Căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Khánh Hòa (1945 - 1975) - cuốn sách nhiều giá trị
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ấn hành cuốn sách Căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Khánh Hòa (1945 - 1975). Trong tập sách gần 290 trang này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy không chỉ giới thiệu các căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Khánh Hòa trong giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ mà còn giới thiệu truyền thống văn hóa, cách mạng của người dân Khánh Hòa, đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các căn cứ cách mạng. Đề cập đến mục đích biên soạn cuốn sách, ông Trần Mộng Điệp - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết:
- Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, căn cứ địa cách mạng có vai trò vô cùng quan trọng, là nơi xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến làm chỗ dựa vững chắc về chính trị và quân sự; cung cấp về sức mạnh vật chất, nguồn cổ vũ về tinh thần cho lực lượng kháng chiến. Giai đoạn 1945 - 1975, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Liên Khu ủy 5, tùy từng thời điểm, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã xây dựng các căn cứ ở các địa điểm khác nhau nhằm phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, để góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975. Để hệ thống hóa các căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy, phản ánh lại quá trình lựa chọn, xây dựng căn cứ, lãnh đạo nhân dân đấu tranh qua các thời kỳ; góp phần giáo dục ý thức dân tộc, tình yêu quê hương đất nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn cuốn sách “Căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Khánh Hòa (1945 - 1975)”. Việc biên soạn cuốn sách này cũng là sự cụ thể hóa Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Kế hoạch số 122, ngày 4-1-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm lịch sử Đảng và số hóa tư liệu, tài liệu lịch sử Đảng; tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
- Trong cuốn sách này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã giới thiệu những căn cứ cách mạng nào và các căn cứ cách mạng ở Khánh Hòa có đặc điểm gì khác biệt, thưa ông?
- Trong tập sách này, chúng tôi đã giới thiệu 7 căn cứ cách mạng: Đồng Trăn - Đất Sét (Diên Khánh), Hòn Dữ và Hòn Dù (Khánh Vĩnh), Hòn Hèo, Đá Bàn (Ninh Hòa), Đồng Bò (Nha Trang), Tô Hạp (Khánh Sơn). Các căn cứ cách mạng được sắp xếp giới thiệu thứ tự theo mốc thời gian ra đời. Cùng với việc giới thiệu các căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Khánh Hòa, Ban biên soạn đã giới thiệu những hoạt động nổi bật của Tỉnh ủy theo từng giai đoạn. Qua đó, người đọc sẽ thấy được sự phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng ở Khánh Hòa qua các thời kỳ.
Với tập sách này, có thể thấy, các căn cứ cách mạng được hình thành ở Khánh Hòa dựa vào đặc điểm, lợi thế của địa phương là các vùng núi rừng hiểm trở xen lẫn các thung lũng màu mỡ, vừa giữ vai trò chống lại các hành động khủng bố, đàn áp khốc liệt của kẻ thù, vừa tạo tiền đề sản xuất “tự lực cánh sinh” thuận lợi để cách mạng từ thế bị động, giữ gìn lực lượng sang thế tiến công và giành thắng lợi; có những căn cứ tồn tại trong thời kỳ chống Pháp, có căn cứ trong thời kỳ chống Mỹ và cũng có căn cứ tồn tại xuyên suốt hai cuộc kháng chiến. Từ các căn cứ này, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã lãnh đạo quân và dân Khánh Hòa lập được nhiều chiến công vang dội, góp phần cùng với cả nước đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Từ việc hệ thống hóa lại tư liệu về các căn cứ cách mạng, có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?
- Có nhiều bài học kinh nghiệm khi hệ thống hóa và đánh giá lại các căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy. Điều dễ nhận thấy nhất đó là trong 30 năm (1945 - 1975), không có bất kỳ một căn cứ nào của Tỉnh ủy bị địch cô lập. Các cuộc hành quân càn quét của địch vào căn cứ Hòn Dữ, Đá Bàn, Hòn Hèo (thời kỳ chống Pháp) hay Hòn Dù, Đồng Bò (thời kỳ chống Mỹ) đều bị quân và dân ta đánh bại. Có những trận đánh làm thay đổi cục diện chiến trường như chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn năm 1953 hay bẻ gãy cuộc “phản công chiến lược” của địch mùa khô 1966 - 1967 vào căn cứ Hòn Dữ…
Có thể nói, sự tồn tại và hoạt động của khu căn cứ từ khi thành lập đến khi đất nước thống nhất vào năm 1975 đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương về việc xây dựng căn cứ địa, quyết định đúng đắn của Tỉnh ủy Khánh Hòa về việc chọn các địa phương làm căn cứ kháng chiến lâu dài của tỉnh. Đó cũng là bằng chứng thuyết phục nhất về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; Đảng vì dân và dân tin Đảng, một lòng theo Đảng, bất chấp mọi khó khăn, thử thách. Như Bác Hồ từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; có dân giúp sức, ủng hộ và tin tưởng là bí quyết trường tồn của Đảng ta. Quá trình lựa chọn, xây dựng, bảo vệ và phát triển các căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy không chỉ góp phần đem lại thắng lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhất là trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
- Cần làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị các căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
- Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng nói chung, các căn cứ cách mạng nói riêng chính là giữ gìn, tôn trọng, nâng niu những di sản tốt đẹp mà các thế hệ cha ông đã dành nhiều trí tuệ, xương máu vun đắp, tạo dựng qua các giai đoạn lịch sử. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của mỗi người ở thế hệ hôm nay và mai sau trong việc thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Mặt khác, các di tích căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ. Trong cuốn sách này, Ban biên soạn đã nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị các căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy.
Theo đó, để thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy các giá trị căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử của các căn cứ cách mạng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để các tầng lớp nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm bảo vệ, không xâm phạm đến di tích. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy; trong đó cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các địa phương có tiềm năng và lợi thế; khuyến khích, vận động nguồn lực từ xã hội hóa; tranh thủ vận động, khuyến khích các tầng lớp nhân dân và các tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức vào việc bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích… Hàng năm, cần tiến hành điều tra, sưu tầm những câu chuyện, hiện vật liên quan đến căn cứ nhằm bổ sung, làm phong phú thêm tư liệu phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Để phát huy giá trị các căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy cần phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về căn cứ; có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu lịch sử và giá trị của các căn cứ cách mạng trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới hình thức chuyên đề, phim tư liệu; trên các cổng thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh, trang thông tin điện tử các địa phương…; đưa thông tin về các căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy vào phần lịch sử địa phương; các cuộc thi tìm hiểu lịch sử địa phương. Đồng thời, các cấp, ngành cần phải có phương án phát huy giá trị di tích trong hoạt động du lịch, đưa các địa điểm có căn cứ cách mạng Tỉnh ủy vào tour du lịch về nguồn… để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.