Người dân ở Lục Khu 'vật lộn' với hạn hán

Lục Khu là vùng đất núi đá nổi tiếng khô cằn của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã nhiều tháng không có mưa khiến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của hàng chục nghìn người dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn.

Những hồ vải địa còn nước cuối cùng ở Lục Khu, huyện Hà Quảng. Ảnh: TTXVN phát

Những hồ vải địa còn nước cuối cùng ở Lục Khu, huyện Hà Quảng. Ảnh: TTXVN phát

Tại xã Hồng Sỹ, các nguồn nước đã khô cạn từ lâu, thiết bị chứa nước mưa gần như cạn khô đáy, nhiều hộ dân đã rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng kéo dài. Nhiều tháng nay, anh Lý Văn Sống và 103 hộ dân trong xóm Lũng Ngần đang phải vật lộn, chống chọi với thời tiết nắng hạn kéo dài.

Ngày nào cũng vậy, anh cùng nhiều hộ dân trong xóm phải dùng xe máy đi xa vài cây số để chở từng can nước về dùng. Nước được sử dụng tiết kiệm tối đa, có thể vừa dùng để vo gạo nấu cơm, vừa rửa rau, sau đó tận dụng để rửa bát. Số nước đã qua sử dụng tiếp tục được dùng cho trâu bò uống.

Ánh mắt mệt mỏi, anh Lý Văn Sống chia sẻ, đã 3 tháng nay anh phải đi lấy nước tại các hồ nước vải địa. Nay các hồ nhỏ đều đã cạn nước, phải đi lấy ở những hồ xa nhà, mỗi lần chỉ được vài chục lít. Hiện nay nhiều người dân đều tập trung vào các hồ lớn để lấy nước nên lượng nước trong hồ cạn nhanh, chỉ còn khoảng 30 - 40%.

Với chị Vương Thị Va, xã Hồng Sỹ, việc đi lấy nước còn vất vả hơn nhiều lần vì chị không biết đi xe máy, chồng vắng nhà nên chị phải đi bộ mấy km mới lấy được chút nước về dùng. Nhiều hôm đau ốm, chị phải đi vay nước hàng xóm để sử dụng. “Tôi phải đi bộ hơn 3 giờ đồng hồ mới lấy được nước. Hai hôm nay, nước tại hồ tôi thường lấy đã cạn rồi, giờ không có nước để nấu cơm. Đợi hai đứa con đi học về, lại phải đi xin nước trong xóm để nấu cơm cho các con” – chị Va tâm sự.

Những vạt nương rẫy ở xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vẫn khô cằn chờ đợi mưa. Thời điểm này mọi năm, cây ngô đã phủ xanh những nương rẫy ở Hồng Sỹ. Ảnh: TTXVN phát

Những vạt nương rẫy ở xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vẫn khô cằn chờ đợi mưa. Thời điểm này mọi năm, cây ngô đã phủ xanh những nương rẫy ở Hồng Sỹ. Ảnh: TTXVN phát

Hồ vải địa ở xóm Pác Táng, xã Hồng Sỹ có dung tích thiết kế 3.000 m3. Những năm qua, hồ được sử dụng để cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 200 hộ dân ở khu vực các xóm Pác Táng, Lũng Đá, Lũng Kính và Sông Giang. Nhiều tháng nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa không đáng kể, mực nước tại hồ xuống thấp và dần cạn kiệt. Nhiều khu vực hồ trơ đáy, xung quanh lòng hồ nứt nẻ, trơ lại bùn đất.

Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài, sẽ làm ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của người dân, từ những nhu cầu thiết yếu như: nấu ăn, nước uống, tắm giặt, vệ sinh... đều khó khăn. Việc thiếu nước không chỉ ảnh hướng tới sinh hoạt của người dân mà còn khiến sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Mưa ít khiến cây ngô – cây lương thực chính của Lục Khu bị khô héo, kém phát triển.

Xã Hồng Sỹ có 580 hộ dân với hơn 2.700 nhân khẩu. Theo thống kê, trên địa bàn xã có 5 hồ vải địa với dung tích từ 1.500 - 3.500 m3, hiện đều đang trong tình trạng cạn kiệt nguồn nước. Ngoài ra còn làm hàng trăm ha cây lương thực như: ngô, rau màu của người dân đứng trước nguy cơ mất trắng hoặc năng suất thấp. Đến thời điểm này, nhân dân trên địa bàn xã tiến hành cày ải khoảng 95% diện tích, trồng ngô 348/580 ha, đạt 60% kế hoạch; lạc, đỗ tương 12 ha. Tuy nhiên với thời tiết khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng tới tình hình sinh trưởng của cây trồng.

Bà Đàm Mai Hoa, Chủ tịch UBND xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng cho biết, từ cuối năm 2024 đến nay, chưa có trận mưa lớn nào xảy ra trên địa bàn. Bà con trên địa bàn đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Mặc dù xã đã được đầu tư các hồ, các bể vuông và bể công cộng cho các hộ dân, nhưng hiện nay các hồ cơ bản đã hết nước, chỉ còn 1 hồ còn khoảng 30% nước.

Rất nhiều diện tích trồng ngô ở Lục Khu, huyện Hà Quảng có nguy cơ mất trắng vì thiếu mưa. Ảnh: TTXVN phát

Rất nhiều diện tích trồng ngô ở Lục Khu, huyện Hà Quảng có nguy cơ mất trắng vì thiếu mưa. Ảnh: TTXVN phát

Bà con trên địa bàn cũng chủ động ra hồ có nước để vận chuyển về sử dụng sinh hoạt hằng ngày, một số hộ gia đình mua nước để tiện sinh hoạt. Ảnh hưởng của hạn hán quá lớn nên diện tích cây trồng chỉ gieo trồng được trên 50%, các diện tích đã gieo trồng cũng sinh trưởng, phát triển không đảm bảo, sản lượng có nguy cơ không đạt theo kế hoạch đề ra.

Trước tình hình trên UBND huyện Hà Quảng khẩn trương thống kê, tổng hợp số liệu các hộ thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn có nhu cầu cấp nước sinh hoạt để hỗ trợ nước cho bà con. Huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ những xóm, nhóm hộ cự ly vận chuyển nước từ 5 km trở lên. Tuy nhiên do địa bàn rộng, người dân sinh sống rải rác cùng với nhu cầu ngày càng lớn nên huyện không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Nhiều hộ dân đã phải chủ động đến các địa bàn khác để chở từng can nước về sử dụng hoặc mua nước từ các xe tải chở đến.

Ông Mạc Văn Kiên, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng cho biết, tình hình hạn hán tại huyện Hà Quảng nói chung và xác xã vùng Lục Khu nói riêng đang rất nghiêm trọng. Thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất, sinh hoạt của dân mà còn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình xây dựng, đến chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm cho nhân dân.

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy bơm nước cho người dân vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng. Ảnh: TTXVN phát

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy bơm nước cho người dân vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng. Ảnh: TTXVN phát

Trước tình hình đó, UBND huyện đã đề nghị công an tỉnh hỗ trợ, dùng xe cứu hỏa để chở nước cho bà con, tuy nhiên do số lượng phương tiện chuyên chở ít nên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người dân. Huyện đã trích một phần ngân sách dự phòng và vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp mua téc nước hỗ trợ cho bà con.

Để giải bài toán thiếu nước cho bà con, huyện Hà Quảng cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn của Nhà nước; cần sự chung tay, phối hợp, giúp đỡ của các nhà khoa học, các nhà hảo tâm để xây dựng công trình nước cho bà con.

Quốc Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/cong-dong/nguoi-dan-o-luc-khu-vat-lon-voi-han-han-20250424065500000.htm
Zalo