Người dân TP.HCM có tuổi thọ cao nhất nước

Trong khi 4 năm trước, tuổi thọ trung bình của người Việt chỉ loanh quanh 73,6-73,7 thì đến năm 2023, con số này tăng lên 74,5.

 Tính theo địa phương, người dân TP.HCM có tuổi thọ cao nhất nước. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Tính theo địa phương, người dân TP.HCM có tuổi thọ cao nhất nước. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Trong Niên giám thống kê công bố gần đây của Tổng cục Thống kê, dân số trung bình của Việt Nam năm 2023 ước tính đạt 100,3 triệu người, tăng 841,3 nghìn người, tương đương tăng 0,85% so với năm 2022.

Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người dân Việt Nam năm 2023 là 74,5 tuổi, trong đó nam là 72,1 tuổi và nữ là 77,2 tuổi. So với năm 2022, tuổi thọ trung bình tăng gần 1 tuổi, trong đó, nam giới tăng 1 tuổi, còn phụ nữ tăng 0,8 tuổi.

Tuổi thọ người Việt đang tăng lên

Liên tục từ năm 2019 đến 2022, tuổi thọ trung bình của người Việt dao động từ 73,6-73,7 tuổi; phụ nữ sống lâu hơn đàn ông khoảng 5 năm.

Phân theo vùng, Đông Nam Bộ là khu vực người dân có tuổi thọ cao nhất nước (76,3 tuổi), thấp nhất là Tây Nguyên (72 tuổi).

Tính theo địa phương, người dân TP.HCM có tuổi thọ cao nhất nước với 76,5 tuổi; tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, lần lượt là 76,4 và 76,3 tuổi. Tại Hà Nội, tuổi thọ trung bình của người dân là 76,1, đạt mức cao so với trung bình cả nước.

Trong khi đó, các tỉnh có tuổi thọ người dân thấp nhất cả nước là Điện Biên, Lai Châu, Kon Tum. Tuổi thọ trung bình người dân các tỉnh này chưa vượt quá 70 tuổi, lần lượt là 69,9, 69,8 và 69,7.

Tổng cục Thống kê đánh giá chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng do công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao.

Số giường bệnh năm 2022 của cả nước là 315,6 nghìn giường (không bao gồm số giường bệnh thuộc tuyến Trung ương), tăng 2,5% so với năm 2021; số giường bệnh bình quân trên 10.000 dân là 31,7 giường bệnh, tăng 1,8%.

Số bác sĩ là 99,6 nghìn người, tăng 1,6%; số bác sĩ bình quân 10.000 dân là 10 bác sĩ, tăng 0,7% so với năm 2021.

Tuổi thọ trung bình tăng do công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Tuổi thọ trung bình tăng do công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Năm 2022, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine đạt 87,6%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2021. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi là 10,8%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2021; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi là 19%, giảm 0,2 điểm phần trăm.

Số năm sống với bệnh tật vẫn cao

Tại Đông Nam Á, tuổi thọ trung bình của Việt Nam cao hơn tuổi thọ trung bình trong khu vực (72 tuổi), đứng thứ 4 sau Singapore (83 tuổi), Brunei (78 tuổi) và Thái Lan (76 tuổi).

Tuy nhiên, trong tờ trình đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh gửi Chính phủ, Bộ Y tế cho hay số năm sống với bệnh tật của người Việt vẫn còn ở mức cao do nhiều nguyên nhân.

 Người dân từ các địa phương xếp hàng chờ khám tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM lúc rạng sáng. Ảnh: Duy Hiệu.

Người dân từ các địa phương xếp hàng chờ khám tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM lúc rạng sáng. Ảnh: Duy Hiệu.

Thứ nhất, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan dinh dưỡng.

Thứ hai, bệnh không lây nhiễm có sự gia tăng nhanh ở nhiều người Việt. Theo kết quả Điều tra Quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 của Bộ Y tế, 20,8% dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên đang hút thuốc, với 41,1% nam giới và 0,6% nữ giới. Khoảng 1/3 dân số (37,3%) đã từng tiếp xúc với khói thuốc.

Gần 2/3 nam giới (64,2%), 1/10 nữ giới (9,8%) có uống rượu, bia. Khoảng 14,7% số người uống rượu, bia ở mức nguy hại. Tỷ lệ này ở nam giới (28,5%) cao hơn nhiều lần so với nữ giới (1,0%).

Khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị 400 g/ngày. Tỷ lệ người dân luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu ăn hoặc trong khi ăn là 78,2%.

Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1 g muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong khi đó, mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp. Gần 1/4 dân số (22,2%) thiếu hoạt động thể lực (không đạt mức theo khuyến nghị của WHO). Gần 1/5 dân số (19,5%) bị thừa cân, trong đó mắc bệnh 2,1% béo phì.

Thứ ba, theo Bộ Y tế, một số yếu tố khác tác động lên tuổi thọ dân số Việt Nam là các vấn đề ô nhiễm môi trường, thiếu tiếp cận với nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sạch...

Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gia tăng bệnh tật.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, bão lụt... cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều cộng đồng dân cư, góp phần làm gia tăng các trường hợp nhập viện.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-dan-tphcm-co-tuoi-tho-cao-nhat-nuoc-post1487793.html
Zalo