Cô giáo tiểu học hạnh phúc được làm mẹ 3 'hạt cát' yêu thương sau nhiều năm hiếm muộn

Gần 7 năm trên hành trình hiếm muộn ròng rã 'tìm con', chưa bao giờ cô giáo tiểu học Bùi Thị Giang muốn bỏ cuộc dù cho có những lời cay độc 'Cứ để mà xem, nhà đấy còn lâu mới đẻ được. Còn chị còn em…'. Cả 3 'hạt cát' của cô giáo Giang đều 'tìm được' trong hành trình chữa hiếm muộn đầy yêu thương...

"Hạt cát của bố lại chạy đâu rồi?"

Sau 3 năm yêu thương tìm hiểu, tháng 6/2012 cô giáo Bùi Thị Giang (SN 1988 ở Ninh Bình) và chàng thủy thủ Trần Văn Thiên nên duyên vợ chồng. Vì tính chất công việc, anh Thiên hay phải đi làm xa nên đôi vợ chồng trẻ luôn mong muốn sớm có con, để chị Giang ở nhà vơi bớt nỗi cô đơn phải xa chồng.

Mong ngóng là vậy nhưng sau nửa năm chưa thấy tin vui, tranh thủ những ngày anh Thiên được nghỉ phép, hai vợ chồng cô giáo Giang bắt đầu hành trình chữa hiếm muộn bằng thuốc bắc, thuốc nam, nhưng không có kết quả.

"Tháng nào tôi cũng mong đợi, chậm vài ngày là dùng que thử thai nhưng mà không có. Thuốc đông - tây y đủ cả, rồi nhiều loại thuốc bổ tôi đều uống. Tôi uống thuốc nhiều đến nỗi bị tăng men gan và phải đi điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương" - chị Giang chia sẻ.

Niềm hạnh phúc được làm cha mẹ của vợ chồng cô giáo tiểu học Bùi Thị Giang...

Niềm hạnh phúc được làm cha mẹ của vợ chồng cô giáo tiểu học Bùi Thị Giang...

Thương vợ vất vả ngược xuôi, uống nhiều thuốc đến mức ảnh hưởng sức khỏe, anh Thiên đã chủ động đi khám sức khỏe sinh sản. Kết quả, anh bị vô sinh nam. Bác sĩ cho biết nguyên nhân là có thể là do biến chứng của căn bệnh quai bị mà anh Thiên mắc phải khi còn nhỏ.

Bàng hoàng trước kết quả thăm khám, chị Giang và anh Thiên quyết định khăn gói ra bệnh viện tuyến trung ương kiểm tra lại, nhưng kết quả vẫn là "Hai vợ chồng không thể có con tự nhiên được, muốn có con bắt buộc phải thực hiện Hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiêm (IVF)".

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế không cho phép, nên mãi tới năm 2015, vợ chồng chị Giang mới có thể dành dụm, vay mượn thêm tiền để tiếp tục hành trình "tìm con" ở khắp các bệnh viện lớn, nhỏ. Tuy nhiên, lần đầu tiên thực hiện IVF, ngỡ tưởng hạnh phúc đã đến rất gần nhưng sau 2 lần chuyển phôi không có kết quả chị Giang rơi vào trạng thái buồn tủi, lo lắng. Mỗi lần nhìn chiếc que thử thai hiện lên 1 vạch lòng chị lại quặn thắt nỗi đau, nước mắt luôn trực trào vì giấc mơ được làm mẹ vẫn chưa thể thành hiện thực...

Không chỉ có chị Giang, nỗi khát khao mong chờ con của anh Thiên nhiều đến nỗi sau những lần vợ chuyển phôi thất bại, anh đã tự viết nên những câu thơ mong con trong nhật ký:

"Hạt cát" của Bố!

Lại chạy đi đâu rồi...?;

Đang chơi đánh đu hả?

Bám chặt vào không rơi;

Mồ hôi kiếm đồng tiền, nước mắt đi tìm "Cát";

"Hạt cát" vàng của mẹ, mau về với bố thôi"…

Là một người phụ nữ, ai cũng khao khát được gọi hai tiếng "mẹ yêu" nên sau tất cả, chị Giang cố gạt đi những giọt nước mắt buồn tủi để bước tiếp, nhất định không từ bỏ hành trình này...

Và cũng trên hành trình tìm con gần 7 năm hiếm muộn của vợ chồng chị Giang phải chịu không ít khó khăn về kinh tế hay định kiến từ xã hội, nhưng chính sự thấu hiểu, động viên của những người thân trong gia đình là sức mạnh tinh thần to lớn giúp vợ chồng chị vững tin bước tiếp đợi ngày "hái quả ngọt".

Hạnh phúc mỗi ngày bên 3 'hạt cát' yêu thương...

Năm 2017, tình cờ chị Giang biết đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chị bắt đầu tìm những câu chuyện "tìm con" của các cặp đôi hiếm muộn hàng chục năm đã đón con yêu thành công ở đây. Chờ dịp nghỉ hè đến, cũng là khi chồng chị vừa kết thúc chuyến đi tàu dài ngày và được về nhà nghỉ phép, hai vợ chồng bắt đầu ra bệnh viện khám.

Tại bệnh viện bác sĩ cho chị Giang phác đồ điều trị, một tháng sau khám là chị bắt đầu vào quá trình kích trứng rồi chọc trứng tạo phôi. Nhờ tinh thần thoải mái và phác đồ điều trị phù hợp, lần đó vợ chồng chị Giang tạo được 9 phôi ngày 5. Sau lần chuyển phôi tươi đầu tiên không thành công, chị Giang quyết định về nghỉ ngơi và 4 tháng sau quay lại bệnh viện để chuyển phôi trữ.

Cuối năm 2017 cả gia đình chị Giang vỡ òa hạnh phúc khi lần đầu tiên được nghe bác sĩ thông báo chị đã chuyển phôi thành công sau 2 lần thực hiện IVF, 3 lần chuyển phôi thất bại trước đó.

Vợ chồng cô giáo Giang thêm hạnh phúc khi có thêm 2 'hạt cát' bé nhỏ.

Vợ chồng cô giáo Giang thêm hạnh phúc khi có thêm 2 'hạt cát' bé nhỏ.

Tới ngày 10/9/2018 nàng công chúa nhỏ đầu tiên cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui vô bờ của gia đình nội, ngoại hai bên. Vậy là từ nay sẽ không còn những lời gièm pha, không còn định kiến hay bất cứ áp lực tinh thần nào đè nén lên cô giáo Giang mạnh mẽ, kiên cường nữa.

"Đúng là mọi sự cố gắng đều được đền đáp, con gái đến với vợ chồng tôi như một giấc mơ sau bao ngày tháng mong đợi. Chồng tôi đặt tên con là Trần Cát Thiên An, với ý nghĩa con đến với bố mẹ là một sự may mắn trời ban sau bao nhiều khó khăn vất vả, mong con sẽ luôn đón nhận những điều an lành, bình yên" - chị Giang chia sẻ.

Tháng 12/2020, chị Giang tiếp tục quay lại Bệnh viện này để chuyển số phôi trữ còn lại và may mắn lại mỉm cười, hai 'mầm sống' mới hình thành trong cơ thể chị. Và ngày 19/8/2021, hai nàng công chúa Trần Cát Thiên Di và Trần Cát Thiên Ân chào đời, giúp cuộc sống gia đình chị Giang càng thêm vẹn tròn hạnh phúc.

"Nhờ sự kiên trì của hai vợ chồng, tình yêu thương và sự tài giỏi của các y bác sĩ mà những em bé phôi nhỏ như hạt cát đã hóa thành "thiên thần" đến với gia đình mình. Mình chỉ muốn nhắn nhủ đến các gia đình đang mong con là hãy vững tâm, vững tin và nghĩ rằng con yêu vẫn đang đợi bố mẹ ở đâu đó, chỉ là con đến muộn chút thôi"- đó là những tâm sự của chị Giang muốn gửi đến các gia đình hiếm muộn đã và đang trên hành trình tìm con...

Nguyễn Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-giao-tieu-hoc-hanh-phuc-duoc-lam-me-3-hat-cat-yeu-thuong-sau-nhieu-nam-hiem-muon-169241119212411617.htm
Zalo