Người dân xóm Đừng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả

Những năm gần đây, người dân xóm Đừng, xã Gia Mô (Tân Lạc) chú trọng chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng một số loại rau, củ, quả. Hướng đi này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ cải thiện thu nhập.

Những năm gần đây, người dân xóm Đừng, xã Gia Mô (Tân Lạc) chú trọng chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng một số loại rau, củ, quả. Hướng đi này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ cải thiện thu nhập.

Nhờ chuyển sang trồng dưa chuột, gia đình ông Bùi Văn Bi, xóm Đừng, xã Gia Mô (Tân Lạc) nâng cao thu nhập.

Nhờ chuyển sang trồng dưa chuột, gia đình ông Bùi Văn Bi, xóm Đừng, xã Gia Mô (Tân Lạc) nâng cao thu nhập.

Xóm Đừng có trên 170 hộ, chủ yếu là dân tộc Mường. Thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Lạc, trước đây, đời sống kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, nhất là về hạ tầng thiết yếu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế. Nếu như trước đây ruộng chỉ để trồng lúa, mỗi năm 2 vụ thì nay bà con chuyển đổi một số diện tích sang thâm canh rau, màu.

Có dịp về xóm Đừng, chúng tôi cảm nhận được sự phấn khởi của người dân khi trong xóm có tuyến đường giao thông mới được mở rộng, cứng hóa. Những ruộng dưa chuột được chăm sóc phát triển tốt. Ruộng dưa chuột của gia đình ông Bùi Văn Bi cây đã leo kín giàn, bắt đầu cho thu hoạch. Những vụ trước, trên thửa ruộng này gia đình ông cấy lúa 2 vụ chiêm xuân và hè thu, mùa đông trồng ngô làm thức ăn cho gia súc. Mấy vụ gần đây gia đình ông chuyển sang trồng dưa chuột. Ông Bi cho biết: So với cấy lúa thì trồng dưa chuột không quá vất vả, mỗi ngày chỉ dành khoảng 2 giờ để thăm vườn. Với đầu ra thuận lợi nên hiệu quả kinh tế đem lại cao gấp nhiều lần trồng lúa.

Kế bên ruộng của gia đình ông Bi là ruộng dưa chuột của gia đình anh Bùi Văn Huy. Gia đình anh Huy xuống giống muộn hơn nên cây mới chuẩn bị leo giàn. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp, dưa phát triển tốt. Mấy ngày qua vợ chồng anh Huy tập trung gia cố lại giàn, kiểm tra sâu bệnh để kịp thời xử lý. Theo anh Huy, diện tích ruộng này trước gia đình chỉ cấy lúa, nhận thấy các hộ trồng dưa chuột đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên cũng chuyển đổi sang loại cây này. "Với người nông dân khi trồng cây gì điều lo ngại nhất là đầu ra của sản phẩm. Từ khi trồng dưa chuột, đầu ra khá ổn định, hiện chúng tôi liên kết với nhau để cùng trồng rau, củ, quả đảm bảo an toàn khi bán ra thị trường”, anh Huy cho biết.

Được biết, từ tháng 7/2022, xóm Đừng đã thành lập nhóm sản xuất rau an toàn với 18 hộ tham gia. Đến tháng 3/2024 thành lập tổ sản xuất rau, củ, quả sạch với 21 hộ tham gia. Cuối tháng 11/2024, trên cơ sở nòng cốt của tổ sản xuất, UBND xã Gia Mô đã cho thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Gia Mô. Ông Bùi Văn Trưng, Trưởng xóm Đừng cho biết, thời gian trước các hộ trồng rau, củ, quả thường bị sâu bệnh, giá cả bị ép, sản phẩm không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Từ khi thành lập tổ sản xuất, với vai trò tổ trưởng, ông Trưng đã vận động các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, tích cực tìm tòi các loại giống phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương. Đặc biệt, ông Trưng chịu trách nhiệm cung cấp giống, phân bón cho các hộ trong tổ, liên hệ với tư thương để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Với những nỗ lực đó, mô hình trồng rau, củ, quả sạch ở xóm Đừng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp bà con nâng cao thu nhập. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt 42 triệu đồng/năm; còn 11 hộ nghèo (chiếm hơn 6%). Xóm tiếp tục duy trì diện tích trồng rau sạch 3ha, mục tiêu sản lượng hàng năm đạt khoảng 700 tấn. Đây là một trong những hướng đi để tiếp tục cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/196882/nguoi-dan-xom-dung-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-hieu-qua.htm
Zalo