Người đam mê bảo tồn và phát huy chữ Tày cổ

Đến xã Mường Chiềng (Đà Bắc), nhiều người biết đến anh Sa Văn Cam, người đam mê bảo tồn và phát huy chữ Tày cổ. Anh Cam đã và đang sưu tầm, ghi chép, mở các lớp truyền dạy chữ Tày cổ, góp phần lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc Tày tại xã Mường Chiềng nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung.

Đến xã Mường Chiềng (Đà Bắc), nhiều người biết đến anh Sa Văn Cam, người đam mê bảo tồn và phát huy chữ Tày cổ. Anh Cam đã và đang sưu tầm, ghi chép, mở các lớp truyền dạy chữ Tày cổ, góp phần lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc Tày tại xã Mường Chiềng nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung.

Anh Sa Văn Cam (bên trái), xã Mường Chiềng (Đà Bắc) giới thiệu các cuốn sách chữ Tày cổ được anh bảo tồn và phát huy.

Anh Sa Văn Cam (bên trái), xã Mường Chiềng (Đà Bắc) giới thiệu các cuốn sách chữ Tày cổ được anh bảo tồn và phát huy.

Sinh ra và lớn lên ở xã Mường Chiềng, với hơn 70% dân số là người dân tộc Tày, anh Cam được nuôi dưỡng và tích lũy được nhiều tri thức, vốn sống, vốn tư liệu về văn hóa dân tộc Tày nói chung, trong đó có chữ Tày cổ nói riêng. Anh Sa Văn Cam chia sẻ: Chữ Tày cổ đã được ông cha giữ gìn và truyền dạy cho con, cháu đến bây giờ. Nhưng trong thời hiện đại, nhiều giá trị văn hóa dần bị mai một, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Nhằm tuyên truyền, vận động bà con, học sinh dân tộc Tày học và viết chữ của dân tộc mình để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tôi đã nghiên cứu, học hỏi, mở các lớp dạy chữ để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc Tày.

Từ năm 2010 đến nay, anh Cam đã tổ chức được 7 lớp học chữ Tày cổ, thu hút hơn 200 học viên là người dân xã Mường Chiềng và các xã lân cận trên địa bàn huyện Đà Bắc tham gia. Đặc biệt, năm 2017, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam chi nhánh tại Hà Nội phối hợp tổ chức mở lớp dạy chữ Tày cổ và thi viết chữ thư pháp (chữ Tày cổ) ở địa bàn xã Mường Chiềng (lớp học do anh Sa Văn Cam là người truyền dạy). Cũng năm 2017, trên địa bàn xã Mường Chiềng tổ chức lễ hội Cầu Mường góp phần tuyên truyền, quảng bá chữ Tày cổ đến du khách trong và ngoài tỉnh.

Anh Sa Văn Cam chia sẻ thêm: Chữ Tày cổ và chữ Thái cải tiến hoàn toàn khác nhau. Những cuốn sách cổ các cụ truyền lại cho tôi từ 6 - 7 đời nay. Tôi đã dày công sưu tầm, nghiên cứu để xây dựng thành các cuốn sách, giáo án chữ Tày cổ dạy cho người dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn kinh phí mở các lớp truyền dạy, nhưng vì đam mê truyền lại tri thức cha ông để lại, tôi vẫn tiếp tục mở lớp cho người dân. Anh Cam đã tích cực phối hợp với câu lạc bộ văn hóa dân gian của xã để vừa duy trì phong trào văn hóa, văn nghệ, các điệu khắp, vừa truyền dạy chữ Tày cổ cho các thành viên. Thông qua các lớp học của anh Sa Văn Cam đã có nhiều anh chị, chú bác, học sinh đọc hiểu và viết chữ Tày cổ thành thạo. Hiện nay, lớp học của anh Cam được duy trì với hơn 30 học viên tham gia (3 buổi/tuần) tại nhà sinh hoạt cộng đồng xóm Chiềng Cang, xã Mường Chiềng.

Đồng chí Nguyễn Quang Hiếu, Phó trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh nhấn mạnh: Mô hình "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa chữ Tày cổ” của anh Sa Văn Cam, xã Mường Chiềng chưa tính toán được giá trị về mặt kinh tế, nhưng mang lại giá trị về mặt xã hội rất cao nhằm giữ gìn, phát huy chữ viết, bản sắc văn hóa dân tộc Tày; giúp nhân dân hiểu sâu, hiểu rõ hơn về văn hóa phong phú và vô cùng đặc sắc của dân tộc Tày. Mô hình của anh Cam có khả năng tạo được hiệu ứng lan tỏa, tác dụng nêu gương, mức độ ảnh hưởng và phạm vi nhân rộng trên toàn tỉnh. Ghi nhận quá trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian và những đóng góp của anh Sa Văn Cam, năm 2024, UBND tỉnh công nhận mô hình "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa chữ Tày cổ” là điển hình tiên tiến cấp tỉnh.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/194476/nguoi-dam-me-bao-ton-va-phat-huy-chu-tay-co.htm
Zalo