Người dân bỏ tiền ra phải được mua hàng hóa xứng đáng với giá trị thật

Chiều 21/4, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tổ chức Hội nghị giao ban công tác quý I/2025, triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Chính phủ, kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Không khoan nhượng với vi phạm

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Tình trạng buôn lậu, sản xuất - kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại đang ngày càng tinh vi, quy mô lớn và có tính tổ chức cao, đặc biệt là các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như sữa, thuốc, thực phẩm chức năng…”. Đây là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các lực lượng từ Trung ương đến địa phương phải hành động mạnh mẽ, kiên quyết và đồng bộ hơn nữa.

“Người dân bỏ tiền ra, phải được nhận lại sản phẩm đúng giá trị, đúng chất lượng. Công lý trên thị trường phải được bảo đảm, minh bạch, trung thực và không chấp nhận sự tráo đổi giá trị đạo đức bằng lợi nhuận bất chính”- Phó Thủ tướng nói rõ; đồng thời thẳng thắn đánh giá công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả vẫn còn chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và những năm tiếp theo đòi hỏi sức bật lớn từ nền kinh tế, việc tạo dựng một thị trường công bằng, trong sạch là điều kiện tiên quyết để bảo vệ niềm tin người tiêu dùng, doanh nghiệp chân chính và khơi thông dòng chảy hàng hóa.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, các tuyến biên giới, tuyến biển, hàng không và bưu chính quốc tế tiếp tục nóng lên với các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng giả. Trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, nổi lên các mặt hàng: pháo nổ, rượu, dược liệu, gia cầm giống, thực phẩm đông lạnh. Tuyến biên giới Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia ghi nhận nhiều vụ buôn lậu ma túy, vàng, thuốc lá, phân bón, mỹ phẩm... Trong nội địa, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở các thành phố lớn.

Đặc biệt, thủ đoạn lợi dụng chính sách thông thoáng, lỗ hổng trong giám sát hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, thương mại điện tử, hóa đơn VAT… ngày càng tinh vi. Tình trạng sử dụng pháp nhân doanh nghiệp để buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền, quảng bá hàng giả trên mạng xã hội đang đặt ra thách thức lớn cho lực lượng chức năng.

Trong quý I năm 2025, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý 30.651 vụ vi phạm (giảm 0,77% so với cùng kỳ năm trước). Đáng chú ý, số vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu tăng đột biến 74,51% với 6.754 vụ, cho thấy sự gia tăng thủ đoạn và quy mô của các đối tượng vi phạm. Mặc dù các vụ gian lận thương mại, thuế và hàng giả có xu hướng giảm nhẹ về số lượng, song thiệt hại kinh tế vẫn ở mức cao, với tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt hơn 4.616 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ. Số vụ khởi tố hình sự đạt 1.328 vụ với 2.046 đối tượng, con số phản ánh quyết tâm xử lý nghiêm minh, không để “vùng cấm”, không có ngoại lệ trong đấu tranh chống tội phạm.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Riêng trong thời gian cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các lực lượng đã bắt giữ, xử lý 39.489 vụ vi phạm, tăng 27,42% so với dịp Tết năm ngoái. Đặc biệt, các hành vi gian lận thương mại và gian lận thuế tăng tới 134,85%, cho thấy tính chất tinh vi, đa dạng của thủ đoạn vi phạm đang ngày càng khó lường.

Trong quý I/2025, lực lượng Công an toàn quốc đã phát hiện, điều tra 1.201 vụ buôn lậu, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; 59 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế và 76 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tổng số vụ khởi tố hình sự là 1.212 vụ, với 1.916 bị can bị xử lý theo đúng quy định. Số tiền thu nộp ngân sách từ công tác này đạt hơn 133 tỷ đồng, phản ánh quyết tâm không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm.

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các tỉnh, thành triển khai đồng bộ các kế hoạch chuyên đề, xác lập các chuyên án, tăng cường trinh sát, điều tra cơ bản và phối hợp với các lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường, Thuế vụ... để đấu tranh, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm lớn.

Không chỉ phát hiện nhanh, xử lý mạnh, lực lượng Công an còn đóng vai trò then chốt trong dự báo tình hình, nhận diện sớm các xu hướng mới, công nghệ mới mà các đối tượng đang lợi dụng để vi phạm. Đây là yếu tố quyết định để chuyển thế chủ động từ “chống” sang “ngăn” – từ xử lý sang quản trị rủi ro.

Đánh đúng, đánh trúng những đối tượng cầm đầu

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn biểu dương, đánh giá cao những kết quả của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Điểm lại những kết quả lớn, đồng thời chỉ rõ những tồn tại và đánh giá sâu nguyên nhân, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các nghị quyết, công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo đã ban hành về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Các đại biểu tham luận tại hội nghị.

Các đại biểu tham luận tại hội nghị.

Về thể chế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp cùng với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp rà soát, xác định những nội dung liên quan đến Ban Chỉ đạo quốc gia 389 theo chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành được giao. Trong thể chế, ngoài văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá về hàng lậu, hành giả, hàng kém chất lượng, Phó Thủ tướng lưu ý cần hoàn thiện những nghị định, văn bản chỉ đạo, có chế tài xử lý nghiêm vi phạm.

Về cơ chế triển khai, Phó Thủ tướng yêu cầu kiện toàn sớm cơ cấu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Các địa phương sau khi hoàn thành việc sắp xếp tinh gọn bộ máy sẽ kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 từng tỉnh, thành phố; Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 389 quốc gia với các địa phương; xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp giữa các lực lượng tham gia vào Ban Chỉ đạo 389 ở từng tỉnh, thành phố.

"Tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nếu buông khâu này là hỏng"- Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cũng như Ban Chỉ đạp 389 quốc gia tăng cường áp dụng công nghệ, chuyển đổi số vào trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung tăng cường thu thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Theo Phó Thủ tướng, những nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện hiệu quả.

Chia sẻ với những vất vả, khó khăn, nguy hiểm mà Bộ Công an, các lực lượng chức năng đang hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường nâng cao năng lực cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là những lực lượng như Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển...

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, phải coi nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là sự nghiệp của toàn dân. Việc phát hiện, tố cáo của người dân cũng như thực thi nghiêm nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia là hết sức quan trọng, góp phần đạt hiệu quả cao trong công tác.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nguoi-dan-bo-tien-ra-phai-duoc-mua-hang-hoa-xung-dang-voi-gia-tri-that-i765867/
Zalo