Người dùng sắp có thể mua sắm trực tiếp qua ChatGPT
OpenAI đang từng bước đưa trí tuệ nhân tạo từ vai trò trợ lý ảo trở thành một công cụ thương mại điện tử toàn diện, khi bắt tay với Shopify để tích hợp tính năng mua sắm trực tiếp ngay bên trong ChatGPT.
Sự hợp tác này không chỉ mang tính công nghệ mà còn có thể tạo nên làn sóng mới trong hành vi tiêu dùng toàn cầu.

Ảnh: AP
Theo tiết lộ từ GizChina, các nhà phát triển đã phát hiện đoạn mã mới trên trang web của OpenAI, cho thấy hệ thống mua sắm tích hợp đang ở giai đoạn hoàn thiện. Một số mã nguồn thậm chí đã chứa liên kết dẫn trực tiếp đến trang thanh toán của Shopify, xác nhận việc tích hợp này không còn nằm trên giấy tờ.
Điều này đồng nghĩa với việc người dùng ChatGPT có thể tìm kiếm sản phẩm, đọc thông tin chi tiết, đặt câu hỏi và hoàn tất thanh toán mà không cần chuyển sang bất kỳ trình duyệt hay ứng dụng bên ngoài nào. Tất cả diễn ra trong khung trò chuyện quen thuộc của chatbot.
Với hàng triệu nhà bán hàng trên toàn cầu, Shopify mang đến kho sản phẩm khổng lồ, đa dạng và phong phú. Sự kết hợp này cho phép ChatGPT truy xuất dữ liệu trực tiếp từ các cửa hàng, hiển thị lựa chọn phù hợp theo yêu cầu của người dùng, đồng thời đóng vai trò như một “nhân viên bán hàng AI” luôn sẵn sàng giải đáp và hỗ trợ giao dịch.
Điều này không chỉ đơn thuần cải thiện trải nghiệm mua sắm, mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp - đặc biệt là các thương hiệu nhỏ - tiếp cận người tiêu dùng theo cách trực quan và hiệu quả hơn bao giờ hết.
OpenAI không phải là cái tên duy nhất nhắm đến tiềm năng này. Microsoft gần đây đã ra mắt Copilot Merchant Program, tích hợp mua sắm vào các công cụ AI doanh nghiệp. Trước đó, Perplexity AI cũng đã triển khai tùy chọn Buy with Pro, cho phép người dùng thực hiện mua hàng ngay trong quá trình tìm kiếm.
Sự cạnh tranh giữa các ông lớn công nghệ càng khẳng định một xu hướng rõ rệt: AI không chỉ là công cụ hỗ trợ thông tin mà còn là nền tảng thương mại của tương lai. Việc hội nhập giữa AI và thương mại điện tử có thể sẽ định hình lại toàn bộ trải nghiệm tiêu dùng trên Internet trong thập kỷ tới.
Dù tính năng này mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra một số câu hỏi lớn. Liệu người dùng đã sẵn sàng tin tưởng một chatbot để đưa ra quyết định mua sắm? Việc xử lý thông tin cá nhân, phương thức thanh toán, đánh giá chất lượng sản phẩm… đều là những yếu tố cần được giải quyết để tạo dựng niềm tin và bảo đảm trải nghiệm an toàn, minh bạch.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của AI và thương mại điện tử hiện nay, việc mua sắm thông qua trò chuyện với một AI như ChatGPT hoàn toàn có thể trở thành tiêu chuẩn mới - nơi mọi giao dịch được tối giản đến mức chỉ cần vài câu hội thoại.