Người đi làm xa ít hạnh phúc hơn?
Việc di chuyển ở các đô thị lớn mất khá nhiều thời gian. Nếu phải bỏ ra vài tiếng mỗi ngày để đi lại, nhiều nhân viên sẽ thấy chán nản, kiệt sức và muốn tìm công việc gần nơi ở.

Ở các đô thị lớn, người dân mất nhiều thời gian để di chuyển. Ảnh minh họa: K.K.D.
“Trụ sở công ty sẽ chuyển đến Thượng Hải. Tôi đã mua nhà ở Bắc Kinh, vợ con tôi đều sống ở đó. Tôi vẫn muốn ở lại Bắc Kinh phát triển sự nghiệp.”
“Công ty muốn chuyển đến Vọng Kinh. Nhà tôi cách Vọng Kinh rất xa, phải mất hơn 4 giờ để đi lại mỗi ngày, thật dễ nản! Vì thế tôi cần xem xét, để ý công ty gần nhà hơn.”
“Công ty chuyển đến vùng ngoại ô xa xôi, có cung cấp chỗ ở cho nhân viên, nhưng tôi vẫn thích sống ở thành phố. Vì vậy tôi cần xem xét cơ hội việc làm mới!”
Thời gian của bạn nên dành cho những điều tốt đẹp, và thật đáng tiếc khi để lãng phí cho việc đi lại. Về lâu dài, nó không tốt cho cả cơ thể và tâm trí của bạn. Theo dữ liệu khảo sát từ các tổ chức có chuyên môn, thời gian đi lại trực tiếp quyết định chỉ số hạnh phúc.
Chúng ta đều biết thời gian di chuyển ở các thành phố hạng nhất đều không ngắn. Trong trường hợp thay đổi địa điểm công ty và gia tăng thời gian đi lại, bạn có thể xem xét việc điều chỉnh cuộc sống. Chẳng hạn như thuê nhà gần công ty, thay đổi phương thức di chuyển.
Cục thống kê quốc gia Anh quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát chuyên sâu. Kết quả cho thấy việc đi lại ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân và thời gian đi lại càng lâu thì hạnh phúc càng thấp.
Trong cuộc khảo sát này, các nhà điều tra của Cục thống kê quốc gia Anh quốc đã thu thập thông tin về thời gian đi lại và một số chỉ số hạnh phúc của hơn 60.000 người. 91,5% số người được hỏi là người đi làm.
Kết quả cho thấy, so với người không đi làm, người đi làm có giá trị thấp hơn về mức độ hài lòng và cảm giác hạnh phúc, còn mức độ lo lắng lại cao hơn. Đối với thời gian đi lại, mỗi phút tăng thêm thì sự lo lắng tăng lên và các chỉ số hạnh phúc khác giảm. Các nhà nghiên cứu thấy rằng việc sử dụng các phương tiện di chuyển khác nhau có tác động khác nhau đến cảm giác hạnh phúc.
Ảnh hưởng của việc di chuyển bằng tàu hỏa cao hơn so với tự lái ôtô. Đi bộ hoặc đi xe đạp cũng làm giảm cảm giác hạnh phúc. Điều này cho thấy mặc dù hai hình thức vận động này tốt cho sức khỏe, nhưng hiệu quả giảm căng thẳng không tốt như mong đợi. Những người đi làm bằng xe đạp trong 16 đến 30 phút có mức độ hạnh phúc thấp hơn so với những người đi lại trong ít hơn 16 phút bằng bất kỳ phương tiện giao thông nào khác.
Những người đi làm bằng xe bus có sự hài lòng thấp nhất với cuộc sống và có nhiều khả năng nghĩ rằng các hoạt động họ thực hiện hàng ngày không có giá trị. Kết quả khảo sát cũng cho thấy việc di chuyển từ 61 đến 90 để đến nơi làm việc làm giảm mức độ hạnh phúc nhiều nhất.
Báo cáo cho biết: “Trong các chỉ số về tiêu chuẩn hạnh phúc, việc đi lại có tác động lớn nhất đến sự lo lắng và tâm trạng hạnh phúc. Điều đó có nghĩa là việc di chuyển trong khoảng thời gian dài mang đến cảm xúc tiêu cực nhiều hơn là sự hài lòng. Trong thang điểm từ 0 đến 10, xét tiêu chí mức độ hài lòng về cuộc sống, điểm đạt được của người không đi làm cao hơn 0,14 điểm so với người có đi làm. Xét tiêu chí tâm trạng vui vẻ, điểm của người không đi làm cao hơn 0,19 điểm so với người đi làm.
Tờ Daily Mail của Anh quốc dẫn lời các nhà điều tra nói rằng những người đi làm có điểm thấp hơn những người không đi làm ở các chỉ số hạnh phúc. Mặc dù sự khác biệt không đáng kể, nhưng nó có ý nghĩa thống kê.
Theo báo cáo, về tổng thể, di chuyển làm giảm cảm giác hạnh phúc. Các yếu tố khác như thu nhập cao hơn hoặc điều kiện sống tốt hơn, có thể không bù đắp hoàn toàn được tác động tiêu cực trên. Mọi người có thể đưa ra lựa chọn khác dưới mức tối ưu.
Tiến sĩ Daniel Newman thuộc Viện Không gian bền vững tại Đại học Cardiff, Vương quốc Anh cho biết: “Báo cáo này cho thấy một thực tế: Di chuyển là một công việc khó khăn. Hầu hết mọi người đều có trải nghiệm này. Sớm tối ngồi trong xe, chờ đợi để vượt qua tắc nghẽn hoặc chen chúc nhau trong những toa tàu chật cứng như cá mòi đóng hộp.”
Newman nói rằng các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng di chuyển ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. “Có cơ sở để tin rằng những vấn đề về thể chất này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.”