'Người' giữ đê thầm lặng

Bão lũ đi qua để lại nhiều triền đê xơ xác. Ở Hải Dương, những bụi tre được ví như 'người giữ đê thầm lặng' hiện ra sao?

Những hàng tre chắn sóng ven đê sông Thái Bình góp phần quan trọng giữ vững bờ đê

Những hàng tre chắn sóng ven đê sông Thái Bình góp phần quan trọng giữ vững bờ đê

Ngày bão số 3 chưa đến, lũ sau bão chưa lên, những triền đê bên sông Kinh Thầy, sông Thái Bình và một số con sông khác ở Hải Dương xanh mướt. Nhất là vào những buổi chiều hè, nắng vàng chiếu trên những thảm cỏ xanh mướt triền đê, những lũy tre cao, xanh rì rào trong gió, bãi bồi ven sông cũng xanh màu cà rốt, ngô, khoai... Dưới sông là những lồng cá bạc tỷ ăm ắp hy vọng làm giàu của người nông dân.

Trên đê sông Kinh Thầy đoạn xã Nam Hưng (Nam Sách) còn có những đàn ngựa bạch nhẩn nha gặm cỏ. Những triền đê ấy cũng là nơi người lớn, trẻ nhỏ mỗi chiều về chạy bộ, tập thể thao hay thả sáo diều...

Thế mà, bão số 3 đến, trận lũ nối đuôi về, triền đê, rặng tre chẳng còn xanh...

Nước rút, nhiều khóm tre ven đê xơ xác, lụi tàn và mất đi màu xanh

Nước rút, nhiều khóm tre ven đê xơ xác, lụi tàn và mất đi màu xanh

Hơn 20 ngày sau khi cơn bão số 3 đi qua, 10 ngày sau đợt lũ lịch sử, nước sông Thái Bình, sông Kinh Thầy cao nhất trong 28 năm qua cũng đã rút, cảnh tượng còn lại ở những triền đê từng đẹp như tranh nay vẫn nhuốm màu xơ xác.

Nhiều bãi bồi trồng rau màu ven sông bị xóa sổ, chỉ còn lại bãi đất thẳng băng vừa được bồi thêm phù sa vẫn còn ẩm ướt. Cỏ ở mặt đê phía ngoài sông cũng bớt xanh vì ngâm lâu ngày trong nước lũ. Màu xanh cây lá cũng được phủ thành màu vàng của đất cát khô lại. Ở một số nơi, rác theo lũ trôi về bị mắc lại ngang những lũy tre.

Những chân tre vững chắc còn là nơi người dân bấu víu, neo buộc những lồng cá mùa lũ với đầy hy vọng

Những chân tre vững chắc còn là nơi người dân bấu víu, neo buộc những lồng cá mùa lũ với đầy hy vọng

Buồn nhất là những rặng tre chắn sóng chẳng còn xanh như xưa. Cơn bão với những cơn gió giật mạnh đã làm nhiều cành tre đổ gục. Có bụi chỉ còn loi thoi vài ngọn tre chồi lên giữa ngổn ngang những thân tre gãy. Có khóm tre vì ngâm nước lũ lâu ngày đã chết.

Qua những trận bão, lũ lịch sử, vai trò của những lũy tre ven đê càng được thấy rõ. Những rặng tre tươi tốt từng là "gia tài" của nhiều thế hệ cha ông để lại nhằm bảo vệ bờ đê, bảo vệ những ngôi làng trong đê an toàn mùa mưa lũ.

Sau bão lũ, nhiều thân tre gãy gục ven đê vẫn chưa được cắt tỉa, chăm chút

Sau bão lũ, nhiều thân tre gãy gục ven đê vẫn chưa được cắt tỉa, chăm chút

Bao năm qua, cơ quan chức năng và người dân cùng nhau bảo vệ những rặng tre xanh mướt. Sau bão lũ, những rặng tre ven đê càng cần được chăm chút kịp thời để sớm khỏe lại và tiếp tục làm tốt nhiệm vụ của mình.

Những nhà dân bị tốc mái, đổ tường do bão đã được chung tay hỗ trợ sửa chữa, xây dựng. Vô số cây xanh bị gãy đổ sau bão đã được dọn dẹp. Người dân nhiều vùng bị ngập đã trở lại sinh hoạt, sản xuất ổn định... Các cấp, ngành, người dân cũng phải quan tâm chăm sóc, phục hồi những bụi tre chắn sóng, để "những người giữ đê thầm lặng" đủ sức khỏe che chắn cho những thân đê, những làng mạc, phố phường.

Việc này cần làm ngay từ hôm nay để vun bồi những bụi tre, để chúng ta có thêm chỗ dựa tin cậy cho những mùa bão lũ sau này.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguoi-giu-de-tham-lang-394273.html
Zalo