Người dân Cẩm Giàng chủ động làm OCOP
Chương trình OCOP ở Cẩm Giàng (Hải Dương) đã thu hút nhiều chủ thể tham gia, làm ra nhiều sản phẩm có giá trị cao.
Thấy rõ lợi ích
Hơn 30 năm lăn lộn với nghề mộc, ông Nguyễn Văn Vượng ở thôn Đồng Khê, xã Lương Điền đã làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị. Các tác phẩm của ông được trưng bày tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao, song cơ sở mộc của ông vẫn chưa có thương hiệu.
“Trước đây chúng tôi mới chỉ quan tâm tới việc sản xuất mà chưa đầu tư xây dựng thương hiệu. Vì vậy, người tiêu dùng không rõ nguồn gốc của sản phẩm. Chương trình OCOP đã hỗ trợ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ như chúng tôi tiếp cận để xây dựng thương hiệu. Tham gia chương trình OCOP cũng là cơ hội để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của chúng tôi có cơ hội tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Sản phẩm được công nhận OCOP thì lượng tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng”, ông Vượng nói.
Mới đây 5 sản phẩm của hộ ông Vượng gồm: bình sen cá, sen tứ quý, hoa mai, tranh chữ cha mẹ và tranh tứ quý đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đây cũng là các sản phẩm đặc trưng của làng nghề mộc Đông Giao. Với các sản phẩm này, người tiêu dùng trong cả nước sẽ biết nhiều hơn đến làng nghề mộc Đông Giao.
Nhiều năm trong nghề sơ chế nông sản nhưng năm nay là năm đặc biệt với Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương ở xã Cẩm Văn. Doanh nghiệp này vừa có 5 sản phẩm OCOP gồm: bột hành, bột tỏi, cà rốt sấy khô, lá hành sấy khô, bột ớt sẽ cung cấp trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Toàn bộ nguyên liệu sản xuất đều là nông sản trong tỉnh.
Theo anh Nguyễn Đức Đoàn, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương, trước đây đơn vị chỉ đứng sau cung cấp nguồn nguyên liệu nông sản chất lượng cho một số doanh nghiệp trong nước, không cung cấp trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển, công ty mạnh dạn mở rộng đối tượng khách hàng, sản xuất những sản phẩm hoàn thiện để phục vụ người tiêu dùng. "Chúng tôi mong muốn những sản phẩm này sẽ được người tiêu dùng đón nhận khi ra thị trường", anh Đoàn nói.
Huyện Cẩm Giàng vừa có thêm 19 sản phẩm OCOP 3 sao của 5 chủ thể. Đây là huyện đầu tiên trong tỉnh hoàn thành việc đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP. So với các huyện khác trong tỉnh, mặc dù ít có sự hỗ trợ của địa phương nhưng chương trình đã tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo các chủ thể hào hứng tham gia.
Tạo động lực phát triển
Rượu Phú Lộc là một trong những sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Hải Dương. Năm nay, Công ty TNHH Rượu Phú Lộc có thêm 7 sản phẩm OCOP 3 sao gồm các loại rượu nếp trắng, các loại rượu ngâm với táo mèo, táo Hà Lan, mơ, đông trùng hạ thảo, nếp cẩm và ngâm ba kích.
Anh Hoàng Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Rượu Phú Lộc chia sẻ: "Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP có lượng tiêu thụ tăng từ 25-30% so với các sản phẩm khác. Các sản phẩm khác của công ty cũng được người tiêu dùng biết tới nhiều hơn. Điều này chứng tỏ chương trình đã tạo động lực để phát triển kinh tế nông thôn".
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", đến nay huyện Cẩm Giàng đã có 45 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 29 sản phẩm 3 sao, 4 sản phẩm đạt 4 sao và 12 sản phẩm chờ tỉnh đánh giá công nhận 4 sao năm 2024. Các sản phẩm OCOP của huyện Cẩm Giàng thuộc 3 nhóm ngành gồm: thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, trang trí.
Chương trình đã phát huy những lợi thế, thế mạnh của địa phương, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao nhận thức để người dân chủ động tham gia Chương trình OCOP. Các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ rộng hơn do thông tin, quảng bá của địa phương và các chương trình kết nối của các sở, ngành của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng khẳng định chương trình đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa gắn với liên kết chuỗi của các địa phương, góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã rất thành công, tạo việc làm cho người dân, từ đó giúp nâng cao mức sống của người dân ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, chương trình còn góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp lạc hậu sang nền kinh tế thị trường.