Người dân ùn ùn về quê dịp Tết Thanh minh và nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương

Kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) năm nay rơi vào cuối tuần, kéo dài ba ngày, đã tạo điều kiện thuận lợi để nhiều người dân tranh thủ về quê thực hiện nghi lễ Tết Thanh minh – một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt.

Từ chiều qua 5/4, các tuyến đường cửa ngõ ra khỏi Hà Nội như Pháp Vân – Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, đường vành đai 3… đã ghi nhận lượng phương tiện tăng đột biến. Các bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm đều rơi vào cảnh chật kín hành khách, nhiều tuyến xe phải tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại.

Anh Hoàn, tài xế tuyến Hà Nội – Hải Dương cho biết: “Năm nay lượng khách khá đông vì trùng cả Thanh minh và Giỗ Tổ, người dân về quê đông lắm. Nhiều nhà còn chở cả mâm cỗ, hoa quả đi xe khách".

Tảo mộ là một nghi lễ quan trọng trong dịp Tết Thanh minh. Ảnh: Quỳnh Mai.

Tảo mộ là một nghi lễ quan trọng trong dịp Tết Thanh minh. Ảnh: Quỳnh Mai.

Những người con trở về...

Kỳ nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, gia đình chị Hải Yến (30 tuổi, Hà Nội) cũng chọn về quê ăn Tết Thanh minh chứ không chọn "nghỉ dưỡng" ngắn ngày tại các điểm du lịch ở Hà Nôi như mọi năm. Chị Yến cho rằng, Tết Thanh minh năm nay diễn ra vào ngày 6/4 (tức mùng 9/3 âm lịch), chỉ một ngày trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nên càng thêm phần ý nghĩa. Đây là dịp để các gia đình dọn dẹp phần mộ tổ tiên, thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất, đồng thời nhắc nhở con cháu về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

"Không chỉ là dịp tâm linh, Tết Thanh minh còn mang đến cơ hội để gắn kết các thế hệ trong gia đình. Nhiều dòng họ tổ chức cúng giỗ chung tại nhà thờ họ, quy tụ hàng chục đến hàng trăm con cháu về tham dự. Ở quê tôi (Hải Dương) thường ăn Tết Thanh minh rất to. Những ngày này con cháu từ mọi miền của Tổ quốc hầu hết đều sẽ trở về", chị Yến nói.

Cũng giống với gia đình chị Yến, gia đình anh Nguyễn Văn Long (34 tuổi, Hà Nội) năm nay cũng chọn quê nhà ở Thanh Oai (Hà Nội) làm điểm đến trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương.

Mọi người quây quần bên nhau trong dịp Tết Thanh minh. Ảnh: NVCC.

Mọi người quây quần bên nhau trong dịp Tết Thanh minh. Ảnh: NVCC.

"Đang là dịp Tết Thanh minh nên vợ chồng tôi sắp xếp thời gian đưa con về quê để tảo mộ, thăm ông bà và tham dự lễ cúng tổ tại nhà thờ họ. Dịp này vừa mang tính tâm linh, vừa là cơ hội để dạy các con biết về cội nguồn, về tổ tiên, với những giá trị truyền thống, nên vợ chồng tôi muốn nhân dịp này cho các cháu trải nghiệm, hiểu thêm về phong tục và sự quan trọng của gia đình, dòng họ", anh Long nói.

Anh Long cũng cho biết, tại Thanh Oai, không khí Tết Thanh minh cũng trở nên rộn ràng hơn thường lệ. Ngay từ sáng sớm, các con đường nhỏ dẫn về nghĩa trang đã tấp nập người đi lại. Người mang theo hoa, người bưng mâm lễ, có gia đình còn dẫn cả ba thế hệ cùng nhau ra đồng tảo mộ. Sau khi hoàn tất phần lễ, nhiều gia đình tổ chức bữa cơm sum họp tại nhà, mời ông bà, anh em họ hàng cùng đến chung vui.

Hạnh phúc khi thấy con cháu sum họp

Bà Nguyễn Thị Nhàn (65 tuổi), một người dân ở Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, Tết Thanh minh là dịp rất quan trọng với người dân nơi đây. Không chỉ là đi viếng mộ, đây còn là dịp để những người thân lâu ngày không gặp có thể quây quần, thăm hỏi nhau.

"Cỗ bàn" dịp Tết Thanh minh tại một làng quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Ảnh: NVCC.

"Cỗ bàn" dịp Tết Thanh minh tại một làng quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Ảnh: NVCC.

"Có những đứa cháu cả năm mới thấy mặt, về là ông bà mừng lắm. Nhất là những đứa công tác ở miền trong, nhiều khi Tết Nguyên đán chúng cũng không thể trở về vì còn bận bịu hoặc vé tàu, xe quá đắt..." bà Nhàn chia sẻ.

Theo bà Nhàn, không khí ở quê khác với sự náo nhiệt nơi thành phố, những ngày lễ như thế này ở các vùng quê mang đến cảm giác ấm áp, gắn bó và yên bình. Đây chính là "chất keo" gắn kết tình thân và giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc giữa guồng quay hiện đại.

Ông Trần Văn Khoát (71 tuổi, Hải Dương) cũng xúc động chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, dịp Thanh minh là thời điểm quý giá để chúng tôi gặp lại con cháu đi làm ăn xa. Cả nhà cùng ra nghĩa trang, rồi về ăn bữa cơm, trò chuyện hàn huyên – ấm lòng lắm.

Tết Thanh minh như một cái Tết nhỏ, không ồn ào như Tết Nguyên đán, nhưng lại lắng đọng và sâu sắc. Dù chỉ là kỳ nghỉ ngắn, nhưng không khí ấm áp của những bữa cơm gia đình, tiếng cười của lũ trẻ quanh mâm cúng tổ, hay khoảnh khắc lặng người bên mộ phần tổ tiên… chính là những kỷ niệm đáng nhớ, chắc chắn sẽ lưu giữ mãi trong ký ức của nhiều người con xa quê".

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-un-un-ve-que-dip-tet-thanh-minh-va-nghi-gio-to-hung-vuong-16925040615284576.htm
Zalo