Bảo tồn cây trôi di sản 800 năm tuổi ở Hà Tĩnh

Giữa vùng quê Hà Tĩnh yên bình, có một chứng nhân sống động đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, đó là cây trôi 800 năm tuổi ở xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê.

Cây cổ thụ này không chỉ là di sản thiên nhiên quý giá mà còn là linh hồn, niềm tự hào của các thế hệ người dân nơi đây. Qua thời gian, cây trôi trở thành biểu tượng của sức sống bền bỉ, sự gắn kết cộng đồng và tình yêu quê hương, đất nước.

Nằm trong khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng thôn Vĩnh Thắng, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, cây trôi cổ thụ này trải qua hơn tám thế kỷ, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử và văn hóa địa phương. Dưới tán cây trôi, người dân cùng nhau chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.

Ông Lê Thành Tế, thôn Vĩnh Thắng chia sẻ, cây trôi này gắn bó với người dân ở đây từ bao đời nay. Ngày bé, ông thường cùng bạn bè vui chơi dưới tán cây trôi. Do thời điểm đó chưa có quạt điện nên dưới bóng cây trôi rất mát mẻ, nhất là vào ngày hè. Sau khi cây trôi được công nhận là cây di sản, bà con trong thôn rất vui mừng và phấn khởi. Bà con cam kết tiếp tục bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của cây di sản này để truyền lại cho thế hệ sau.

Cây trôi có tuổi đời gần 800 năm.

Cây trôi có tuổi đời gần 800 năm.

Theo các chuyên gia, cây trôi 800 năm tuổi này là một trong những cây di sản quý hiếm của Việt Nam. Với chiều cao hơn 27 m, chu vi thân 8,2 m, tán rộng 40 m, cây trôi có hệ rễ to khỏe và tán lá rộng lớn, không chỉ giá trị về mặt cảnh quan mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống của nhiều loài sinh vật.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy xã Hương Vĩnh cho biết, trải qua các thời kỳ chiến tranh và thiên tai, cây trôi vẫn đứng vững, trở thành nguồn cổ vũ và động lực để người dân vượt qua khó khăn. Gần đây, cây trôi được công nhận là cây di sản Việt Nam, đặt ra trách nhiệm của chính quyền địa phương trong bảo tồn, phát huy và gìn giữ di sản này cho thế hệ mai sau. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương đề ra một số kế hoạch như, xây dựng hàng rào khuôn viên xung quanh cây, làm thêm ghế đá để người dân, học sinh có nơi nghỉ ngơi. Đồng thời, xây dựng các điểm check-in đẹp mắt thu hút du khách.

Cây trôi có tán rộng gần 40m.

Cây trôi có tán rộng gần 40m.

Chính quyền địa phương kiến nghị và đề xuất cấp có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để phát huy, gìn giữ và bảo tồn di sản một cách hiệu quả.

Cây trôi còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội tâm linh của người dân nơi đây. Những đứa trẻ lớn lên dưới bóng cây, nghe kể về lịch sử và câu chuyện xưa, tiếp nối truyền thống yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Học sinh vui chơi dưới bóng cây trôi cổ thụ.

Học sinh vui chơi dưới bóng cây trôi cổ thụ.

Cô Thái Thị Hồng Lĩnh, Trường Tiểu học Hương Vĩnh cho hay, trong quá trình dạy học, cô lồng ghép các tiết học tìm hiểu thực tế tại địa phương để học sinh hiểu hơn về giá trị của cây trôi. Từ đó, giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường và truyền thống của địa phương.

Tháng 9 vừa qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quyết định công nhận cây trôi 800 tuổi ở xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê là cây di sản Việt Nam. Việc công nhận cây di sản giúp bảo vệ đa dạng sinh học, sự phong phú của hệ thực vật và quảng bá lịch sử văn hóa địa phương.

Cây trôi có chiều cao hơn 27m, chu vi thân 8,2m.

Cây trôi có chiều cao hơn 27m, chu vi thân 8,2m.

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, cây trôi có giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh rất lớn đối với nhân dân trong vùng. Cây trôi cũng là minh chứng để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu được công lao của các thế hệ cha ông. Cây trôi cũng khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học.

Thời gian qua, huyện tập trung nhiều giải pháp gìn giữ, phát huy giá trị của cây trôi. Thời gian tới, huyện xác định cây trôi là điểm đến du lịch, biểu tượng để phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng. Vì thế, khi xây dựng tour tuyến du lịch sẽ có điểm dừng chân tại cây trôi. Đồng thời, huyện sẽ có giải pháp bảo tồn, xây dựng công viên xung quanh cây trôi sau khi được công nhận là cây di sản. Địa phương kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan, ban, ngành trong bảo tồn cây trôi.

Phần thân và cành cây trôi có nhiều mảng rêu và cây tầm gửi bám vào.

Phần thân và cành cây trôi có nhiều mảng rêu và cây tầm gửi bám vào.

Cây trôi 800 năm tuổi ở làng quê Hà Tĩnh không chỉ là biểu tượng của tự nhiên mà còn là minh chứng sống động cho tình yêu, sự gắn bó của người dân với thiên nhiên và truyền thống. Việc bảo tồn cây trôi không chỉ là bảo vệ một di sản mà còn là giữ gìn ký ức, văn hóa cho thế hệ mai sau.

Bài và ảnh: Hữu Quyết (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/bao-ton-cay-troi-di-san-800-nam-tuoi-o-ha-tinh-20241014091659539.htm
Zalo