Người dân đổ về trung tâm trước giờ diễn ra Lễ kỷ niệm

Từ tờ mờ sáng 30/4, các tuyến đường dẫn về trung tâm TP Hồ Chí Minh đã rộn ràng dòng người đổ về dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Khắp các ngả đường như Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ,… người dân mang theo cờ Tổ quốc, háo hức chờ đón thời khắc thiêng liêng của dân tộc.

Người dân xuyên đêm ngồi đợi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Người dân xuyên đêm ngồi đợi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Từ đêm 29/4, hàng ngàn người dân từ đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để chờ dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xem diễu binh, diễu hành vào sáng 30/4. Nhiều người mang theo chiếu, bạt, gối đầu tạm nghỉ ngay trên các vỉa hè dọc đường Lê Duẩn, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Pasteur, Bến Bạch Đằng… Trong ánh đèn đường vàng nhạt, những nhóm người già, trẻ em, thanh niên nằm nghỉ sát nhau trò chuyện thâu đêm, tạo nên một khung cảnh vừa bình dị, xúc động.

Một số người tranh thủ chợp mắt, số khác thức trò chuyện, chia sẻ cảm xúc háo hức trước thời khắc thiêng liêng. Lực lượng chức năng thường xuyên đi tuần, nhắc nhở đảm bảo an ninh, đồng thời hỗ trợ người dân ổn định chỗ nghỉ ngơi.

Có mặt từ lúc 3h sáng 30/4, chú Phạm Ngọc Xô (SN 1952, quê Nghệ An) xúc động: “Năm xưa, tôi thuộc quân số Quân đoàn 7 và tham gia đánh chiến trường ở Quảng Trị. Sau đó, tôi cùng đồng đội vào đánh ở Xuân Lộc (Đồng Nai), rồi vào giải phòng Sài Gòn. Trong các trận đánh trên, tôi bị thương và hưởng chế độ thương binh loại 1. Những ngày này với tôi cùng các đồng đội với niềm hạnh phúc tuôn trào khi nhớ về kỷ niệm Ngày giải phóng cách đây 50 năm. Do vậy, tôi đã thức dậy từ lúc 2h để vào khu vực trung tâm xem diễu binh mừng Ngày giải phóng thống nhất đất nước”.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Xô.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Xô.

Cùng tâm trạng tự hào và xúc động, chú Võ Công Phước (ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) có mặt lúc 4h sáng 30/4. Chú Phước từng tham gia chiến trường Campuchia. “Nhiều người dân, đặc biệt là thế hệ từng trải qua chiến tranh hoặc sinh ra ngay sau ngày đất nước thống nhất, cảm thấy xúc động mạnh mẽ khi chứng kiến sự kiện trọng đại này được tái hiện trong không khí trang nghiêm và hào hùng”, chú Phước sẻ chia.

Chú Võ Công Phước.

Chú Võ Công Phước.

Trong niềm xúc động nữa là gia đình 3 chị em ruột Bạch Thị Đạt (ngụ quận Hà Đông, TP Hà Nội) vừa xuống sân bay lúc 1h sáng đã đón xe vào ngay khu vực trung tâm để chuẩn bị xem diễu binh mừng Ngày thống nhất đất nước.

Cả 3 chị em chị Bạch Thị Đạt chia sẻ: “Lễ diễu binh nhắc nhở mọi người về sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ, cựu chiến binh và đồng bào miền Nam – những người đã góp phần vào chiến thắng lịch sử. Với nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ và du khách, đây còn là dịp để chiêm ngưỡng những màn trình diễn đẹp mắt, được sống lại trong không khí của một giai đoạn lịch sử oanh liệt…”.

Gia đình chị Đạt.

Gia đình chị Đạt.

Dọc các trục đường chính, lực lượng Công an thành phố phối hợp cùng các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ và TNXP túc trực, phân luồng giao thông, hướng dẫn người dân di chuyển vào khu vực tổ chức lễ kỷ niệm tại đường Lê Duẩn (trước Hội trường Thống Nhất). An ninh trật tự được đảm bảo nghiêm ngặt, các điểm chốt được bố trí sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh.

Lực lượng Công an đảm bảo ANTT.

Lực lượng Công an đảm bảo ANTT.

Lực lượng Công an bảo đảm ANTT.

Lực lượng Công an bảo đảm ANTT.

Dưới ánh nắng sớm dịu nhẹ, cờ đỏ sao vàng tung bay trên cao, rợp sắc đỏ thắm, như tô điểm cho ngày hội non sông. Trong không khí trang nghiêm, nồng ấm, thể hiện niềm tự hào sâu sắc của người dân thành phố mang tên Bác trong ngày trọng đại của đất nước.

Hình ảnh người dân đổ về trung tâm thành phố:

Nhóm PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nguoi-dan-do-ve-trung-tam-truoc-gio-dien-ra-le-ky-niem--i766919/
Zalo