Người đàn ông ngoại quốc lưu giữ ký ức TP.HCM qua ống kính
Kể từ khi đặt chân đến TP.HCM vào năm 2011, nhiếp ảnh gia người Pháp Alexandre Garel đã lặng lẽ bắt đầu một hành trình đặc biệt: lưu giữ vẻ đẹp của các công trình kiến trúc cũ giữa lòng thành phố.
Năm 2025 đánh dấu 50 năm kể từ khi Sài Gòn được đổi tên thành TP.HCM, một cột mốc không chỉ quan trọng với người Việt Nam mà còn với những người yêu mến thành phố này như Alexandre Garel. Trong nửa thế kỷ qua, những tòa nhà cao tầng lần lượt mọc lên, nhịp sống hối hả cuốn trôi nhiều vệt ký ức cũ kỹ, thì đâu đó, vẫn có người đang kiên nhẫn gom nhặt từng mảnh vụn của quá khứ.
Với Garel, cuốn sách ảnh Saigon: Portrait of a City (Sài Gòn: Chân dung một thành phố) không chỉ là một dự án cá nhân, mà là cách ông “giữ lại linh hồn” của thành phố này - một linh hồn không chỉ hiện diện trong kiến trúc mà còn sống trong lịch sử và ký ức của người dân.
Khi nhìn lại những bức ảnh ông chụp từ hơn 10 năm trước, người xem không khỏi xúc động khi nhận ra rằng nhiều công trình giờ đây chỉ còn tồn tại trong ảnh. Mỗi bức ảnh là một lát cắt thời gian. Trong đó, những mái ngói rêu phong, ô cửa gỗ cong vênh hay lớp sơn bong tróc của biệt thự Pháp là chứng nhân thầm lặng cho một hành trình dài 50 năm chuyển mình.

Nhà thờ Đức Bà năm 2017 trước khi trùng tu. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Alexandre Garel.
Người đàn ông Pháp đem lòng yêu Sài Gòn
TP.HCM từng là điểm dừng chân tình cờ trong hành trình của nhiếp ảnh gia Alexandre Garel, nhưng rồi trở thành nơi ông quyết định ở lại và gắn bó suốt hơn 10 năm qua. Ông cho biết sự gắn bó này không xuất phát từ nhịp sống năng động hay các yếu tố hiện đại, mà từ ấn tượng đặc biệt với không gian kiến trúc mang dấu ấn lịch sử - những lớp tường loang lổ, mái ngói cổ kính, những ban công sắt uốn cong kiểu Pháp, những tòa nhà cổ giữa các trục đường sầm uất.
Khi chứng kiến ngày những công trình kiến trúc cũ kỹ bị tháo dỡ để nhường chỗ cho các cao ốc hiện đại, Garel bắt đầu hành trình ghi lại những vẻ đẹp ấy. Không phải để phản đối mà chỉ để lưu giữ ký ức.
“Việc người dân địa phương tháo dỡ những di sản quý giá đó với tốc độ nhanh chóng khiến tôi thực sự sốc. Ở Pháp, chúng tôi không làm như vậy. Nếu bạn nhìn vào một bức ảnh chụp Paris 40 năm trước, bạn sẽ thấy nó gần như giống với Paris bây giờ”.

Nhiếp ảnh gia Alexandre Garel. Ảnh: NVCC.
Là con trai của một kiến trúc sư, Alexandre Garel sớm hình thành tình yêu sâu sắc với kiến trúc. “Bạn không thể chụp kiến trúc nếu không yêu nó”, Garel nói. Tình yêu ấy khiến anh không ngần ngại “đột nhập” vào các công trình sắp bị phá bỏ, lặng lẽ lưu giữ từng chi tiết cuối cùng.
Garel đặc biệt mê đắm phong cách kiến trúc Pháp pha trộn bản địa ở TP.HCM - một thứ rất riêng, không thể tìm thấy ở nơi khác. Khi đứng trước các công trình như Thương xá Tax, nhà máy Ba Son, hay biệt thự trên đường Catinat, ông không chỉ thấy những viên gạch hay dầm bê tông, mà là một phần lịch sử, ký ức và văn hóa của thành phố.
“Việt Nam không chỉ nón lá, áo dài…”
Từ hàng nghìn bức ảnh chụp trong suốt hơn một thập kỷ, Alexandre Garel đã chọn lọc và biên soạn thành cuốn sách ảnh Saigon: Portrait of a City. Sách dày hơn 400 trang, viết bằng tiếng Anh - Việt, lưu lại nhiều kiến trúc đậm chất Sài Gòn - TP.HCM, có những kiến trúc vẫn còn tồn tại đến nay, có những kiến trúc đã nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng hiện đại hơn. Mỗi bức ảnh đều được chú thích tỉ mỉ, kèm theo tư liệu lịch sử hoặc câu chuyện cá nhân mà ông thu thập được.
“Việt Nam không chỉ có nón lá, áo dài, vịnh Hạ Long… Các bạn còn có kho báu di sản kiến trúc, những ngôi nhà cổ độc đáo. Đất nước của các bạn thật giàu có về di sản và chúng cần được bảo vệ”.

Tòa nhà Viễn Đông trên ngã ba Nguyễn Huệ-Nguyễn Thiêp (Quận 1) trước khi bị phá dỡ năm 2016. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Alexandre Garel.
Garel thừa nhận dự án không mang lại lợi nhuận, thậm chí còn tiêu tốn nhiều chi phí in ấn, triển lãm. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì thực hiện với mong muốn góp phần lưu giữ hình ảnh cho các thế hệ sau. Garel không đặt kỳ vọng rằng cuốn sách sẽ thay đổi cục diện bảo tồn di sản tại Việt Nam, nhưng ông tin vào giá trị lâu dài của việc lưu giữ hình ảnh.
“Đôi khi tôi nghĩ mình chụp không phải để cho hiện tại, mà để cho 20 năm sau”, ông nói.
Dù không phải là người bản địa, Alexandre Garel dành nhiều năm sống tại TP.HCM và xem thành phố như một phần quan trọng trong cuộc đời. Ông không cố gắng trở thành “người hùng của di sản”, mà chỉ làm điều mình tin là đúng: đi và chụp, giữ lại vẻ đẹp cho những thế hệ sau. Có thể những bức ảnh của ông không cứu được các tòa nhà, nhưng chúng đã cứu ký ức của một thành phố. Và đôi khi, ký ức nếu được kể đúng cách sẽ tạo nên những cuộc hồi sinh kỳ diệu.