Người dùng nói gì về việc tăng mức phạt vi phạm lên gấp 20-30 lần từ ngày 1/1/2025

Mức phạt mới đang thu hút sự quan tâm của người dân, với nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít lo ngại về áp lực tài chính, đặc biệt cho những người lái xe mới.

Từ ngày 1/1/2025, các vi phạm giao thông sẽ chịu mức phạt hành chính tăng đáng kể, theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông.

Phạt nặng để răn đe: Hiệu quả hay áp lực?

Theo quy định mới, lỗi không chấp hành đèn tín hiệu sẽ bị phạt tới 18-20 triệu đồng, tăng gấp 3-4 lần so với mức hiện tại. Mục tiêu chính của quy định là nâng cao ý thức tuân thủ luật lệ giao thông và giảm thiểu các vụ tai nạn do lỗi chủ quan.

Anh Nguyễn Tuấn Kiệt - một sinh viên tại TP.HCM cho rằng việc tăng tiền phạt là cần thiết để cải thiện ý thức giao thông, đặc biệt trong giới trẻ. “Mức phạt cao sẽ tạo sức răn đe mạnh khiến người tham gia giao thông tuân thủ hơn,” anh Kiệt nhận xét.

Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ mối lo ngại: “Mức phạt này quá cao so với thu nhập của nhiều người, đặc biệt là sinh viên hoặc người lao động phổ thông. Nếu vi phạm, việc chi trả sẽ rất khó khăn.”

Những lo ngại của chủ xe

Không chỉ người trẻ, nhiều tài xế cũng bày tỏ quan ngại về mức phạt mới. Anh Lê Bình Nguyên, một chủ xe tại TP.HCM, cho biết vợ anh, người ít kinh nghiệm lái xe sẽ gặp khó khăn khi phải chấp hành quy định nghiêm ngặt. "Những tài xế mới hoặc lái ít như vợ tôi rất dễ mắc lỗi và mức phạt cao sẽ khiến họ thêm lo lắng," anh chia sẻ.

Anh Bảo Khánh, kỹ sư phần mềm tại TP.HCM nhìn nhận mức phạt cao là cần thiết để nâng cao ý thức. Tuy nhiên, anh nhấn mạnh rằng điều này không ảnh hưởng nhiều đến người luôn tuân thủ luật lệ. "Nếu chấp hành đúng luật, tăng tiền phạt không phải là vấn đề," anh nói.

Tranh cãi về việc loại bỏ bộ đếm giây

Ngoài việc tăng tiền phạt, quy định thí điểm loại bỏ bộ đếm giây tại các đèn giao thông cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Anh Hoàng Bảo, tài xế dịch vụ cho rằng điều này có thể gây khó khăn cho tài xế. “Bỏ bộ đếm ngược khiến chúng tôi khó xử lý kịp thời, dễ bị phạt vì vượt vạch hoặc phanh gấp” anh chia sẻ.

Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc bỏ đếm giây không phải là mới. Tại Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu, hệ thống đèn tín hiệu sử dụng cảm biến giao thông tự động thay vì đồng hồ đếm ngược giúp điều tiết giao thông hiệu quả. Các ứng dụng hỗ trợ như Baidu tại Trung Quốc cũng được triển khai để thay thế bộ đếm truyền thống.

Hướng tới giao thông văn minh

Mặc dù nhiều ý kiến trái chiều, các chuyên gia và người dân đều kỳ vọng quy định mới sẽ mang lại lợi ích lâu dài giúp giảm tai nạn giao thông và xây dựng ý thức tham gia giao thông tốt hơn. Anh Phạm Gia Huy (TP.HCM) nhấn mạnh: “Bộ đếm giây là công cụ hỗ trợ quan trọng.Nếu bỏ đi, cần có giải pháp thay thế để giúp tài xế xử lý an toàn hơn.”

Để đảm bảo hiệu quả, bên cạnh việc tăng mức phạt, các cơ quan chức năng cần triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ, từ cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông đến tăng cường đào tạo cho người lái xe. Quy định mới không chỉ là thử thách mà còn là cơ hội để xây dựng một nền giao thông văn minh, an toàn hơn cho tương lai.

Theo Thể thao 24/7

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xe-va-doi-song/202501/nguoi-dung-noi-gi-ve-viec-tang-muc-phat-vi-pham-len-gap-20-30-lan-tu-ngay-112025-dc94b6f/
Zalo