Người con gái dẫn đường đánh chi khu Lộc Ninh năm xưa
Chị Phạm Thị Mão, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được bầu làm Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Ninh. Chị đã được nhận nhiều bằng khen của tỉnh, khu và được vinh dự về Trung ương Cục báo cáo thành tích chống địch lấn chiếm và xây dựng vùng mới giải phóng. Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam ôm hôn và tặng chị khẩu súng K54.
Người con gái dẫn đường đánh chi khu Lộc Ninh năm xưa
(Báo Bình Phước, 22-7-1998)
TRẦN THANH ĐẠM
Chị Phạm Thị Mão rời Kim Sơn (Ninh Bình), theo cha mẹ vào đồn điền cao su Lộc Ninh (Bình Phước), lúc còn tấm bé. Lớn lên, chị là cơ sở hợp pháp của xã Lộc Tấn, rất được nhân dân thương yêu che chở. Mùa xuân Mậu Thân (1968) xã Lộc Tấn được giải phóng - Bọn Mỹ ngụy ở Lộc Ninh rất hằn học với vùng căn cứ lõm của ta, ngay cửa ngõ ra vào thị trấn 3 cây số, về phía Tây Bắc này. Nhiều lần chúng đã dùng lực lượng lớn, có phi pháo và xe tăng yểm trợ hòng nghiền nát cơ sở của ta ở Lộc Tấn. Du kích và cơ sở bị lộ phải mở đường mau rút ra rừng để bảo tồn lực lượng. Được chuẩn bị trước, nên khi địch giở thủ đoạn bịp bợm: “Bà con cứ đi đấu tranh, để nhà đó tụi con coi cho!”. Bà con trả lời chúng:
- Các ông không thể nào lấy vải thưa che mắt thánh được đâu!
Không lừa mị được, chúng cho lính lùa dân ra gốc cây đa trên quốc lộc 13 để cho bọn công dân vụ quận đến nhận mặt. Chị Mão vẫn bám trụ trong làng để theo dõi địch. Chị trốn ở hố rác công cộng của làng. Suốt 2 ngày đêm liền, chị nhịn đói, chịu khát và ngửi mùi hôi thối - Đến ngày thứ 3, nghe tiếng súng địch còn nổ ở ngoài quốc lộ 13, chị đứng lên quan sát. Thấy vắng bóng địch ở làng, chị chạy vội vào nhà dân gần đó tắm rửa. Trong lúc còn đang tắm, tiếng chân lính chạy thình thịch vào làng mỗi lúc một gần, nhưng chị vẫn bình tĩnh. Chị lấy bọt xà phòng xoa lên mặt mũi, thân mình để nghi trang - Chợt 1 tên lính dí súng vào em bé, sừng sộ.
- Chỉ ngay, V.C đang trốn trong nhà mày! Em bé gái nhanh trí bảo:
- Ba má em đi chợ hết, chỉ có chị đang tắm thôi! Lũ lính ác ôn khác dùng cây sắt nhọn xắm xỉa vào hố rác sau nhà, miệng lầu bầu:
- Tụi mày trốn ở đâu cho thoát tay chúng ông!
Một lát sau không tìm được gì, chúng hò nhau kéo sang hàng xóm khác. Chị vào nhà mượn được bộ quần áo xanh, lủi nhanh ra vườn. Chị chém vè ở bờ mương nước, lấy rác phủ kín thân mình. Hàng ngày cơ sở đem cơm cho chị ăn. Bọn lính vây làng đến ngày thứ 5 mà vẫn chưa moi được dấu vết gì. Chúng lếch thếch, kéo nhau cụm lại ở quốc lộ 13. Chị nghĩ, “phải làm sao thoát ra ngoài được để chỉ cho bộ đội diệt bọn này”. Nhưng làm sao ra khỏi ấp được? Vì đường ra vào ấp chỉ có một đường độc đạo. Tại cổng ấp lại có tháp canh. Hàng rào ấp chiến lược có nhiều lớp bùng nhùng kẽm gai. Phía trong hàng rào có hào sâu 2,5m. Bên trong mép hào có cắm chông rộng 2m. Bên ngoài hàng rào là chông, mìn, rộng 5m - Bọn lính bảo an, biệt kích thường xuyên lùng sục ven bìa làng. Chị tự động viên:
- Nếu vượt rào chẳng may bị trúng mìn hay gặp lính bắn chết, coi như là đã hoàn thành nhiệm vụ!
Chờ đến giờ chúng đổi gác tối, chị mới thoát ra được. Lúc đó, bóng tối đã trùm xuống khu rừng. Lá cao su chen kín, trời tối như mực. Chị không còn nhìn rõ hướng có lực lượng ta ở. Chị theo đường lô đi tới. Đến khi chân chị rã rời, ngồi xuống bên gốc cây nghỉ xả hơi. Chị chợt thiếp đi. Khi tỉnh lại, chị mới xác định được hướng làng 2. Chị nhắm hướng đông đi tới. Đến khi chân chị đã dẫm lên những luống rau sản xuất tự túc của dân làng, người chị như nhẹ nhõm hẳn lên. Chị đi thẳng đến nhà có đèn sáng. Ông Hai, Chủ tịch UBND tự quản làng niềm nở hỏi han. Nét mặt ông lộ rõ nỗi vui mừng, khi được biết cơ sở xã Lộc Tấn vẫn còn. Chị chỉ nơi bọn địch đang cụm lại ở quốc lộc 13 để bộ đội tiến đánh. Chị được đưa về trạm anh Cân, nơi chồng chị công tác để nghỉ dưỡng sức. Mới nghỉ được vài hôm, chị đã nằng nặc đòi trở lại làng công tác. Lúc này bọn địch càng hăm hù “ai nuôi con của V.C là có quan hệ với họ”. Nhưng bất chấp lời đe dọa đó, cô giáo làng đã đón các con của chị về nuôi - Cô đã bảo thẳng với chúng:
- Các ông về hỏi người chỉ huy coi, tui là cô giáo, nuôi dạy các cháu bơ vơ là có tội gì nào?
Mẹ già của chị được bà con đưa ra gửi tạm ở các gia đình công nhân ngoài thị xã. Vài ngày sau, cụ về làng, đến xin cô giáo cho các cháu lại để bà nuôi. Nhưng vì mẹ đã quá già nên chị để lại 1 cháu lớn giúp đỡ cho bà và đưa 2 cháu nhỏ ra ở căn cứ. Sắp xếp xong việc nhà, chị cảm thấy nhẹ nhàng, thêm hồ hởi công tác. Đầu năm 1972, chị được bầu làm Bí thư chi bộ xã Lộc Tấn. Chị được giao nhiệm vụ cùng chia lửa với bộ đội chủ lực, trong chiến dịch Nguyễn Huệ. Chị chia lực lượng của xã thành 3 bộ phận. Du kích đã phối hợp với bộ đội huyện đánh bọn bảo an và cảnh sát ngụy. Một số đồng chí dẫn đường xe tăng ta công kích chi khu. Chị trực tiếp đưa bộ đội trinh sát bám địch ở thị trấn trước khi nổ súng. Bộ đội theo chị men theo quốc lộ 13 vào thị trấn. Lúc ấy, xe tăng địch từ căn cứ Hoa Lư (biên giới Campuchia) cứ nối đuôi nhau chạy trên quốc lộ 13 về hướng thị xã Bình Long. Trận đầu hỏa lực ta đã bắn cháy 30 xe tăng địch. Phi pháo địch từ Bình Long, Lai Khê bắn phá ác liệt vùng Lộc Ninh. Bọn lính ngụy tiểu khu Bình Long liều mạng đến cứu đồng bọn. Suốt 3 ngày đêm ta đánh địch trên quốc lộ 13. Đường 13 bị chia cắt từng đoạn. Bọn địch ở chi khu Lộc Ninh bị cô lập. Chị đưa bộ đội tiếp cận thị trấn và bàn giao nhiệm vụ cho cơ sở bên trong. Chị trở lại bám làng. Tại làng, đại đội bảo an cũng bị bộ đội ta đánh cho tơi bời - Nhiều tên lính bảo an bị bắt, nhận ra chị, cúi đầu van xin.
Có lần một toán biệt kích đi lùng sục hết lương thực đến nghỉ chân ở trảng trống sóc Bù Nôm, gọi bộ đàm về tiểu khu xin tiếp tế lương thực. Một chiếc trực thăng đến quầng lượn mấy vòng rồi từ từ hạ cánh xuống trảng. Du kích đã phục sẵn ở bìa rừng, dùng B40 nhắm bọn biệt kích đang vây quanh chiếc trực thăng để bóp cò - Cả toán biệt kích và chiếc máy bay bị bốc cháy. Tiếng đồn du kích Lộc Tấn dùng B40 bắn máy bay lan nhanh khắp tỉnh. Và trong không khí hào hùng mừng Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng, bà con Lộc Tấn đã cùng 11.000 công nhân lao động thị trấn biểu tình thị uy. Du kích xã Lộc Tấn được tuyên dương đơn vị anh hùng. Chị Phạm Thị Mão đã được nhận nhiều bằng khen của tỉnh, khu và được vinh dự về Trung ương Cục báo cáo thành tích chống địch lấn chiếm và xây dựng vùng mới giải phóng. Bà Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam ôm hôn và tặng chị khẩu súng K54.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chị được bầu làm Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Ninh và giữ nhiều chức vụ quan trọng khác của huyện. Nhưng vì sức khỏe yếu, chị đã nghỉ hưu năm 1982. Hiện nay chị sống với các cháu ở ngôi nhà nhỏ tại thị trấn Lộc Ninh. Vẫn với nét mặt đôn hậu như ngày nào, chị ít nói về thành tích quá khứ của mình. Hàng ngày, chị vẫn say mê với công việc của một đại lý thu mua ve chai, nhôm nhựa để tăng thêm thu nhập vào tiền lương ít ỏi, trang trải chi tiêu của gia đình.