết, cá tết, dâng cúng tổ tiên ở nhà thờ họ mới thành tâm. Và nhất là, sau khi dâng cúng con cháu thụ lộc, số cá và thịt còn lại sẽ chia cho các gia đình trong họ về sử dụng vào dịp tết.

Khi nghe câu chuyện mà người trong họ trình bày, tôi không khỏi buồn cười. Bởi giữa thời buổi hàng hóa tràn ngập, ngay đên rau, củ quả ngoại, thực phẩm tây chỉ cần a lô là có ngay, mà lại tính chuyện tự cấp tự túc. Nhưng giờ, sau những câu chuyện mất an toàn thực phẩm đầy lo lắng, thì tôi lại thấy sự lo xa ấy có lý.

Quê tôi không quá xa TP Thanh Hóa, nhưng vẫn giữ được những nét sinh hoạt theo kiểu văn hóa làng. Gần như họ nào cũng thế, đều có sự lo xa cho tết. Với người làng tôi, xu hướng chuẩn bị thực phẩm sạch cho tết không chỉ là một cách tỏ bầy với tiên tổ, mà cũng là một cách phòng vệ cho sức khỏe, để miếng ăn ngày tết an toàn hơn. Tết có thịt sạch, cá an toàn, nghĩa là sẽ có nhiều món ngon được chế biến, tâm lý cũng yên tâm hơn. Giá như họ nào cũng thế, thì nỗi lo mất an toàn thực phẩm dịp tết sẽ giảm đi nhiều.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/lo-xa-cho-tet-236153.htm
Zalo