Người dân TP.HCM than trời vì 'mở mắt ra đã thấy kẹt xe'

Hồng Ngọc mất 1 tiếng 20 phút để đi từ nhà tại quận 7 đến trường đại học ở Thủ Đức, trong khi Hoài An không dám chạy xe, phải đặt xe ôm công nghệ trước 1 tiếng để đi làm.

13h10, xe của Hồng Ngọc vẫn nhích từng chút trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận 1). Cô phải có mặt ở Trường Đại học Luật TP.HCM cơ sở 2 (123 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) trước 13h30. Nếu không, giám thị sẽ đánh vắng, Ngọc phải học lại từ đầu.

13h20, Ngọc đặt chân đến trường. Cô bước vào phòng thi lúc 13h27, 3 phút nữa là trễ. "Tôi phát khóc giữa đường vì kẹt xe quá khủng khiếp. Bình thường tôi chỉ mất khoảng 35 phút đi từ nhà đến trường, hôm nay đến 80 phút", Ngọc chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Không chỉ Hồng Ngọc, nhiều người dân TP.HCM trong những ngày này cũng đối mặt với tình trạng kẹt xe bất thường trên nhiều tuyến đường vốn thông thoáng. Những cung đường như Nguyễn Tất Thành, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ… không xa lạ gì cảnh ùn ứ vào giờ tan tầm, nay có thể ách tắc giao thông mọi khung giờ.

 Đường Cộng Hòa hướng từ quận 12 vào trung tâm TP.HCM kẹt cứng lúc 17h30. Ảnh: Duy Hiệu.

Đường Cộng Hòa hướng từ quận 12 vào trung tâm TP.HCM kẹt cứng lúc 17h30. Ảnh: Duy Hiệu.

Sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, người dân bỏ "thói quen" rẽ phải khi gặp đèn đỏ, tuân thủ nghiêm ngặt tín hiệu đèn giao thông. Các lỗi như leo xe lên vỉa hè, vượt đèn đỏ... đều bị phạt tiền nặng hơn và trừ điểm giấy phép lái xe.

Theo quy định, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm/năm để đánh giá mức độ tuân thủ luật giao thông của người điều khiển phương tiện. Nếu còn điểm trong năm, giấy phép sẽ được phục hồi lại đủ 12 điểm vào năm sau. Trường hợp bị trừ hết điểm trong một năm, người vi phạm sẽ không được phép điều khiển phương tiện giao thông theo loại giấy phép đã đăng ký.

Chạy trời không khỏi kẹt

Từ khi Nghị định 168 được áp dụng, Hồng Ngọc (21 tuổi, ngụ quận 7) cố ra khỏi nhà ít nhất có thể. Cô từ chối những cuộc đi chơi với bạn bè nếu địa điểm là quận 1 hay Bình Thạnh vì sợ cảnh kẹt xe và rủi ro bị phạt tiền vi phạm an toàn giao thông.

Hồng Ngọc hiện là sinh viên năm 3 của Trường Đại học Luật TP.HCM, cô học ở cơ sở Bình Triệu (TP Thủ Đức). Ảnh: NVCC.

Hồng Ngọc hiện là sinh viên năm 3 của Trường Đại học Luật TP.HCM, cô học ở cơ sở Bình Triệu (TP Thủ Đức). Ảnh: NVCC.

“Giờ bạn bè có hẹn đi chơi thì tôi cũng hạn chế, trừ khi có việc phải tới trung tâm hoặc có lịch học rồi sẵn tiện đi chơi. Mấy ngày gần đây tôi chỉ đi cà phê gần nhà”, cô kể.

Giờ đi học của sinh viên năm 3 dự kiến sớm hơn trước đây. Cô cho biết còn vài môn cần thi cuối kỳ vào buổi chiều trong tuần và sẽ hẹn bạn lên trường từ 11h để tránh kẹt xe, trễ giờ.

Tương tự Hồng Ngọc, chị Huế Phạm (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) căng thẳng mỗi lần ra đường vì lo sợ kẹt xe, nhất là mỗi lần đưa con gái 8 tuổi đi học trên trường và học thêm sáng, tối.

Con của chị thường đi học thêm vào 8h, khoảng 13h là ca học chính trên trường và mỗi tuần có 2 buổi học thêm tiếng Anh lúc 17h30.

“Thời gian gần đây, kẹt xe xảy ra thường xuyên hơn, bất kể thời gian nên tôi thấy khá mệt mỏi. Bình thường, đưa con đi học chỉ mất hơn 10 phút, giờ tôi phải đi sớm hơn tới 20-30 phút để ‘trừ hao’ thời gian kẹt xe, nhưng cũng có mấy lần đưa con đi học muộn, rất ngại với giáo viên”, chị Huế nói.

 Chị Huế cho biết phải đưa con đi học sớm 20-30 phút "trừ hao" thời gian kẹt xe. Ảnh: NVCC.

Chị Huế cho biết phải đưa con đi học sớm 20-30 phút "trừ hao" thời gian kẹt xe. Ảnh: NVCC.

Chị cho biết nhà nằm trên đường Phạm Văn Chiêu, trục đường có chợ lớn và nhiều trường học, bình thường đã hay có kẹt xe giờ họp chợ buổi sáng và tan tầm mỗi chiều. Hơn một tuần nay, kẹt xe càng nhiều thêm.

Những hôm con đi học thêm buổi tối, vì kẹt xe nên con chị không có thời gian để kịp ăn uống sau khi tan trường, thường chỉ ăn vội gì đó rồi vào luôn ca tiếp theo.

Thời gian này, những câu chuyện phiếm giữa chị với bạn bè, người thân đều xoay quay vấn đề kẹt xe và mức phạt cao nếu đi sai tín hiệu đèn hoặc leo vỉa hè. Nhiều người phải đi làm xa, di chuyển vào khu trung tâm rất mệt mỏi vì các cung đường “tắc cứng”, đi vài km tốn nửa tiếng đồng hồ.

“Chỗ ngã 3 gần nhà tôi, bình thường đi qua chỉ tốn một nhịp 20 giây đèn xanh nhưng mấy ngày nay tôi phải chờ đến 3-4 nhịp mới qua được. Những lúc nắng nôi đứng chờ lâu vừa mệt, vừa khó thở vì phải hít khói xăng xe. Hơn nữa, nhiều khi đã tắc cứng, ôtô còn dàn ra hết làn xe máy khiến tôi khá bực, không thể lách qua nổi”, chị bày tỏ.

Chị Huế thấy mọi người đều nghiêm chỉnh tuân thủ tín hiệu đèn, không còn cảnh phóng nhanh vượt ẩu khi đèn sắp chuyển màu nên mỗi lần qua giao lộ an toàn hơn hẳn. Trên vỉa hè cũng không còn cảnh hàng dài xe máy leo lề nối đuôi nhau.

Kẹt xe dẫn đến… kẹt tiền

Hoài An (22 tuổi, ngụ quận 1) hiện làm việc cho công ty nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận 3). Bình thường, cô chỉ tốn 15 phút chạy xe từ nhà đến công ty.

Gần đây, thời gian 15 phút bị kéo giãn thành 30, đôi khi là 45 phút vì kẹt xe trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ. Sợ trễ giờ làm nhưng không dám leo lề mỗi khi kẹt xe, An quyết định đặt xe ôm công nghệ đi làm.

"Tài xế tất nhiên cũng không dám vượt đèn đỏ, leo lề nhưng biết đường tắt, chạy cũng nhanh hơn. Mình cũng an tâm vì sẽ không sợ bị phạt vi phạm Luật An toàn giao thông", cô chia sẻ.

Chi phí di chuyển của cô hiện tăng gấp 4-5 lần so với trước đây. Trung bình, cô sẽ tốn 60.000/ngày để di chuyển bằng xe ôm công nghệ thay vì đổ xăng 4 ngày một lần, tốn 13.000/ngày.

 Hoài An phải tốn hơn 1 triệu chi phí di chuyển dù mới nhận công việc mới chưa đầy 1 tháng. Ảnh: NVCC.

Hoài An phải tốn hơn 1 triệu chi phí di chuyển dù mới nhận công việc mới chưa đầy 1 tháng. Ảnh: NVCC.

Ngoài công việc văn phòng, Hoài An còn nhận dẫn chương trình ở các sự kiện trong TP.HCM. Tùy vào quãng đường cần di chuyển, cô sẽ ra khỏi nhà trước 30-45 phút so với thời gian hẹn với ban tổ chức.

Song, vì kẹt xe triền miên, Hoài An phải xuất phát trước 1-1,5 tiếng so với giờ hẹn để “trừ hao kẹt xe”. “Thời gian 'chết' của mình tăng đáng kể vì kẹt xe quá mức. 1 tiếng di chuyển đó mình có thể làm được thêm rất nhiều việc”, cô tâm sự.

Dù không ít người chọn di chuyển bằng xe ôm công nghệ để giảm rủi ro bị phạt tiền như Hoài An, tài xế công nghệ trao đổi với Tri Thức - Znews tỏ ra không mấy lạc quan về thu nhập hiện tại.

 Nhiều tuyến đường ở TP.HCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn... kẹt xe nghiêm trọng. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhiều tuyến đường ở TP.HCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn... kẹt xe nghiêm trọng. Ảnh: Duy Hiệu.

Ông Hữu Thành (65 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết thu nhập trước đây có khi lên đến 2 triệu/ngày nếu chạy từ sáng đến chiều. Song, khi kẹt xe ngày càng nhiều, số tiền ông kiếm được mỗi ngày giảm hẳn.

Bởi lẽ, kẹt xe kéo dài làm ông Thành mất nhiều thời gian di chuyển, không thể nhận thêm khách. Số chuyến xe trong ngày của ông giảm khoảng 30%, từ 12 chuyến/ngày giảm còn 7-8 chuyến, từ đó mà thu nhập tụt dốc.

“Tôi ở Gò Vấp chạy đi khắp nơi, kẹt xe nhất vẫn là tuyến Võ Oanh, Phan Văn Trị. Xa nữa là Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Tất Thành. Bây giờ mở mắt ra đã thấy kẹt xe, không kể ngày giờ gì hết. Một số nơi có lắp biển cho xe rẽ phải thì cũng đỡ một chút nhưng vẫn kẹt”, ông cho biết.

Tài xế ôtô này cho biết nhiều người đã hủy chuyến trước khi ông tới nơi sau khi đợi khoảng 10-15 phút. Một số khách hàng khác thậm chí muốn ông dừng xe giữa đường để bắt xe ôm vì ôtô gần như không thể nhích bánh trên một số đoạn đường. "Khách hàng hối thúc tôi cũng sốt ruột nhưng không thể làm gì hơn. Với những tuyến đường như Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), mắc ở đó rồi thì chỉ còn cách chờ đợi thôi, cố chạy vào hẻm thì còn kẹt dữ hơn", ông Thành chia sẻ.

Lê Vy - Đinh Phạm - Đức An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-dan-tphcm-than-troi-vi-mo-mat-ra-da-thay-ket-xe-post1524528.html
Zalo