Người dùng cung cấp nhiều dữ liệu cá nhân lên không gian mạng

Ngày 23/4, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia đã tổ chức tọa đàm 'Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân'. Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho rằng, người dùng Việt Nam đang cung cấp nhiều dữ liệu cá nhân lên không gian mạng.

Phát biểu khai mạc, Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia; có ngành công nghiệp thông tin có thứ hạng cao trong khu vực và trên thế giới; cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng dữ liệu và mạng lưới trung tâm dữ liệu được cải thiện, Trung tâm dữ liệu quốc gia được xây dựng quy mô lớn; Chính phủ điện tử ngày càng mở rộng; dân số trẻ, có trình độ học vấn, tỷ lệ người dân dùng điện thoại thông minh và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội ở mức cao. Việt Nam hiện có gần 80 triệu người sử dụng Internet, chiếm tới hơn 2/3 dân số, đứng thứ 7 thế giới.

“Công nghệ thông tin ngày càng lan tỏa vào cuộc sống con người, người dùng càng cung cấp nhiều hơn thông tin, dữ liệu cá nhân cá nhân lên không gian mạng và cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, từ những thông tin cơ bản tới thông tin phản ánh sinh trắc học, tâm lý, suy nghĩ và hành động. Mức độ phổ biến của dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ liệu cá nhân không được bảo vệ tương xứng, đúng cách” - Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết.

Trong khi đó, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn hạn chế; nhiều thông tin sinh trắc học, lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khỏe, tài chính được đăng tải công khai, trở thành nguồn dữ liệu cho các chương trình thu thập thông tin tự động. Tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng cũng thường xuyên diễn ra. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhiều dịch vụ trên không gian mạng mới xuất hiện, có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích thông tin, dữ liệu cá nhân nhưng không có cơ chế quản lý dữ liệu người dùng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, trên thế giới đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, gần nhất là Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. Việt Nam cũng không thể chậm trễ hơn trong việc ban hành Luật, Bộ Công an đã khẩn trương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tháng 5/2025.

Tại tọa đàm, đại diện Ban soạn thảo, Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn Chính sách và Pháp luật đã trình bày những nội dung trọng tâm trong Dự thảo, bao gồm: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc xử lý dữ liệu cá nhân, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu, cơ chế xử lý vi phạm và bảo đảm quyền riêng tư trong môi trường số. Bài trình bày cũng làm rõ định hướng xây dựng luật trên tinh thần tiếp nối Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, nhưng ở cấp độ cao hơn, đồng bộ và mang tính nền tảng.

Các chuyên gia đến từ Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển đưa ra kiến nghị về hoàn thiện pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân từ góc độ nghiên cứu và so sánh quốc tế; đại diện Tập đoàn Viettel chia sẻ những khó khăn và đề xuất hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp viễn thông trong quá trình triển khai Luật; trong khi Công ty VNDS trình bày kinh nghiệm thực tiễn trong việc tuân thủ các yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân tại doanh nghiệp công nghệ...

X.M.

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-dung-cung-cap-nhieu-du-lieu-ca-nhan-len-khong-gian-mang-10304392.html
Zalo