Ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng vi phạm: Kỳ vọng từ biện pháp mạnh

Trước yêu cầu quản lý trật tự xây dựng ngày càng cao, hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn cho người dân, bảo đảm kỷ cương pháp luật, giải pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm đã được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

Biện pháp mạnh này được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, tháo gỡ nhiều vướng mắc phát sinh trong quản lý trật tự xây dựng hiện nay.

Lực lượng chức năng ngừng cấp điện với 29 trường hợp tại ô đất C4 ngõ 100 Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy). Ảnh: Hiếu Thanh

Lực lượng chức năng ngừng cấp điện với 29 trường hợp tại ô đất C4 ngõ 100 Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy). Ảnh: Hiếu Thanh

Quyết liệt xử lý vi phạm

Thực tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tồn tại không ít công trình xây dựng sai phạm nhưng việc xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, do chủ đầu tư không hợp tác, cố tình thi công, sử dụng. Bất cập là chỉ khi có quyết định cưỡng chế, chính quyền địa phương mới có thể đề xuất ngừng cung cấp điện, nước. Và khoảng thời gian từ đề xuất đến thực hiện thường kéo dài, tạo điều kiện cho chủ đầu tư lợi dụng để tiếp tục vi phạm.

Việc xử lý cắt điện, nước trên địa bàn phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) là ví dụ. Sau 1 năm có văn bản đề nghị, ngày 24-6 vừa qua, chính quyền phường mới phối hợp với Công ty Điện lực Cầu Giấy ngừng cấp điện đối với 29 cá nhân, tổ chức đang sinh sống, kinh doanh tại ô đất C4, ngõ 100 phố Trung Kính. Ô đất này thuộc dự án Khu đô thị mới Yên Hòa, do chậm triển khai nhiều năm qua nên phát sinh nhà xưởng, nhà kho, phòng trọ, cơ sở thu mua phế liệu, sửa chữa xe máy… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Tương tự, tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), lực lượng chức năng rà soát, cắt điện đối với 7 cơ sở kinh doanh nằm trên đất dự án, đất sử dụng sai mục đích, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Cũng trên địa bàn quận Cầu Giấy, UBND phường Mai Dịch đã đề nghị đơn vị cấp điện, nước phối hợp kiểm tra, ngừng cung cấp dịch vụ đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy Trần Anh Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn quận có 215 công trình xây dựng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng lập hồ sơ xử lý 19 công trình vi phạm.

Tiếp giáp địa bàn quận Cầu Giấy, quận Bắc Từ Liêm cũng là khu vực đang có tốc độ phát triển đô thị mạnh, dẫn đến phát sinh nhiều vi phạm trật tự xây dựng. Theo Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Bắc Từ Liêm Vũ Duy Hùng, giải pháp cắt điện, nước tại các công trình vi phạm trước đây được thực hiện theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng năm 2003. Tuy nhiên, nghị định này đã hết hiệu lực. Quá trình xử lý công trình xây dựng vi phạm gặp khó khăn bởi quy định hiện hành không cho phép cắt điện, nước khi chưa có quyết định cưỡng chế. Trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp có liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng, biện pháp mạnh này cần tiếp tục duy trì để tăng cường hiệu quả quản lý, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Cần chế tài mạnh từ yêu cầu thực tiễn

Khoản 2, Điều 33, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định, trong trường hợp thật cần thiết, để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy...

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trịnh Duy Oai cho rằng, việc cắt điện, nước là giải pháp hữu ích, hỗ trợ quá trình giải quyết vi phạm trật tự xây dựng. "Địa bàn huyện hiện có nhiều khu vực nông, lâm trường, quản lý đất đai phức tạp, phát sinh sai phạm về trật tự xây dựng nên rất cần có biện pháp mạnh mới giải quyết được vướng mắc", ông Trịnh Duy Oai nói.

Phó Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thạch Thất Nguyễn Đức Quân cũng chia sẻ: "Sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực, chúng tôi rất mong thành phố sớm có quy định cụ thể, hướng dẫn việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để ngăn chặn kịp thời các công trình vi phạm, bảo đảm tính khả thi, nghiêm minh của pháp luật. Trên thực tế, công trình vi phạm trật tự xây dựng phát sinh rất phức tạp, đòi hỏi phải có biện pháp phù hợp để giải quyết triệt để".

Về vấn đề này, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng thông tin, với vai trò quản lý lĩnh vực được UBND thành phố giao, các bộ phận chức năng của Sở Xây dựng sẽ có trách nhiệm tham mưu với thành phố xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng vi phạm. Giải pháp xử lý quyết liệt này chắc chắn sẽ giúp việc bảo đảm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả hơn, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ lâu.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngung-cung-cap-dich-vu-dien-nuoc-doi-voi-cong-trinh-xay-dung-vi-pham-ky-vong-tu-bien-phap-manh-672060.html
Zalo