Người gây dựng phong trào nơi vùng khó
Tại rẻo cao huyện Sìn Hồ - nơi đồng bào Mông có cuộc sống gắn với núi rừng, điều kiện kinh tế thiếu thốn, hủ tục, phong tục lạc hậu còn tồn tại đã xuất hiện câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Đó là chị Vàng Thị Hoa - Phó Chủ tịch HĐND xã Pu Sam Cáp, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã - điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nghị lực vượt khó vươn lên; tiên phong trong mọi hoạt động, phong trào ở địa phương.
Kỳ 1: Ý chí của người con gái Mông
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó, tuổi thơ của chị Vàng Thị Hoa gắn với vất vả, thiếu thốn cùng câu chuyện “cơm không đủ no, áo không đủ mặc”. Với ý chí vượt khó, quyết thay đổi số phận, chị vượt lên tất cả để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Vào tháng cuối cùng của năm 1990, khi những đợt gió lạnh bắt đầu tràn về, trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở bản Đề Chia (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), Hoa cất tiếng khóc chào đời trong sự mừng rỡ của cha mẹ và các anh, chị. Là con thứ 5, sinh ra vào thời điểm kinh tế khó khăn, cô bé Hoa lớn lên từ những bát mèn mén, cơm trộn ngô, khoai và canh rau rừng. Thuở ấu thơ, tan trường, Hoa cùng các anh, chị dắt trâu ra đồng, chăm sóc con gà, con vịt, lên nương đào củ sắn, củ mài, hái rau, đào măng rừng, bắt con tôm, cá ngoài suối để bữa ăn thêm ngon miệng. Đến mùa nước lên, tôm, cá nhiều cũng là niềm vui của Hoa khi đầy rổ mang về cho bố mẹ đem ra chợ bán, có tiền mua gạo, sách vở, quần áo mới. Lúc chăn trâu, Hoa mang bài tập theo, vừa chăn dắt cho trâu ăn cỏ, vừa tìm nơi thoáng mát để đọc sách, làm bài tập. Còn khi tối về thì dùng đèn dầu, ngọn nến thắp sáng học bài, bởi khi ấy điện lưới chưa về đến bản.
Chị Hoa chia sẻ: Cuộc sống khó khăn, sau tôi còn một em nữa nên gia đình càng nghèo đói. Có nhiều bữa, gia đình chỉ có bát gạo nấu cháo để ăn cho qua ngày. Đây cũng là lý do, chị em tôi luôn cố gắng, yêu thương nhau, giúp đỡ bố mẹ, chăm ngoan, nỗ lực trong học tập.

Chị Hoa thăm mô hình kinh tế của hội viên phụ nữ bản Tìa Tê.
Nhận thấy rằng, có kiến thức sẽ giúp đổi thay cuộc sống, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị Hoa đã luôn cố gắng học tập. Thời gian rảnh rỗi, chị chịu khó tìm tòi những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi từ các hộ dân trong bản, trong xã. Sau đó, về trao đổi, hướng dẫn bố mẹ lựa chọn cây, giống tốt, cải tạo đất, bón phân, đảm bảo nguồn nước tưới để cây trồng phát triển; làm chuồng nuôi nhốt gia súc, tích cực phòng, chống dịch bệnh. Nhờ vậy, năng suất cây trồng ngày càng tăng; thóc đủ ăn, ngô đảm bảo phục vụ chăn nuôi, gia đình chị không còn bữa đói, bữa no như trước.
Tốt nghiệp phổ thông, năm 2009, chị Hoa thi và đỗ vào Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên với chuyên ngành kế toán. Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, chị Hoa xin làm thêm để vừa có thu nhập vừa tích lũy kinh nghiệm làm việc cũng như cuộc sống. Suốt 3 năm học, chị Hoa đạt nhiều thành tích cao trong học tập, được nhà trường khen thưởng, biểu dương.
Năm 2011, tốt nghiệp, chị Hoa kết hôn với bạn trai học cùng trường và về làm dâu tại bản Tìa Tê (xã Pu Sam Cáp). Ở nơi đây, dân bản đều là dân tộc Mông chị thấy rất thuận lợi trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhà chồng khó khăn, vợ chồng chị cũng xin ra ở riêng để sớm tự lập. Với sự cần cù, chịu khó cùng những kiến thức tích lũy, chị Hoa cùng chồng xây dựng được mô hình kinh tế đáng mơ ước từ chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa. Chị Hoa còn tận tình hướng dẫn, chia sẻ với chị em trong bản cách làm kinh tế để cùng vươn lên.
Nói về chị Hoa, chị Chang Thị Sáng ở bản Tìa Tê nói: Từ khi về làm dâu tại bản, chị Hoa luôn hòa đồng, giúp đỡ mọi người, đặc biệt là chị em trong bản hướng thoát nghèo. Gia đình tôi từng chỉ trồng trọt, có chị Hoa tận tình hướng dẫn, tôi vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, đã mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 70 con gà vịt, 20 con lợn.
Sau 3 năm về làm dâu ở bản Tìa Tê, năm 2014, chị Hoa vào làm nhân viên phục vụ tại trường học trên địa bàn, dù với đồng lương ít ỏi, chị vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong khoảng thời gian chị về bản, chị luôn là hội viên tiêu biểu trong mọi phong trào của Chi hội Phụ nữ bản Tìa Tê. Nhận thấy chị là người có năng lực, hoạt bát trong công việc, hội viên, phụ nữ xã bầu chị là Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN và sau đó bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN rồi đến Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Pu Sam Cáp. Ở cương vị nào, người con gái dân tộc Mông ấy vẫn luôn giữ đam mê tự học, nỗ lực, hết mình trong cuộc sống, công việc. Và, với chị: khởi đầu từ đam mê, nhưng hành trình đều phải nỗ lực và kết thúc bằng thành công. Hãy dám thách thức chính mình để bước xa hơn và cao hơn trong những năm tháng về sau.
(Còn nữa)