Người anh hùng dân tộc Việt Nam sống mãi trong ký ức bạn bè Italy

'Bác Hồ vẫn luôn ở cùng chúng ta. Những gì Người làm cho chúng ta, cho dân tộc Việt Nam của Người và các dân tộc bị áp bức, những điều Người đã dạy chúng ta bằng sự khiêm nhường và kiên định, chúng ta sẽ luôn mang theo và ghi nhớ trong tâm trí và trái tim mình' - Đó là những điều mà Tiến sĩ Sandra Scagliotti, nhà Việt Nam học, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại thành phố Turin và Genoa chia sẻ với phóng viên TTXVN nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025).

Tiến sĩ Sandra Scagliotti, nhà Việt Nam học, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại thành phố Turin và Genoa trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Rome. Ảnh:Trường Dụy/TTXVN

Tiến sĩ Sandra Scagliotti, nhà Việt Nam học, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại thành phố Turin và Genoa trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Rome. Ảnh:Trường Dụy/TTXVN

Bà Sandra đã xúc động nhắc lại suy nghĩ của Bác Hồ từ khi còn là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rằng “Có một trăm cách để tồn tại, chỉ có một cách để sống trọn vẹn: vì hạnh phúc của đồng bào”, suy nghĩ mà theo bà Sandra rằng thể hiện một cuộc đời cống hiến cho đất nước và đồng bào của Bác. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như những đóng góp to lớn của Người cho dân tộc và sự tiến bộ của các dân tộc bị áp bức, có giá trị vô cùng to lớn. Tấm gương sáng ngời của Người vẫn in đậm và soi sáng con đường của nhiều người trẻ Việt Nam ngày nay, trong kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ tổ quốc, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Là một anh hùng giải phóng dân tộc, một chiến sĩ, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng và nhân dân, một nhân vật của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, không giống các nhà lãnh đạo khác cùng thời, Hồ Chí Minh đã đi khắp nơi, tìm hiểu thế giới và quan sát điều kiện sống của những người nghèo nhất. Di sản đạo đức và văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị trong nước mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ trên trường quốc tế, đặc biệt là tác động mạnh mẽ đến các cuộc xung đột, đấu tranh chống áp bức trên toàn thế giới, truyền cảm hứng cho những người đấu tranh giành tự do, độc lập.

Bác Hồ đã sống ở Pháp từ năm 1917 đến năm 1923, nơi Người viết một bản tường trình rõ ràng về chế độ man rợ của thực dân. Là một nhà hoạt động và chiến sĩ tận tụy, Hồ Chí Minh đã tham gia vào mọi cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp. Bác cũng đã có mặt tại Italy trong thập niên 1930. Rome, Milan, Florence, Genova... vẫn ghi dấu chân Người và Người vẫn được người dân nơi đây nhắc tới với niềm kính yêu, tự hào.

Tiến sĩ Sandra Scagliotti nhắc đến bình luận của nhà sử học người Pháp Alain Ruscio chỉ ra rằng, “Hồ Chí Minh đã trải qua những biến cố thăng trầm gấp cả trăm lần so với một người bình thường”. Người đã dành phần lớn cuộc đời mình để đấu tranh, luôn trong tình trạng thiếu thốn vật chất trầm trọng, đôi khi là khổ cực. Cho đến khi Người trở về quê hương vào năm 1941 và tuyên bố độc lập cho Việt Nam vào ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh, bằng hành động, bằng tiếng nói, bằng sự lãnh đạo của mình, đã khiến một dân tộc nhỏ bé, thiếu thốn vũ khí và kiệt quệ, dám thách thức nước Pháp, một thế lực thực dân lớn. Dân tộc Việt Nam sẽ mãi ghi nhớ Bác Hồ, người đã dẫn dắt con đường giải phóng đất nước, chỉ đường cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới và tạo ra vết nứt không bao giờ khép lại được trong hệ thống thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp và tiếp đó là chủ nghĩa đế quốc toàn cầu.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tình cảm yêu kính, quý trọng, vừa gần gũi vừa cao quý đã, đang và sẽ luôn nằm ở góc tươi đẹp nhất trong muôn triệu con tim nhân dân và bạn bè thế giới, trong đó có nhân dân và những người bạn thân thiết Italy, mảnh đất nơi Người đã từng sinh sống và hoạt động trong những năm tháng đầy gian lao song rất đỗi tự hào của một chiến sĩ cách mạng và vô sản quốc tế.

Dương Hoa - Trường Dụy - Thanh Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/nguoi-anh-hung-dan-toc-viet-nam-song-mai-trong-ky-uc-ban-be-italy-20250517163212005.htm
Zalo