Nguời đẹp vì lụa...
Tự dưng lại nhớ đến ông Chử Đồng Tử. Mối tình của ông với Tiên Dung, nay nhìn lại ta ắt nghĩ đến một chi tiết hết sức đắt giá nếu được xây dựng thành phim càng hấp dẫn.
Theo "Lĩnh Nam chích quái liệt truyện" - bản dịch của Viện Hán Nôm (1997), sau khi cha mất, do nhà quá nghèo, không có quần che thân, phải trần như nhộng. Ngày nọ, "Không ngờ thuyền Tiên Dung đột nhiên tới. Nghe tiếng chiêng trống sáo kèn, thấy đầy những nghi trượng cờ quạt, Chử Đồng Tử kinh sợ không biết trốn vào đâu. Trên bãi cát có một chòm lau lơ thơ, bèn ẩn tránh trong đó, moi cát thành hố để giấu thân, lại lấy cát phủ lên trên.
Trong khoảnh khắc thuyền của Tiên Dung xốc tới, bèn đậu ở đấy để lên bãi dạo chơi, rồi ra lệnh quây màn quanh chòm lau làm nơi tắm gội. Tiên Dung vào trong màn cởi áo tắm rửa, dội nước làm cho cát dạt đi, lộ ra thân hình Đồng Tử".
Thử đặt câu hỏi, nếu Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử mà chàng áo quần bảnh bao, liệu hai người có thành vợ chồng? Không. Bởi chính nàng đã nói: "Ta vốn không muốn lấy chồng. Nay gặp người ở trần truồng chung một hố, ấy là trời khiến như thế". Phải hết sức khâm phục người xưa đã nghĩ ra một tình huống cực kỳ éo le. Quá sức… điện ảnh. Nhìn chung với con người ta dù giàu dù nghèo , ai ai cũng phải che thân bằng manh quần tấm áo. Qua đó, còn tôn thêm vẻ đẹp của người mặc nữa, há chẳng từng nghe câu tục ngữ "Nguời đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân" đấy sao?
Không rõ đầu thế kỷ XX ở miền Nam, người phụ nữ giàu sang quý phái ăn mặc vải vóc lụa là thế nào được cho là đẹp?
Từ tâm niệm này, tôi tìm đọc lại "Bài ca kiệm thời" (Thập nhất tài tử) của Huỳnh Văn Ngà - Huỳnh Kim Danh, in năm 1916 tại Sài Gòn. Trong đó có bài tứ đại “Nhan sắc cô vợ Tây”. Hãy quan sát dung nhan của cô Liễu Kiêm Mai, ghi theo chính tả hồi ấy: "Trước khi ra khỏi nhà/ Chưng diện mặn mà/ Đi giày đầm Langsa/ Hột xoàn tra/ Cách-sơ-mia (Cachemir) áo kia, quần lãnh/ Choàng bông khăn hường/ Mặt dồi phấn như gương".
Langsa, là cách phiên âm France, tên gọi nước Pháp. Cụ Đồ Chiểu là nhà thơ trước nhất sử dụng trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc": "Dinh Lang-sa nửa khắc đặng rửa hờn, tấc phận bạc đành lòng theo nước đổ". Chi tiết này cho biết cách phiên âm này xuất hiện ngay từ khi người Pháp mới chân ướt chân ráo xâm lược Nam Kỳ.
Trong truyện ngắn "Câu hò Vân Tiên", nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sâm còn viết: "Mấy thầy thông thầy ký mang giầy "ăn phón" da bóng ướt sức giở lên làm kiếng soi mặt nhổ râu được, áo bành tô vải ka ki bốn túi, đầu chảy bảy ba, cặp tay mấy cô tân thời, đầu tóc lòng thòng khỏi vai, có cái đuôi bánh lái, coi thiên hạ bằng nửa con mắt". Điều này, cho thấy tiếng nước ngoài du nhập vào lời ăn tiếng nói của người Việt, có nhiều cách phát âm, dù cũng từ đó.
Ngay cả anh chàng Thúc Sanh kia, khi tán tỉnh, cù rủ, rù quến cô nàng Túy Kiều cũng hứa ngon hứa ngọt: "Trước lo dọn cho nàng căn phố/ Sau sắm cho đủ bộ nữ trang/ Chuỗi đeo tay, neo đặt chiềng vàng/ Cà rá nhậm kim cang ba hột/ Hàng cách-sơ-mia bon-nê thiệt tốt/ Sắm cho nàng ra tột bực sang/ Mua ô-tô hứng cảnh thừa nhàn/ Xe ca-lết dạo chơi hóng mát"
Đoạn này trích từ "Hoạn Thơ bắt Túy Kiều vịnh tích" in năm 1921 của nhà văn Lê Hoằng Mưu (1879-1941) in tại Sài Gòn đầu thế kỷ XX. Không những thế, trong bản "Dọn lại in lần 2", còn bổ sung đoạn: "Trước lo dọn cho nàng căn phố/ Sau sắm cho một bộ sa-lông/ Ngồi nệm nhung tựa gối thêu rồng/ Nằm giường sắt, lưng không biết mỏi/ Bề ăn bận thì mình khỏi nói/ Áo cẩm nhung bông chói làu làu/ Ấy là hàng ngoài Bắc đem vào/ Đủ thứ tốt lại đủ màu, đủ sắc/ Chân bận vớ, mang giày cườm cắc/ Đi cho ra bước nhặt bước khoan/ Tóc để trần, đầu vấn khăn choàng/ Coi cho đẹp như nàng tiên nữ/ Phấn "cô-ty" dồi thêm lịch sự/ Tiệp màu da, không sợ mồ hôi/ Son "cạt-manh" mình điểm hai môi/ Ăn thắm thịt, nước trôi không được/ Mình về ở mới biết mình có phước".
Rõ ràng, Thúc Sanh rất ư "anh Hai Nam Bộ". Chơi đẹp lắm. Không hề ki bo, bủn xỉn, tính toán gì cả. Làm rõ thêm cái ý "Trăm nghìn đổ một trận cười như không". Chẳng nhẽ, đọc xong mấy câu thơ miêu tả thêm tính cách "quen thói bốc trời" của Thúc Sinh, ta lại lảng qua chuyện khác?
Không.
Vậy, xin hỏi: "Chuỗi đeo tay, neo đặt chiềng vàng". "Chiềng" là gì? Trong tập sách "Phương ngữ Nam Bộ", ở từ "chiêng chiêng", ông Nam Chi Bùi Thanh Kiên giải thích: "Loại cà rá có hoa văn chạm nổi; chiêng chiêng cà rá: từ chỉ chung loại trang sức nhỏ đeo vào ngón tay". Suy luận ra,"chiềng" là cách nói gọn của "chiêng chiêng" đấy thôi. Căn cứ vào mạch nối theo của câu thứ hai càng rõ cái ý ấy: "Cà rá nhậm kim cang ba hột". "Nhậm" là khảm, chạm, cẩn, nhận, tương tự: "Hột xoàn tra/ Cách-sơ-mia (Cachemir) áo kia, quần lãnh".
Khi cô Liễu Kiêm Mai "áo kia, quần lãnh", ta thấy nàng Kiều Nguyệt Nga cũng theo model này. Trong "Bùi Kiệm dặm" của Nguyễn Văn Tròn in năm 1919 tại Sài Gòn cho biết: "Kiệm nhìn thấy nàng: "lỗ tai đeo đôi bông nhẫn hột, cổ đeo cây kiềng vàng, bận cái áo lưỡng đoạn, đội cái khăn lục soạn, bận cái quần lãnh, lưng rút, khiến tâm bào anh Kiệm chết tê". Đàn ông khi gặp phụ nữ đẹp, lại giầu sang như thế thì "chết" là... phải đạo.
Trộm nghĩ, đàn ông đàn ang khi nhìn thấy người đẹp, ai lại không xao xuyến tâm can, nghĩ thế, mới thấy thi hào Nguyễn Du thật tinh đời khi viết: "Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình", ấy là lúc quan đại thần Hồ Tôn Hiến nhìn Thúy Kiều, không khác Bùi Kiệm là "chết tê". Tương tự, trong quyển tiểu thuyết "Hà Hương phong nguyệt" của nhà văn Lê Hoằng Mưu, in báo Nông cổ mín đàm năm 1912, in thành sách năm 1914 được xem là tiểu thuyết đầu tiên của Nam Kỳ, có đoạn kể về lúc nhân vật Hà Hương bị đòi đến cửa quan. Nàng ăn mặc thế nào mà tay phó lý phải chần chừ không mạnh tay dùng nhục hình tra hỏi?
Hãy đọc lại đoạn này, cũng là lúc quan sát cách hành văn của chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XX: "Phó lý thấy: Nàng làm sao mà nước da trắng nõn, tay mỗi ngón móng dài, căng ra để nằm ngay. Nhan sắc tày Đắc Kỷ. Quần lãnh xác da xem khoái chí, áo nu huê mỹ thấy phải lòng, kiềng nghệ chói má hồng, chuỗi vàng thêm duyên thắm, nghe nàng than đau thấu về đâu, đứng cầm roi cứ ngó mà lắc đầu, dầu muôn thảm ngàn sầu cũng chịu. Thầy cai liền hối biểu, mau tra khảo Hà Hương, Phó lý thấy mà thương, cực lòng đưa tay đánh. Bởi vậy nên: Roi xuống không đặng mạnh, sợ e tan ngọc nát ngà…". Thì ra, nặng tay với người đẹp e cũng khó quá nhỉ !
Từ những những trích dẫn này, ít nhiều ta đã hình dung ra cách ăn mặc đẹp của phụ nữ thuở ấy. Thế nhưng, về chữ nghĩa thì cần chú tâm tìm hiểu thêm, chẳng hạn Hà Hương mặc "áo nu", ta hiểu là áo nâu như ca dao Nam Bộ có câu: "Đi đâu mà chẳng thấy về/ Hay là quần tía dựa kề áo nu?". "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895) cho biết đó là "màu hùn hùn" nhưng trong ngữ cảnh này áo nu là loại áo nhuộm màu đen vàng.
Còn lúc Bùi Kiệm lần đầu nhìn thấy Kiều Nguyệt Nga mặc "áo lưỡng đoạn" đã "chết tê", chết mê chết mệt, thiếu điều "ngất trên cành quất" là loại áo thế nào, hình thù ra làm sao? Còn "Xe ca-lết dạo chơi hóng mát" của Túy Kiều là xe gì? Tôi ngờ rằng, chính là cách gọi "xe tay", bởi thời đó quý bà quý cô sang chảnh có cái thú chiều chiều ngồi xe do phu kéo dạo chơi đây đó, cũng tựa như nay, ta ngồi xe xích lô quẩn quanh phố xá vậy. Sở dĩ gọi "ca-lết" là nói trại của "cà lết" bởi bởi nó đi chậm rãi tùy hứng theo nhịp/ bước chân của phu kéo, khác với "Mua ô-tô hứng cảnh thừa nhàn" là chạy bằng động cơ máy nổ. Riêng về cái khăn lục soạn, ca dao có câu: "Cái ô lục soạn cầm tay/ Cái khăn xếp nếp, cái dây lưng điều".
Khi nhà thơ Tú Xương đi hát cô đầu, hứng chí quá, ngủ lại đó, sáng ra giật thót người: "Hỏi ô, ô mất bao giờ? Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa".
Dám cá cược rằng, ông Tú Xương bị mất cái ô, đúng rồi, nhưng phải là ô lục soạn, tiếc lắm. Nếu cái ô tầm xoàng thì tiếc cái nỗi gì. Không tiếc cái nỗi gì, làm sao có thể bật ra thơ? Lục soạn là thứ vải lụa, mỏng, trơn, dùng làm ô dù, không chỉ dành cho phái đẹp, ngay cả đàn ông như thầy thông, thầy ký cũng sử dụng, nhà thơ Tú Xương cho biết: "Thói nhà phong vận, áo hàng tàu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn xanh; Ra phố xênh xang quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định bóng".
Phiếm đàm về quần là áo lượt đến đây dừng được chưa? Chưa. Khác với đàn ông, không những thế, người phụ nữ khi "bát phố" còn có thêm "phụ kiện" khác nữa, bài tứ đại trong "Bài ca kiệm thời" (Thập nhất tài tử) cho biết cô vợ Tây: "Hương nực mùi hương/ Thơm phức dầu Cô-lon (Cologne)/ Dây chuyền, kiền vàng/ Sắc-cốt (sacoche) cầm tay/ Coi giống in như đầm".
Trở lại với câu "Cách-sơ-mia áo kia, quần lãnh" - lãnh là "Thứ hàng nhỏ chỉ, mịn mà láng"- theo "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895).