Người dân 'thủ phủ' đào phai hối hả 'xuống lá' vào vụ Tết Giáp Thìn
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng thủ phủ đào phai Đông Sơn (Tp.Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã xuống lá, thay 'áo mới', khoe sắc chuẩn bị đón xuân.
Từ những năm 80 của thế kỷ XX, xã Đông Sơn thuộc Tp.Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã nức tiếng xa gần bởi nghề truyền thống trồng đào phai.
Những năm gần đây, nhờ loại cây trồng này mà kinh tế của người dân Đông Sơn cũng khấm khá hơn từng ngày. Nắm bắt xu hướng thị trường, chính quyền địa phương đã mở rộng diện tích trồng, nâng cao chất lượng, đưa đào phai trở thành cây trồng chủ lực nơi đây.
Chẳng vậy mà cứ mỗi độ Tết đến xuân về, xã Đông Sơn lại như thêm sức sống mới, không khí nhộn nhịp bởi thương lái ra vào tấp nập, đưa cây đào phai ra thị trường, phục vụ nhân dân trong dịp lễ lớn nhất năm này.
Ông Đinh Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn cho biết: “Năm nay, thời tiết có sự thay đổi thuận lợi hơn mọi năm, nên chắc chắn đào sẽ sai hoa, chất lượng bông cũng nở to và đẹp hơn mọi năm. Vì rét muộn nên bà con tiến hành tuốt lá muộn hơn, nuôi mắt đào để nở đúng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024”.
Hiện tại, các chủ vườn đào phai Đông Sơn (Tp.Tam Điệp) đang gấp rút thực hiện các công đoạn chăm sóc, cắt tỉa, tuốt lá,... Đây cũng là thời điểm quan trọng, quyết định để có những cây đào đẹp, nở hoa đúng dịp Tết. Có thể thấy trên khắp các vườn đồi, ngoài lao động của gia đình, nhiều hộ còn phải thuê thêm nhân lực để đánh bầu, hãm rễ, tỉa cành,...
Anh Nguyễn Văn Toản (thôn 5, xã Đông Sơn) có kinh nghiệm trồng đào thế lâu năm cho biết: “Để tạo ra được một cây đào thế có giá trị cao thì phải tốn nhiều công sức và thời gian. Tùy theo mỗi gốc cây, người trồng đào mới uốn tỉa và tạo thế. Năm nay, thời tiết thuận, mưa đều giúp cây đào phát triển tốt hơn”. Năm này, vườn của anh Toàn có 250 gốc đào thế lâu năm (5-10 năm), có thể cung ứng ra thị trường phục vụ nhu cầu chơi Tết của nhân dân khắp mọi miền.
Với kinh nghiệm trồng đào phai hơn 20 năm nay, ông Phạm Xuân Thủy (thôn 6, xã Đông Sơn, Tp.Tam Điệp, Ninh Bình) chia sẻ với chúng tôi: “Nghề trồng đào cả năm chỉ trồng chờ vào mỗi dịp Tết nên các hộ trồng đào thường phải rất thận trọng, tỉ mỉ. Thông thường, từ đầu tháng 12 Âm lịch, sẽ có đông khách tới xem và đặt hàng, khách quen thì đặt đào từ sớm. Giá cả mỗi năm lại khác nhau, chia nhiều phân khúc phụ thuộc vào số năm, hoa, nụ, dáng, thế đẹp của cây”. Gia đình ông Thủy cũng là một trong những hộ trồng đào với diện tích nhiều nhất ở địa phương.
Đào Đông Sơn đã khẳng định được thế mạnh của mình trên thị trường trong nước với nét đẹp riêng là dáng cây thanh thoát, cánh hoa dày, phớt hồng, rất được ưa chuộng. Qua thời gian, nghề trồng đào càng gắn bó hơn với người dân Đông Sơn. Cây đào vừa là cây trồng chủ lực, vừa đem lại hiệu quả kinh tế và cũng là hình ảnh đại diện cho vùng đất Tam Điệp mỗi độ Tết đến xuân về.