Người dân cần chủ động, tích cực trang bị kiến thức, kỹ năng số cơ bản
Hiện nay, chuyển đổi số đã và đang phổ biến tại hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống hằng ngày, trong khi, các hành vi lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi. Do vậy, để chuyển các hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường số, bên cạnh việc có kiến thức, kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin còn cần những kỹ năng số cơ bản, đặc biệt là kỹ năng số trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), bảo vệ thông tin cá nhân và nhận diện, phòng, tránh lừa đảo trực tuyến...

Người dân tra cứu, tìm hiểu thông tin TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC xã Thanh Long
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bộ phận một cửa các cấp trong tỉnh đã trang bị thiết bị để người dân tra cứu, tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính (TTHC) cũng như hướng dẫn thực hiện nộp hồ sơ TTHC trực tuyến. Người dân khi đến làm TTHC được hỗ trợ, hướng dẫn ở tất cả các khâu, các bước trong quy trình giải quyết TTHC như: Tư vấn, giải đáp thắc mắc; thực hiện các dịch vụ hỗ trợ, hướng dẫn TTHC; hỗ trợ tạo lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID; hỗ trợ kê khai hồ sơ TTHC cho các đối tượng yếu thế, người có công với cách mạng… Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trong tỉnh còn tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức cung cấp miễn phí, cài đặt và hướng dẫn sử dụng chữ ký số công cộng và các ứng dụng ví điện tử. Ðến nay, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin đã cung cấp trên 47.000 chữ ký số công cộng cho người dân, doanh nghiệp để sử dụng trong các giao dịch điện tử. Anh Nguyễn Văn Bình, ở khu phố chợ Gạo, phường An Tảo (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: Tôi đã được VNPT Hưng Yên cấp chữ ký số công cộng để thực hiện các giao dịch điện tử. Ðầu tháng 3 năm nay, tôi đã đến Trung tâm Phục vụ hành chính công và kiểm soát TTHC tỉnh để xin cấp phiếu lí lịch tư pháp. Tại đây, tôi được hướng dẫn cài đặt, sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) để đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia. Tôi được cán bộ của trung tâm trực tiếp hướng dẫn nên chỉ sau nột thời gian ngắn, tôi đã có thể tự thực hiện nộp hồ sơ TTHC trực tuyến và có thể lựa chọn nhận phiếu lí lịch tư pháp bản giấy hoặc bản điện tử. Việc giải quyết TTHC được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng khiến tôi rất hài lòng.
Các dịch vụ cơ bản và thiết yếu đang chuyển đổi mạnh mẽ lên môi trường số là những tiện ích hết sức thiết thực, gần gũi với đời sống xã hội, phục vụ trực tiếp người dân. Các tiện ích này đã và đang từng bước tạo thuận lợi và sự minh bạch, giảm thời gian và chi phí phát sinh cho các TTHC, giảm thao tác thủ công, giảm áp lực công việc đối với cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp... Ðể đưa được những tiện ích này tới gần hơn với người dân, thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ cập kiến thức cho người dân thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn hoặc thông qua tổ công nghệ số cộng đồng. Ðến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 989 tổ công nghệ số cộng tại 100% số thôn, tổ dân phố với 6.350 thành viên.
Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng sử dụng các thiết bị thông minh, ứng dụng số, hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông trước đây (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) thường xuyên chủ trì, phối hợp tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn về kỹ năng số cơ bản, văn hóa ứng xử trên môi trường số. Riêng năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tập huấn cho trên 650 lượt người là cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin; tổ chức 1 lớp tập huấn chuyên sâu về an toàn thông tin mạng cho 95 học viên là cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và công chức văn phòng - thống kê cấp xã; phối hợp với UBND các huyện: Yên Mỹ, Tiên Lữ, Kim Ðộng thực hiện tập huấn về chuyển đổi số, an toàn thông tin cho trên 1.000 cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng... Ðây là lực lượng, sau khi được tập huấn sẽ truyền đạt, phổ biến, hướng dẫn người dân: Cài đặt, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử; cài đặt, sử dụng tài khoản dịch vụ công; thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại; chuyển đổi điện thoại 2G lên 4G... Chị Nguyễn Thị Lan, thôn Nghĩa Giang, xã Toàn Thắng (Kim Ðộng) cho biết: Tôi được tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn tuyên truyền, phổ biến về các kiến thức, kỹ năng số cơ bản như: Cài đặt, sử dụng các ứng dụng thanh toán điện tử; tạo mã QR trong thanh toán điện tử và đặc biệt là hạn chế việc chia sẻ, đưa các thông tin cá nhân lên mạng nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Ngoài ra, tôi cũng được tuyên truyền nhằm nhận diện và phòng, tránh lừa đảo trực tuyến. Nhờ vậy, tôi yên tâm hơn khi tham gia mạng xã hội cũng như thực hiện giao dịch mua bán và thanh toán trực tuyến.
Theo tổng hợp, đến nay, tỉ lệ cán bộ, công chức được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số đạt 100%; tỉ lệ cán bộ, công chức được tập huấn nâng cao nhận thức về an toàn thông tin đạt 70%; tỉ lệ dân số có kỹ năng số cơ bản đạt 70%. Ðể xây dựng và phát triển công dân số với kỹ năng số cơ bản, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và chính người dân cần chủ động, tích cực trang bị kiến thức, kỹ năng số cơ bản và thường xuyên cập nhật thông tin nhận diện các hình thức lừa đảo trực tuyến.