Người chiến sỹ Điện Biên và con đường huyền thoại!

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Năng - người góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử và con đường huyền thoại nối sang nước bạn.

Trong đội chỉ huy thanh niên xung phong 34 góp phần làm nên chiến thắng tại ngã ba Cò Nòi (Sơn La) ngày ấy, giờ chỉ còn duy nhất cựu thanh niên xung phong, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Năng - người đã cùng đồng đội làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử và con đường huyền thoại nối sang nước bạn...

Gặp cựu chỉ huy thanh niên xung phong còn lại ở “túi bom”Cò Nòi

Cùng dòng người khắp mọi miền Tổ quốc đổ về khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng (tỉnh Điện Biên), nơi còn in đậm những dấu tích lịch sử oai hùng, chúng tôi may mắn gặp ông Nguyễn Tiến Năng (97 tuổi), nguyên Đội phó Đội thanh niên xung phong 34, nguyên thư ký, trợ lý cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Dù tuổi cao, sức yếu, đôi khi dọc đường phải cần đến sự hỗ trợ của chiếc xe lăn, nhưng trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của cựu thanh niên xung phong ngày ấy như không hề có dấu hiệu mệt mỏi, trái lại, lấp lánh niềm tự hào, đong đầy cảm xúc.

Xúc động nghẹn ngào, ông Năng chia sẻ với chúng tôi: “Cả đời tôi trân quý và tâm niệm học và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Bác Hồ, của bác Phạm Văn Đồng... Vinh dự được gặp Bác Hồ và sau này trực tiếp giúp việc cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi cảm phục sâu sắc lối sống giản dị, không màng danh lợi, không đòi hỏi bất cứ gì cho riêng mình, xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo”.

Với những đồng đội đã một thời khói lửa, kề vai, sát cánh thực hiện nhiệm vụ mở đường, với những người đã hy sinh..., khi nhắc tới, ông chợt rưng rưng, không thể giấu được niềm thương nhớ không nguôi. Ông kể: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn in hằn trong tim mình hình bóng của họ, luôn nhớ về họ, đặc biệt, khắc ghi những chiến công, trân quý, cảm phục lòng quả cảm, hy sinh của đồng đội”.

Vì vậy, không quản đường xa xôi, tuổi tác, hễ có cơ hội là ông trở lại những nơi mình và đồng đội đã sống, chiến đấu, hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Nhiều lần, ông đã trở lại ngã ba Cò Nòi (Sơn La), nơi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”... và đó cũng là “túi bom” trên cung đường tiến về cứ điểm Điện Biên Phủ.

Phóng viên chụp ảnh lưu niệm cùng cựu thanh niên xung phong Nguyễn Tiến Năng tại khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Phóng viên chụp ảnh lưu niệm cùng cựu thanh niên xung phong Nguyễn Tiến Năng tại khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Tiếp dòng tâm sự, ông nói với chúng tôi: “Ở đây, tôi đã chứng kiến những trận trút bom ác liệt của địch, chứng kiến bao sự tổn thất của đồng đội... đau đớn lắm nhưng không thể dừng bước, không thể gục ngã trước quân thù. Chiến trường đã tôi luyện “chất thép” trong mỗi chúng tôi, bom đạn, khói lửa trùng trùng không thể bào mòn ý chí ấy. Chúng tôi đã vượt lên đau thương để tiếp tục cùng đồng đội, người trước ngã xuống, người sau tiếp bước, vá đường, thông xe. Bởi mỗi lần địch đánh phá, ngớt tiếng bom là phải làm lại đường, bắc lại cầu để bảo đảm việc tiếp tế nhu yếu phẩm kịp thời cho chiến trường. Được tham gia đoàn quân thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ai ai cũng bừng bừng khí thế chiến thắng, nô nức thi đua, đồng lòng lập công. Giặc phá thì mình làm lại, tất cả vì con đường luôn thông suốt ra các mặt trận...”.

Kỳ tích về con đường “huyền thoại”

Ngừng nghỉ một lát, ông Năng bồi hồi nhớ lại giai đoạn ác liệt nhất khi quân Pháp liên tục mở những đợt tiến công tại Điện Biên Phủ, chúng chặn đánh ta từ mọi phía, thậm chí là cả từ những con đường nhỏ ẩn sâu trong vách núi.

Ngày ấy, khi cậu thanh niên 24 tuổi Nguyễn Tiến Năng đang đảm trách cương vị Bí thư Đoàn thanh niên huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa thì được phân công nhiệm vụ lên đường là cán bộ chỉ huy phụ trách thanh niên xung phong quản lý và chịu trách nhiệm bảo đảm giao thông thông suốt 2 tuyến: Đường số 6 từ Hòa Bình lên Sơn La, Lai Châu... và đường số 13 từ Yên Bái, giao nhau ở ngã ba Cò Nòi, vượt qua đèo Pha Đin lên Điện Biên Phủ.

Ông chia sẻ về Chiến dịch Điện Biên Phủ trong niềm kiêu hãnh: “Tôi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ khi bắt đầu ở đơn vị thanh niên xung phong do Bác Hồ tổ chức để phục vụ chiến dịch. Khi ấy, anh em chúng tôi được giao trọng trách giữ vững thông suốt 300km đường dưới mưa bom, bão đạn đánh phá của quân Pháp. Bao nhiêu gian truân, mất mát là thế, nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo cho quân ta không thiếu lương thực, đạn dược...”.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, theo chỉ thị của Bác Hồ, 8.000 thanh niên xung phong tiếp tục hành quân lên biên giới giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Chúng tôi phải vượt qua hàng trăm ki lô mét đường rừng, vượt đèo, vượt suối, qua thị xã Lai Châu, vừa đi vừa phát cây mở đường. Trong thời gian ngắn, hết sức khẩn trương, chúng tôi phải làm con đường từ Ma Lù Thàng đến thị xã Lai Châu, nối với Vân Nam, Trung Quốc dài khoảng 100km, theo như lời Bác Hồ căn dặn: “Chủ động đối phó với Pháp nếu nó quay trở lại Điện Biên Phủ với sự giúp đỡ của Mỹ...”, vậy nên, yêu cầu thanh niên xung phong phải làm hết sức khẩn trương. Địa hình nơi đó hiểm trở, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, ngày nóng, đêm giá buốt căm căm, ăn uống kham khổ, thuốc men thiếu thốn, lao động nặng nhọc... Mặc dù, được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, nhưng khoảng 3 năm thi công mới hoàn chỉnh con đường, đau xót nhất là trên từng cây số ấy thấm đẫm máu đào của hàng trăm anh em thanh niên xung phong. Họ nằm lại đó - tại xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu - vĩnh viễn thanh xuân.

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Tiến Năng thăm lại Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Thu Thủy

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Tiến Năng thăm lại Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Thu Thủy

Đến năm 1957 con đường hoàn thành bàn giao cho Ty giao thông Lai Châu, khai thác phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, vận chuyển hàng hóa đi lại thuận lợi, cuộc sống được cải thiện... Cho đến khi có thủy điện Lai Châu, con đường nằm lại dưới lòng hồ chứa nước, chỉ còn lại một đoạn ở Ma Lù Thàng. “Những ký ức về con đường đó hằn in trong tâm khảm, tôi và các đồng đội thanh niên xung phong thời ấy đã chiến đấu, hy sinh oanh liệt, không hề nao núng, luôn sẵn sàng khi Tổ quốc cần” - ông chia sẻ.

Người thanh niên xung phong Nguyễn Tiến Năng ngày ấy luôn tự hào đã cùng đồng đội bổ nhát cuốc đầu tiên để khơi thông, đặt nền móng cho con đường “huyền thoại” lịch sử nối từ Ma Lù Thàng đến thị xã Lai Châu, nối với Vân Nam, Trung Quốc và tự hào cùng lực lượng thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của Bác Hồ để luôn xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được Đảng, Nhà nước trao tặng.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy xúc động. Ông đã cùng với bao đồng đội dệt nên “thiên sử vàng” của lịch sử dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chia tay ông, tôi dõi theo dáng người chiến sĩ Điện Biên dung dị năm xưa khuất dần trong dòng người đang đổ về Mường Phăng mà lòng trào dâng sự cảm phục, biết ơn sâu sắc. Thầm mong ông vẫn giữ được sự tinh anh, khỏe mạnh, để hẹn lần sau gặp lại được nghe ông kể tiếp những câu chuyện oanh liệt về những chiến sĩ thanh niên xung phong một thời máu lửa, làm nên bao kỳ tích.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-chien-sy-dien-bien-va-con-duong-huyen-thoai-342490.html
Zalo