Xây dựng nền tảng tiêu chuẩn hóa: Động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Tại buổi làm việc với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TĐC), Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng đề cập tới việc xây dựng các nền tảng phát triển tiêu chuẩn hóa.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phải làm cho các tổ chức, doanh nghiệp thấy đây là đòn bẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo uy tín cho họ thay vì chỉ là chi phí tuân thủ”.

Theo Bộ trưởng, “tiêu chuẩn” là phương tiện dẫn dắt, dẫn đường doanh nghiệp, dẫn đường quốc gia. Tiêu chuẩn không chỉ là khuôn khổ kỹ thuật mà phải đóng vai trò định hướng phát triển công nghệ, sản phẩm, thị trường. Quốc gia muốn phát triển tới đâu thì dùng tiêu chuẩn để dẫn quốc gia tới đó.

Tiêu chuẩn là công cụ quan trọng thúc đẩy phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Ảnh: Internet

Tiêu chuẩn là công cụ quan trọng thúc đẩy phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Ảnh: Internet

Bộ trưởng cũng phân tích rằng “đo lường” để phục vụ cho đánh giá, ra quyết định, để chứng minh. “Chất lượng” bao gồm đánh giá và thực thi quản lý chất lượng. Chất lượng là uy tín, là danh dự và tự hào, là yếu tố cạnh tranh số một, là sinh tồn của doanh nghiệp, là sự phát triển bền vững, là bảo vệ người tiêu dùng…

Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết tiêu chuẩn là công cụ quan trọng, động lực thúc đẩy phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ngược lại, phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng sẽ giúp phát triển tiêu chuẩn hóa.

Nâng cao năng lực hỗ trợ kỹ thuật cho tiêu chuẩn hóa

Tại buổi làm việc với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TĐC), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có đề cập tới việc xây dựng các nền tảng phát triển tiêu chuẩn hóa.

Cụ thể, nâng cao năng lực hỗ trợ cho tiêu chuẩn hóa, như phòng thí nghiệm quốc gia, thư viện tiêu chuẩn. Phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ tiêu chuẩn hóa, gồm tiêu chuẩn, đo lường, chứng nhận và kiểm nghiệm.

Tạo môi trường xã hội thuận lợi cho tiêu chuẩn hóa. Hưởng ứng mạnh mẽ Ngày Tiêu chuẩn thế giới, coi đây là Ngày Tiêu chuẩn quốc gia.

Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hỗ trợ tài chính, nhân lực và khen thưởng. Hoàn thiện hệ thống đo lường, đánh giá hiệu quả đầu ra, thống kê, khảo sát hoạt động tiêu chuẩn hóa.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: Bộ KH-CN

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: Bộ KH-CN

Về công tác đo lường, đánh giá, Bộ trưởng chỉ ra rằng muốn quản lý được thì phải đo lường, đánh giá được; phải có số liệu về lĩnh vực tiêu chuẩn. Trong tháng 4.2025, Bộ trưởng đề xuất phải ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn hóa; tiến hành đo lường, đánh giá và công khai kết quả.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn. Các quy định về online, như kết nối online, báo cáo online phải được luật hóa. Dùng AI để phân tích, đánh giá, cảnh báo…

Tiêu chuẩn hóa một số ngành ưu tiên

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đối với ngành công nghiệp, tiêu chuẩn hóa để củng cố nền tảng phát triển các ngành công nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn linh kiện, quy trình sản xuất, vật liệu nền tảng và công nghệ nền…

Về phát triển số: Tiêu chuẩn hóa về dịch vụ chứng thư số, về làng số, xã số, trung tâm điều hành thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh, thành phố thông minh; tiêu chuẩn về dữ liệu.

Tiêu chuẩn về đổi mới công nghệ: Tiêu chuẩn về đổi mới sáng tạo; tiêu chuẩn về vườn ươm; tiêu chuẩn về tổ chức KH-CN; tiêu chuẩn về các hoạt động KH-CN, về phát triển xanh, cần xây dựng tiêu chuẩn về trung hòa carbon; tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

Tiêu chuẩn hóa xây dựng nông thôn, thành thị và xã hội: Thúc đẩy xây dựng tiêu chuẩn trong phát triển nông thôn; thúc đẩy xây dựng tiêu chuẩn đô thị hóa kiểu mới… Xây dựng tiêu chuẩn về quản trị quốc gia, tiêu chuẩn về xây dựng chính sách.

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/xay-dung-nen-tang-tieu-chuan-hoa-dong-luc-thuc-day-doi-moi-sang-tao-231051.html
Zalo