Người già neo đơn và sự thay đổi cơ cấu dân số

Số liệu thống kê mới nhất do Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố cho thấy số người cao tuổi và số người cao tuổi phải làm việc của nước này tăng cao kỷ lục.

Những ngôi nhà hoang phế tại “thị trấn ma” Nichitsu (Nhật Bản). Ảnh: Jordy Meow.

Những ngôi nhà hoang phế tại “thị trấn ma” Nichitsu (Nhật Bản). Ảnh: Jordy Meow.

Theo đó, ước tính số người trên 65 tuổi trong năm 2024 của Nhật Bản là 36,25 triệu người, tăng 20.000 người so với năm 2023, trong khi cứ 4 người trong nhóm tuổi này thì có 1 người vẫn đi làm thêm. Nhật Bản xác định người 65 tuổi trở lên thì coi là người cao tuổi, hiện chiếm 29,3% tổng dân số. Con số này đã đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có tỷ lệ công dân trong nhóm tuổi này cao nhất trên toàn thế giới.

Rõ hơn, tính đến ngày 15/9/2024, phụ nữ từ 65 tuổi trở lên tại Nhật Bản ước tính là 20,53 triệu người, trong khi số lượng nam giới cùng nhóm tuổi là 15,72 triệu người. Khoảng 12,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên, chiếm 10,4% dân số.

Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội Nhật Bản, tỷ lệ người cao tuổi dự kiến sẽ lên tới 34,8% dân số vào năm 2040.

Như vậy, Nhật Bản đứng đầu trong “top 5” có tỷ lệ người cao tuổi nhất thế giới: Italy (ở mức 24,6%), Bồ Đào Nha (24,5%), Hàn Quốc (19,3%) và Trung Quốc là 14,7%.

Cơ cấu dân số thay đổi đã thực sự trở thành vấn đề xã hội đối với Nhật Bản, trong đó có việc ngày càng nhiều người già neo đơn. Vẫn theo Viện Nghiên cứu an sinh xã hội và dân số của nước này, tới năm 2050, số hộ gia đình chỉ có người già neo đơn được dự báo sẽ chiếm tới 1/5 tổng số các hộ gia đình; với khoảng 10,8 triệu người cao tuổi sống một mình.

Hiện ở các vùng nông thôn Nhật Bản có tới 9 triệu căn nhà bỏ hoang. Nhiều ngôi làng rộng lớn trải dài trên các sườn đồi nằm trơ trọi mà người Nhật gọi là “akiya”. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự già hóa nhanh chóng và làn sóng di cư từ nông thôn lên thành phố lớn của lớp trẻ đã diễn ra hàng chục năm qua. Trong số những “akiya” trên khắp nước Nhật thì làng Nanmoku (tỉnh Gunma) với 67% dân cư hơn 65 tuổi và trở thành làng có dân số già nhất đất nước. Tương tự, thị trấn Kanna cũng chỉ đông vui khi mùa xuân đến do khách du lịch từ thành phố tò mò muốn đến xem “làng người già”.

Còn ngôi làng được cho là “cô đơn” nhất Nhật Bản là Nagoro trong thung lũng Shikoku thuộc tỉnh Tokushima. Nơi cư dân trẻ nhất cũng đã 50 tuổi và hơn 20 năm qua chưa từng được đón một trẻ sơ sinh nào.

Số người già ngày càng tăng sẽ dẫn đến chi phí y tế và phúc lợi tăng cao. Trong bối cảnh đó, rất đáng lo ngại là một bộ phận giới trẻ Nhật Bản lại có xu hướng trì hoãn kết hôn hoặc chọn không sinh con.

Bảo Thư

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-gia-neo-don-va-su-thay-doi-co-cau-dan-so-10290875.html
Zalo