Người đàn ông phải đi cấp cứu sau khi nhổ răng

Người đàn ông nhập viện trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, run chân tay. Trước đó, trong quá trình nhổ răng, bệnh nhân được sử dụng 2 ống Lidocain 2% tê tại chỗ.

 Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, run chân tay sau khi nhổ răng. Ảnh: Bakupost.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, run chân tay sau khi nhổ răng. Ảnh: Bakupost.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết nam bệnh nhân 66 tuổi được chẩn đoán theo dõi ngộ độc thuốc tê Lidocain sau nhổ răng.

Người đàn ông này được truyền tĩnh mạch nhũ tương lipid 20%, theo dõi sát tình trạng ý thức và huyết động. Sau khi dùng thuốc 15 phút, các triệu chứng lâm sàng khiến bệnh nhân khó chịu hết hoàn toàn. Bệnh nhân được chuyển lên khoa Dị ứng tiếp tục theo dõi và điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Đức Duẩn, khoa Cấp cứu, cho biết bệnh nhân may mắn được cấp cứu đúng cách và kịp thời nên tránh được những hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thuốc tê luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

 Bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê sau khi nhổ răng tại phòng khám ngoài bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê sau khi nhổ răng tại phòng khám ngoài bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Việc chẩn đoán thường dựa vào các triệu chứng đi kèm như bệnh nhân hoảng sợ, lo lắng quá mức trước khi làm thủ thuật (hội chứng sợ hãi); khó thở, thở rít, nổi ban mề đay, ngứa, buồn nôn, đau bụng (phản vệ với thuốc); ngộ độc.

"Trong 3 trường hợp trên, ngộ độc hay xảy ra nhất. Trong khi đó, phản vệ lại hiếm gặp nhất. Vì vậy, khi gặp phải tình huống lâm sàng như trên, chúng ta nên xử trí theo hướng ngộ độc thuốc kết hợp với các biện pháp hồi sức cấp cứu cơ bản thì khả năng cao sẽ cứu sống được bệnh nhân", bác sĩ Lê Đức Duẩn nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, khoa Cấp cứu, ngộ độc thuốc tê nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Vì vậy, việc nắm được những dấu hiệu nhận biết sớm và biện pháp cấp cứu kịp thời là rất quan trọng, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Để phòng ngừa ngộ độc thuốc tê, các nhân viên y tế nhất, là những người không thuộc chuyên ngành Gây mê - Hồi sức và người bệnh cần lưu ý một số thông tin sau:

Những người có nguy cơ cao ngộ độc thuốc tê:

Trẻ em dưới 6 tháng tuổi
Bệnh nhân thể trạng nhỏ
Tuổi cao, suy yếu
Suy tim, thiếu máu cơ tim
Bệnh gan

Nhận biết bệnh nhân ngộ độc thuốc tê:

Hội Gây tê vùng và Giảm đau Mỹ khuyến cáo những thay đổi về thần kinh hoặc tim mạch của bệnh nhân khi đang sử dụng thuốc tê, dù liều nhỏ, gây tê theo phương pháp gì, cần nghĩ tới ngộ độc thuốc tê trước và xử trí theo phác đồ.

Hệ thần kinh trung ương: Kích thích (bồn chồn, lo lắng, kêu la, giật cơ, co giật); ức chế (ngủ gà, hôn mê hoặc ngừng thở); không đặc hiệu (miệng có vị kim loại, tê quanh miệng, nhìn đôi, ù tai, chóng mặt)
Hệ tim mạch: Giai đoạn đầu có thể có tăng huyết áp, mạch nhanh, loạn nhịp thất… Giai đoạn sau, tụt huyết áp tiến triển, nhịp tim chậm, vô tâm thu, loạn nhịp thất (nhanh thất, rung thất, xoắn đỉnh, vô tâm thu).

Các triệu chứng ngộ độc trên lâm sàng có thể xuất hiện chậm sau 30 phút hoặc muộn hơn. Vì vậy, nhân viên y tế cần giao tiếp thường xuyên với bệnh nhân để phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc.

Bên cạnh đó, người bệnh cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng ngộ độc thuốc tê để khi xảy ra có thể đến cơ sở y tế gần nhất cấp cứu kịp thời.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-dan-ong-phai-di-cap-cuu-sau-khi-nho-rang-post1488876.html
Zalo