Người Dao Đỏ Nguyên Bình đón tết
Khi đất trời chuyển mình đón những cơn gió lạnh, hoa mận, hoa đào đua mình khoe sắc trên khắp các bản làng vùng cao cũng là lúc đồng bào Dao Đỏ huyện Nguyên Bình chuẩn bị mọi thứ chu đáo để đón một năm mới với những nét riêng, mang đậm bản sắc dân tộc.
Trong tâm khảm của mỗi người Dao Đỏ, những nét văn hóa hướng về cội nguồn, tổ tiên vẫn luôn giữ vị trí quan trọng và không bao giờ bị lãng quên. Tết đến, xuân về là dịp con cháu thể hiện sự biết ơn đến ông bà tổ tiên, cũng là dịp bà con thể hiện sự gắn kết cộng đồng dân tộc và để mọi người trong gia đình cùng sum họp, kể cho nhau nghe những niềm vui, sự vất vả sau một năm lao động sản xuất.
Ngồi bên bếp lửa hồng trong không khí se lạnh của những ngày cuối đông, bà Triệu Mùi Nái, xóm Thượng Thác, xã Tam Kim chia sẻ: Giống như nhiều dân tộc khác, người Dao chúng tôi đón tết cổ truyền theo lịch âm. Để chuẩn bị đón một cái tết đầy đủ, vui vẻ, trước đó 5 tháng, bà con đã nuôi lợn, gà, chuẩn bị gạo nếp để dành riêng cho ngày tết. Thanh niên trai tráng vào rừng lấy củi, sửa sang nhà cửa; các bà, các mẹ bắt đầu rậm rịch tìm lá dong, chẻ lạt, cất rượu; những cô gái Dao nhanh chóng hoàn thành nốt đường thêu cuối cùng của bộ trang phục truyền thống để có thể khoe sắc trong ngày chợ phiên và ngày hội xuân. Khi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, đến ngày 25 tháng Chạp, không khí tết bao phủ khắp bản làng. Những người phụ nữ rủ nhau chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh chưng, thanh niên trai tráng tập trung lại, mỗi nhóm 3 - 4 người giúp các gia đình mổ lợn ăn tết.
![Các bà, các mẹ đi chợ phiên mua sắm cho ngày Tết Nguyên đán.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_02_619_51376730/5a7001e13dafd4f18dbe.jpg)
Các bà, các mẹ đi chợ phiên mua sắm cho ngày Tết Nguyên đán.
Đồng bào Dao quan niệm, tết đến, tổ tiên sẽ trở về để đoàn tụ, đón tết cùng gia đình. Việc cần làm của mỗi nhà là chọn ngày đẹp trong những ngày cuối năm để đón thầy cúng tới làm lễ. Tùy theo điều kiện của từng gia đình sẽ làm mâm cỗ to hay nhỏ cho phù hợp, thông thường mâm lễ cúng gồm có thịt lợn, thịt gà, rượu, nước, một bát gạo, một bát hương, tiền giấy vàng được đặt lên bàn cúng. Khi tất cả lễ vật được bày trước bàn thờ gia tiên, dưới sự có mặt đông đủ của mọi thành viên trong gia đình, thầy cúng thay mặt gia chủ làm lễ cúng để tiễn mọi điều xấu theo năm cũ, đồng thời mời ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn tết, cầu cho năm mới mọi sự bình an, may mắn, thịnh vượng, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, trâu, bò, lợn, gà khỏe mạnh. Sau hơn 2 giờ làm lễ, chủ nhà đem tiền vàng hóa cho ông bà tổ tiên, lễ vật được mang xuống bày ra mâm cho con cháu cùng hưởng lộc.
Chiều 30 tết, cả gia đình tập trung dọn dẹp, lau dọn bàn thờ tổ tiên, quét đi những điều không may mắn của năm cũ và làm cơm để cúng tất niên. Mâm lễ cúng tổ tiên gồm: bánh chưng gù, hoa quả, bánh kẹo, 1 con gà luộc và 2 cây mía còn đủ ngọn, lá dựng hai bên. Đặc biệt, trên bàn thờ người Dao Đỏ lúc nào cũng có nước, rượu và hương đốt liên tục. Sau bữa cơm tất niên, mỗi thành viên trong gia đình sẽ tắm gội bằng nước lá cây rừng với ý nghĩa rũ sạch bụi bẩn để bước vào một năm mới sạch sẽ, nhiều may mắn. Sau đó, từ người lớn đến trẻ nhỏ tự chọn cho mình những bộ trang phục người Dao đẹp nhất để đón giao thừa. Thời khắc thiêng liêng bước sang năm mới đến, cả gia đình cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng, nâng chén rượu mừng xuân, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất.
![Tết đến, xuân về là dịp mọi người trong gia đình cùng sum họp, kể cho nhau nghe những niềm vui, sự vất vả sau một năm lao động sản xuất.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_02_619_51376730/b3b7e026dc6835366c79.jpg)
Tết đến, xuân về là dịp mọi người trong gia đình cùng sum họp, kể cho nhau nghe những niềm vui, sự vất vả sau một năm lao động sản xuất.
Ngày mùng 1 tết, mọi người dậy thật sớm chuẩn bị bữa cơm để làm lễ cúng đầu năm mới. Sau bữa cơm tươm tất, bà con bắt đầu đi chơi, đến từng nhà chúc nhau. Người Dao Đỏ cũng có tục “xông đất” đầu năm mới, họ kiêng kỵ nhất là đàn bà, con gái xông nhà vào dịp tết nên các gia đình thường hẹn anh em, bạn bè là nam giới thân thiết và có cuộc sống hạnh phúc đến xông nhà vào sáng mùng 1 tết. Người Dao đón khách xông nhà bằng rượu được gia đình tự cất từ hạt ngô, men lá. Trước tiên chủ nhà và khách cùng uống 4 chén tượng trưng cho tứ quý trong năm, sau đó rót tiếp 2 chén để mời và chúc nhau sức khỏe, những điều may mắn, tốt lành. Đặc biệt, trong những ngày này, người Dao quan niệm chỉ được nói những lời hay, ý đẹp. Kiêng những người đang có tang, phụ nữ mới sinh hoặc mới cưới đến nhà, kiêng nói to, nói tục, chửi bậy, nói đến những điều không may mắn như ốm đau, mất mát, trẻ em không được khóc…
Trong những ngày tết, sau khi đến nhà nhau chúc sức khỏe, chúc cho năm mới phát tài, phát lộc, già trẻ, gái trai trong bản lại xúng xính, nô nức kéo nhau về nơi tập trung sinh hoạt cộng đồng, nay là nhà văn hóa xóm, bản. Tại đây, bên chén rượu đầu xuân, người lớn tuổi cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa. Lớp thanh niên ca hát, nhảy múa, chơi các trò chơi dân gian… Đặc biệt, đây cũng là dịp những chàng trai, cô gái Dao Đỏ gặp gỡ, tìm hiểu qua những bài hát tỏ tình, giao duyên trong điệu kèn đồng réo rắt gọi bạn, tạo nên một âm hưởng vùng cao giản dị nhưng mộc mạc, thân thương.
Giờ đây, dù cuộc sống có nhiều đổi thay, song phần lớn những phong tục đẹp, chứa đựng nhiều biểu tượng văn hóa từ ngàn xưa truyền lại luôn được đồng bào Dao Đỏ tại Nguyên Bình bảo tồn và gìn giữ. Mỗi tục lệ, tập quán góp phần tô thắm bản sắc văn hóa cộng đồng người Dao, như gửi gắm những điều tốt đẹp nhất trong năm mới, tạo nên hương vị tết vùng cao thêm đậm đà, đầm ấm.