Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri về việc đăng ký thường trú
Bộ Công an trả lời cử tri về một số khó khăn khi thực hiện đăng ký theo Luật Cư trú năm 2020.
Theo thông tin từ website chính thức của Bộ Công an, cử tri TP.HCM đã nêu khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Cư trú hiện hành, đề nghị Bộ nghiên cứu sớm có giải pháp tháo gỡ.

Ảnh minh họa. Ảnh: TRẦN MINH
Cụ thể, có ba trường hợp cử tri cho rằng khó khăn và cần được tháo gỡ. Trường hợp thứ nhất, chỗ ở hợp pháp là nhà của ông bà tổ tiên để lại, đã có kê khai năm 1979, các thành viên trong gia đình đều có đăng ký thường trú và cư ngụ tại căn nhà nhiều năm nay, nhưng đến nay vì một số lý do khác nhau mà chưa thực hiện thủ tục để được cấp sổ hồng.
Sau đó gia đình sinh một hay nhiều thành viên mới, ông, bà, cha, mẹ đăng ký thường trú thành viên mới tại chỗ ở hợp pháp cùng với gia đình nhưng cơ quan đăng ký cư trú không đồng ý đăng ký thường trú vì lý do chưa có sổ hồng nên không chứng minh được chỗ ở hợp pháp là chủ sở hữu nhà.
Như vậy, con, cháu không thể đăng ký thường trú được cùng ở với ông, bà, cha, mẹ. Từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của đứa trẻ vì không được hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với trẻ em như BHYT, đi học… trong giai đoạn hiện nay.
Trường hợp thứ hai, chỗ ở hợp pháp có sổ hồng nhưng chủ quyền sở hữu là ông, bà (người quá cố), thành viên trong gia đình chưa làm thủ tục đứng tên trong sổ hồng theo thủ tục thừa kế di sản.
Trường hợp này cơ quan đăng ký thường trú không đồng ý cho trẻ nhỏ hoặc thành viên lớn tuổi trong gia đình đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp trên. Cơ quan đăng ký thường trú yêu cầu gia đình phải làm thủ tục để có sổ hồng mang tên của người bảo lãnh đăng ký thường trú thì mới chứng minh chỗ ở hợp pháp là chủ sở hữu nhà. Lúc đó mới có thể có ý kiến đồng ý khi làm thủ tục đăng ký thường trú cho thành viên mới.
Trường hợp thứ ba, có hợp đồng thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước thời gian lâu dài (mỗi hợp đồng thuê thời hạn 60 tháng, đã nhiều lần gia hạn - hơn 12 năm trở lên). Trước đây, áp dụng theo Luật cư trú cũ thì người thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước thì được đăng ký thường trú tại địa chỉ thuê nhà.
Tuy nhiên, khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, cơ quan giải quyết đăng ký cư trú không giải quyết đăng ký thường trú, tạm trú cho trẻ nhỏ được vì không có ý kiến của cơ quan quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước có đồng ý hay không đồng ý cho trẻ nhỏ mới sinh đăng ký thường trú tại địa chỉ thuê nhà ở cùng với cha mẹ.
Từ các trường hợp cụ thể nêu trên, cử tri đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, chỉ đạo khắc phục các vướng mắc để các cơ quan thực hiện đăng ký cư trú cho công dân theo Luật Cư trú, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Trả lời cử tri, Bộ Công an cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 154/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (thay thế Nghị định 62/2021) có hiệu lực thi hành từ ngày 10-1. cụ thể tại Điều 7 quy định về giải quyết được việc đăng ký thường trú cho người chưa thành niên đăng ký thường trú lần đầu.
Theo đó, cảnh sát khu vực không cần xác minh “chỗ ở hợp pháp” và có “thực tế cư trú hay không”; bố, mẹ của người chưa thành niên có hộ khẩu ở đâu thì người chưa thành niên được đăng ký hộ khẩu về đó (không yêu cầu là nhà có sổ hồng chưa, có làm thừa kế chưa...).
Trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật về công tác đăng ký, quản lý cư trú, trong đó giải quyết, khắc phục những vướng mắc còn tồn tại liên quan đến việc đăng ký cư trú lần đầu cho người chưa thành niên.
Đồng thời, kiến nghị, đề xuất các cơ quan, ban ngành có liên quan điều chỉnh những quy định về chính sách bảo hiểm y tế, đi học... để không phụ thuộc vào đăng ký cư trú, ảnh hưởng tới quyền lợi của người chưa thành niên.