Người cựu chiến binh nặng lòng với đồng đội

Trăn trở với những đồng đội đã hy sinh đang nằm lại ở chiến trường xưa, hơn 30 năm qua, ông đã không quản ngại khó khăn, vất vả, miệt mài phối hợp tìm kiếm, cất bốc được 25 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Ông là cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Văn Trường, hiện trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Vinh dự được gặp Bác Hồ

Chiều cuối tuần, trong căn nhà cấp 4 nằm sâu ở hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Như Hạnh (quận Liên Chiểu), cựu chiến binh Nguyễn Văn Trường kể cho tôi nghe những kỷ niệm về một thời nơi chiến trường ác liệt nhưng vô cùng tự hào. Câu chuyện và những ký ức của người lính già từng để lại một phần xương máu nơi chiến trường đưa ông trở về với những năm tháng hào hùng không thể nào quên.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở phường Lam Sơn, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Tháng 9-1965, thanh niên Nguyễn Văn Trường lên đường nhập ngũ vào Đại đội 51 (Trung đoàn 225 (sau trực thuộc Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không - Không quân). Sau hơn một năm phấn đấu, rèn luyện, công tác, chàng lính trẻ Nguyễn Văn Trường đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và vinh dự được gặp Bác Hồ khi Người đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân dịp Tết Kỷ Dậu 1969.

 Cựu chiến binh Nguyễn Văn Trường lật giở cuốn sổ tay ghi chép thông tin về đồng đội khi ở chiến trường.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Trường lật giở cuốn sổ tay ghi chép thông tin về đồng đội khi ở chiến trường.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Trường bồi hồi xúc động nhớ lại: "Tôi cùng với một số cán bộ, chiến sĩ đơn vị được lệnh hành quân về Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân ở Bạch Mai (Hà Nội). Khi ấy, chúng tôi không biết được đi gặp Bác Hồ. Xe của đơn vị bắt đầu cơ động lúc 20 giờ 30 phút, mãi đến 5 giờ sáng mồng Một Tết Kỷ Dậu 1969 mới đến nơi. Chúng tôi tập trung tại hội trường của Quân chủng.

Bác bước vào hội trường trong bộ quần áo ka-ki bạc màu, chân đi dép cao su đã cũ. Khi đó chúng tôi mới biết được gặp Bác Hồ. Ai cũng vui mừng, cảm động và vô cùng sung sướng. Sau khi ra hiệu cho mọi người ngồi xuống, Bác nói: “Hôm nay Bác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Văn Tiến Dũng thay mặt Đảng và Chính phủ đến chúc Tết tất cả các cô, các chú năm mới tiến bộ mới, thắng lợi mới”. Cả hội trường vỗ tay kéo dài không ngớt. Niềm vui thật bất ngờ vì lần đầu tiên tôi được gặp Bác, nhưng cũng là lần cuối cùng. Đến nay, 55 năm đã qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh giản dị, cử chỉ, lời nói ân cần, sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với Bộ đội Phòng không - Không quân.

Tháng 12-1970, Nguyễn Văn Trường được điều động, tăng cường cho Mặt trận 44 Quảng Đà, với cương vị là Chính trị viên phó Đại đội 4, Tiểu đoàn 577 (Mặt trận 44 Quảng Đà). Trong những năm tháng ở chiến trường Quảng Đà, Nguyễn Văn Trường cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh. Trong trận đánh lập công chào mừng kỷ niệm 27 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại Nam Phước (Duy Xuyên) đêm 18-8-1972, Nguyễn Văn Trường bị thương, sau đó ông được đưa ra miền Bắc điều trị.

Sau khi bình phục, Nguyễn Văn Trường được cử đi đào tạo sĩ quan tại Trường Sĩ quan Phòng không. Năm 1976, ông về nhận nhiệm vụ tại Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không-Không quân) đóng tại Đà Nẵng. Năm 1980, ông chuyển ngành sang công tác tại điện lực tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và đến năm 2009 thì nghỉ hưu. Nghỉ công tác nhưng Nguyễn Văn Trường vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông đảm nhiệm nhiều hoạt động ở các tổ chức, đoàn thể tại địa phương như: Bí thư, phó bí thư chi bộ khu dân cư, chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh... Ở cương vị nào, ông cũng nhiệt tình, trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội

- Bác bắt đầu đi tìm kiếm hài cốt đồng đội từ khi nào? - tôi hỏi.

- Không vội trả lời, ông mở tủ lấy ra một cuốn sổ tay không còn nguyên vẹn, giấy đã úa vàng, rồi giới thiệu:

- Trong cuốn sổ này tôi ghi chép toàn bộ lý lịch cán bộ, chiến sĩ; các trận đánh của đơn vị, những người hy sinh, vị trí chôn cất... khi đang đảm nhiệm chức vụ Chính trị viên phó Đại đội 4 (Tiểu đoàn 577, Mặt trận 44 Quảng Đà) từ năm 1970 đến khi bị thương năm 1972.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Trường kể lại: Tháng 3-1990, Ban liên lạc Mặt trận 44 Quảng Đà tổ chức gặp mặt cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng (29-3-1975 / 29-3-1990). Ngày ấy, một số đồng đội từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà từ các tỉnh miền Bắc vào dự lễ đến nhà chơi. Khi hỏi thăm về những đồng đội cũ, tôi lấy cuốn sổ ghi chép năm xưa ra xem. Không ngờ những tư liệu ghi chép ngày ấy lại là những thông tin vô cùng quý giá, giúp mọi người kết nối, liên lạc với nhau...

Sau lần hội ngộ ấy, Nguyễn Văn Trường cùng một số đồng đội cũ thực hiện các chuyến hành trình tìm những đồng đội còn sống và thân nhân những đồng đội đã hy sinh. Và việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được ông cùng đồng đội bắt đầu thực hiện sau các chuyến hành trình này.

Từ đó, ngôi nhà của cựu chiến binh Nguyễn Văn Trường trở thành địa chỉ đón tiếp thân nhân đồng đội cũ từ các tỉnh miền Bắc vào tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Từ năm 1990 đến nay, ông Trường cùng đồng đội phối hợp với thân nhân, các ban, ngành, địa phương thực hiện nhiều chuyến tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại chiến trường xưa. Kết quả đã được đền đáp, ông cùng đồng đội đã tìm kiếm, cất bốc được 25 hài cốt liệt sĩ để đưa về với gia đình, quê hương.

Trong những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội, ký ức về chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ Ngô Văn Phú (quê huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), hy sinh năm 1975 tại Lõng Chổi (nay là xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), đến nay ông Trường vẫn không thể nào quên.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Trường, nhớ lại: Sau khi kết nối thông tin, tháng 8-2013, 3 người em của liệt sĩ Ngô Văn Phú từ Yên Bái vào tìm hài cốt anh trai. Khi đó, tôi điện thoại cho ông Đinh Văn Thìn (Tiểu đội trưởng, người trực tiếp chôn cất khi đồng chí Phú hy sinh), quê ở Thái Nguyên cùng vào Đà Nẵng để tìm kiếm.

Khi đến xã Duy Thành, chúng tôi được lãnh đạo, chính quyền địa phương cử cán bộ đi cùng để hỗ trợ, giúp đỡ cho việc tìm kiếm. Tuy nhiên, sau nhiều năm, khu vực chôn cất liệt sĩ Phú địa hình, địa vật đã thay đổi quá nhiều khiến cho công tác tìm kiếm vô cùng khó khăn, vất vả. Sau 4 ngày lặn lội qua 3-4 quả đồi, khe suối, chúng tôi mới xác định được vị trí mộ phần liệt sĩ Phú. Khi cất bốc, qua những di vật có trong mộ, ông Đinh Văn Thìn xác định chính xác là liệt sĩ Phú.

Trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội nên đa số các trường hợp sau khi tìm và cất bốc hài cốt liệt sĩ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Trường đã cùng thân nhân liệt sĩ đưa hài cốt về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, như: Liệt sĩ Nguyễn Trọng Thể, Chính trị viên Tiểu đoàn 577, hy sinh tại Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam đưa về Vũ Thư, Thái Bình; liệt sĩ Vũ Văn Cốc, hy sinh tại Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam), đưa về Vĩnh Tường Vĩnh Phúc; liệt sĩ Tạ Văn Chính, hy sinh tại Đại Lộc, Quảng Nam, đưa về khối phố 9, TP Thái Nguyên...

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nguoi-cuu-chien-binh-nang-long-voi-dong-doi-789014
Zalo