Người đàn ông suýt mất cẳng tay trong lúc cưa gỗ
Trong quá trình sử dụng cưa để cắt gỗ, ông B. sơ ý làm cưa cắt sâu vào cẳng tay trái, vết thương nặng khiến bệnh nhân bị đứt nhiều cơ ở mặt trước cẳng tay, máu chảy không ngừng và phải nhập viện cấp cứu.
Ông N.V.B. (57 tuổi, ngụ tại Long An) đang cưa gỗ thì bất ngờ bị lưỡi cưa cắt ngay vào cẳng tay trái của ông. Vết thương khiến máu chảy không cầm được, da xanh xao, đau đớn và cánh tay không thể cử động được.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của chấn thương, gia đình nhanh chóng đưa ông B. đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng thăm khám và đánh giá mức độ tổn thương.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc - Khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện cho biết, bằng mắt thường, có thể thấy vết thương dài và sâu, cắt đứt nhiều lớp cơ ở vùng cẳng tay. Hơn nữa, người bệnh bị chảy máu liên tục và không cầm được, dù có băng ép vết thương.
Ngay lập tức, các bác sĩ thực hiện cầm máu tạm thời, chuẩn bị mổ cấp cứu để khâu lại toàn bộ gân cơ đứt và mạch máu thần kinh cho bệnh nhân.
“Kết quả chụp X-quang cho thấy, bệnh nhân không chỉ bị tổn thương cơ mà còn bị gãy một mảnh xương ở cẳng tay (xương quay). Điều này chứng tỏ cưa cắt làm đứt gần như toàn bộ các thành phần mặt trước cẳng tay”, bác sĩ Lộc cho biết thêm.
Trước tình hình đó, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nối lại các mạch máu và thần kinh bị tổn thương, cũng như các nhóm gân cơ bị đứt – là những cơ chịu trách nhiệm vận động cho các ngón tay và cổ tay.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ nhận định động mạch bị cắt đứt hoàn toàn, nhưng do tác nhân là cưa cắt nên một phần của động mạch bị đụng giập nặng nề. Sau khi cắt bỏ phần bị đụng giập, hai đầu đứt của động mạch vẫn có thể nối lại được với nhau mà các bác sĩ không cần phải ghép mạch máu.
“Quá trình phẫu thuật thành công tốt đẹp. Các bác sĩ kiểm soát cẩn thận sự lưu thông máu qua các mạch máu đã được nối và theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng tại vết mổ. Ngoài ra, người bệnh cũng được truyền dịch và các loại thuốc hỗ trợ, bao gồm kháng sinh, thuốc chống đông máu nhằm ngăn ngừa các biến chứng sau phẫu thuật. Sau một tuần chăm sóc, điều trị, tổng trạng vết thương đã hồi phục tốt và người bệnh đã được xuất viện về nhà với gia đình”, bác sĩ Lộc thông tin.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc, việc tái tạo lại dây thần kinh là một trong những thách thức lớn đối với các bác sĩ. Ngay cả khi dây thần kinh được nối lại thành công, việc phục hồi chức năng có thể không hoàn toàn như trước, dẫn đến giảm, hoặc mất cảm giác ở cẳng tay và bàn tay, hoặc mất một phần khả năng vận động của ngón tay. Các biến chứng khác có thể bao gồm việc hình thành cục máu đông trong mạch nối, hoặc việc mô sẹo gây chèn ép lên các dây thần kinh.
“Để hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, ngoài việc chủ động trang bị những kỹ năng cần thiết, khi phát hiện người bị tai nạn lao động, sinh hoạt, người xung quanh cần bình tĩnh, sơ cứu, băng bó vết thương cho nạn nhân rồi chóng đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất, để hạn chế tối đa tổn thương và giảm thiểu các trường hợp đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ Lộc khuyến cáo.