Người bán và người mua chịu ảnh hưởng từ việc tăng phí sàn thương mại điện tử

Trong thời gian gần đây, nhiều sàn thương mại điện tử lớn đã thông báo tăng phí giao dịch. Quyết định này đã gây ra nhiều lo ngại và tranh luận về tác động của nó đối với cả người bán và người mua.

Người bán đối mặt với phí tăng cao

Theo thông tin từ Shopee, bắt đầu từ ngày 1/4 sẽ điều chỉnh phí cố định cho các ngành hàng. Cụ thể, phí dịch vụ và voucher tăng từ 3% lên 9%, nhóm sức khỏe tăng từ 4% lên 9,5%, các ngành khác cũng tăng 4 - 6%. Nhìn chung, mức tăng dao động từ 0,5 - 6%, thậm chí có ngành lên tới 10%. Đồng thời, Shopee dừng chương trình freeship Xtra và yêu cầu người bán tự chi trả phí hoàn trả.

 Mua sắm online trở nên quen thuộc với mọi người (Nguồn: Internet)

Mua sắm online trở nên quen thuộc với mọi người (Nguồn: Internet)

Không chỉ Shopee, TikTok Shop cũng bắt đầu áp dụng chính sách hoa hồng mới dành cho người bán phổ thông tăng nhẹ từ 3% lên 4%, trong khi các cửa hàng thuộc hệ thống Shop Mall phải đối mặt với mức tăng đáng kể, từ khoảng 4,54 - 5,78% lên 6,05 - 7,7%.

Động thái này diễn ra sau quyết định tăng phí của Lazada, khi nền tảng này nâng mức phí cố định từ 3% lên 4% và đồng thời giảm tỷ lệ phí vận chuyển Freeship Max từ 8% xuống còn 6% giá trị đơn hàng.

Anh Lê Ngọc Tuấn (36 tuổi) là chủ cửa hàng đồ gia dụng trên Shopee chia sẻ: “Việc tăng phí thực sự là một thử thách đối với người bán như chúng tôi. Mặc dù tôi hiểu rằng các sàn cần điều chỉnh phí để duy trì hoạt động và cải thiện chất lượng dịch vụ, nhưng mức tăng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của người bán, đặc biệt là với những người kinh doanh nhỏ và vừa như tôi.”

Anh Tuấn nói thêm, có thể trong thời gian tới cửa hàng anh sẽ phải điều chỉnh giá bán một chút để bù đắp phần chi phí tăng lên. Tuy nhiên, anh cũng rất lo ngại nếu tăng giá sẽ mất khách, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên các sàn.

Ngoài việc phải tăng giá sản phẩm, các nhà bán hàng còn phải đối mặt với việc giảm các chương trình khuyến mãi và ưu đãi. Trước đây, các sàn thương mại điện tử thường có các chương trình hỗ trợ như freeship Xtra, giúp giảm chi phí vận chuyển cho người bán.

Tuy nhiên, với việc dừng chương trình này và yêu cầu người bán tự chị trả phí hoàn trả, chi phí vận hành của các nhà bán hàng sẽ tăng lên đáng kể. Điều này càng làm tăng thêm áp lực tài chính và khiến họ phải tìm cách tối ưu hóa chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh.

Sự lo ngại của người mua khi giá tăng

Khi chi phí bán hàng tăng, nhiều nhà bán hàng buộc phải tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí, dẫn đến giá hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử có thể tăng cao. Điều này làm giảm sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều người tiêu dùng lo ngại rằng mua sắm trực tuyến sẽ mất đi ưu thế về giá cả so với mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.

Ngô Lan Phương (20 tuổi) đang là sinh viên trường Đại học Thương mại chia sẻ: “Mình là người thường xuyên mua hàng online, tuần chắc mình đặt đến 2-3 đơn hàng. Nên khi mình đọc được thông tin các sàn sắp tăng giá thì mình rất lo lắng về việc giá cả hàng hóa sẽ tăng theo.”

Chị Nguyễn Ngọc Anh (28 tuổi) cũng nói lên nỗi lo ngại của mình: “Nếu các sàn đồng loạt tăng giá, liệu mình có còn mua được những món đồ mình cần với mức giá phải chăng như trước không? Thu nhập của mình thì vẫn vậy, mà chi phí sinh hoạt thì ngày càng đắt đỏ.”

Việc tăng phí sàn thương mại điện tử là một bài toán khó cho cả người bán lẫn người mua. Trong khi các sàn cần nguồn thu để duy trì và phát triển, người bán và người mua lại phải tìm cách thích nghi để không bị ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh và chi tiêu.

Để duy trì sự phát triển bền vững, các sàn thương mại điện tử cần tính toán kỹ lưỡng mức phí áp dụng và có chính sách hỗ trợ phù hợp để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên.

Minh Huyền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-ban-va-nguoi-mua-chiu-anh-huong-tu-viec-tang-phi-san-thuong-mai-dien-tu-post340267.html
Zalo