Người cha với bản lĩnh thép
Trong cuộc đời mỗi người, có những mối quan hệ không cần chung huyết thống nhưng lại gắn bó bằng sự kính trọng và yêu thương sâu sắc. Với tôi, người đó chính là ba chồng. Nghe có vẻ lạ, nhưng quả thật, ba là người đàn ông có sức ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của tôi. Đó không phải là những lời dạy cao siêu hay những việc làm lớn lao mà bằng chính nghị lực sống phi thường, cách mà ông đối mặt với nghịch cảnh của cuộc sống.
Đối với tôi, ba không chỉ là người cha thứ hai, là ông nội của các con tôi mà còn là một tấm gương sáng về lòng dũng cảm, sự lạc quan và bản lĩnh đáng khâm phục. Đặc biệt là trong hành trình gần 4 năm đầy cam go chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.
Ngày tôi sinh bé thứ hai tròn 1 tháng (10-2021), cũng là lúc ba phát hiện ung thư phổi giai đoạn nặng. Đó cũng là thời điểm cả nước đang oằn mình chống dịch Covid-19, bệnh viện quá tải, nhiều nơi bị phong tỏa, việc di chuyển, thăm khám, điều trị vô cùng khó khăn. Bản thân tôi đang phải vật lộn với trăm thứ lo toan, chưa kịp hồi sức sau sinh thì lại thêm nỗi đau chồng chất khi nghe tin dữ về ba. Mọi thứ lúc đó như sụp đổ, cả gia đình rơi vào vùng tăm tối và hoang mang tột độ.
Nhưng giữa lúc khắc nghiệt nhất, chính ba - người đang đối mặt trực tiếp với “án tử” treo lơ lửng trước mắt lại là người bình tĩnh nhất. Không một lời oán trách, không một giọt nước mắt..., ba đón nhận mọi thứ với nụ cười nhẹ như thể bệnh tật là điều tất yếu của đời người. Trái lại, ba là người chủ động trấn an cả gia đình rằng: “Ba sẽ vượt qua”. Bởi lẽ, trước khi là một người cha, người ông trong gia đình…, ba từng là một người lính - đã vào sinh ra tử giữa chiến trường khốc liệt, từng đối mặt với cái chết trong gang tấc.
Và rồi ba bắt đầu hành trình chiến đấu với “án tử” đầy kiên cường, không chỉ bằng thuốc men, hóa trị mà còn bằng một tinh thần thép của người lính Cụ Hồ. Suốt những ngày nằm viện, ba chưa một lần than vãn. Từng lần hóa trị rã rời, từng lần chỉ số máu tụt xuống mức báo động, da xanh như tàu lá chuối, tóc rụng từng mảng, người sụm đi thấy rõ, nhưng ba vẫn luôn nở nụ cười, cố giữ tinh thần lạc quan để mọi người trong nhà không phải lo lắng, vẫn gắng ngồi dậy tập thở, tự ăn, tự vận động, không ăn được cơm, ba chuyển qua ăn cháo, uống sữa, tìm mọi cách để nạp đủ năng lượng vào cơ thể của mình. Ba nói vui rằng: Ráng ăn cho khỏe, sống cho lâu để còn đi dựng vợ, gả chồng cho mấy đứa cháu nữa. Tụi nó còn cần ông nội - câu nói đơn giản mà chứa cả một trời yêu thương, một tinh thần không chịu khuất phục.
Ba sống lạc quan đến mức người ta quên mất ba đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Có những lần, ba tự mình đến bệnh viện chữa trị mà không cần ai đi cùng, vẫn chăm và tưới cho vườn cây cảnh - niềm đam mê mỗi ngày của ba, vẫn pha trà, đánh cờ cùng những người bạn đồng niên, vẫn thủ thỉ kể chuyện cười cùng những bài học đời thường cho con cháu nghe... Chính năng lượng sống tích cực đó của ba đã kéo cả gia đình ra khỏi những ngày tháng bất an trước lằn ranh sinh tử mong manh.
Tôi đã từng nghĩ ba sẽ không qua khỏi. Cơ thể già yếu, bệnh tật nặng nề, thời cuộc khắc nghiệt..., nhưng rồi phép màu đã đến. Sau 35 đợt hóa trị ròng rã kéo dài gần 4 năm đầy khó khăn và thử thách, ba dần hồi phục một cách ngoạn mục. Những lần tái khám, từng chỉ số xét nghiệm, từng hạch nhỏ trong cơ thể ba từng chút một lùi dần, lùi dần. Các bác sĩ đồng hành với ba đều hết sức ngạc nhiên, gọi đó là trường hợp kỳ diệu. Tôi không dám dùng từ “khỏi hẳn”, nhưng tôi và mọi người đều biết: ba đã chiến thắng. Chiến thắng ấy không chỉ là kết quả sau cùng, mà chính là cả hành trình ba đã đi qua - với một tinh thần thép và một trái tim không chịu đầu hàng số phận.
Giờ đây, sau những tháng ngày u tối chống chọi với bệnh tật, tất cả chỉ còn là ký ức. Ba vẫn sống khỏe, mỗi sáng tập thể dục quanh nhà, hít thở không khí trong lành, chiều đến chơi đùa cùng đàn cháu nhỏ ríu rít gọi “ông nội ơi”. Điều đó khiến tôi nhận ra rằng: Bản lĩnh và lòng kiên cường của ba không chỉ cứu lấy chính mình mà còn trở thành chỗ dựa cho cả đại gia đình. Chính ba đã dạy tôi rằng, dù cuộc sống có sóng gió thế nào vẫn luôn giữ vững niềm tin, vì niềm tin là điều cuối cùng giúp ta đứng vững trước mọi khó khăn, thử thách của cuộc đời.
Ba - người cha không cùng máu mủ, nhưng là điểm tựa vững chãi nhất trong đời làm dâu của tôi.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!