Ngừng bắn bất thành, Ukraine lo trả giá đắt nếu xung đột với Nga kéo dài

Các quan chức Ukraine cho rằng cuộc xung đột tiêu hao có khả năng sẽ kéo dài trong nhiều năm, bất chấp nỗ lực trung gian hòa giải do Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy nhằm chấm dứt các cuộc giao tranh. Trong trường hợp đó, Kiev sẽ phải trả cái giá rất đắt.

Ukraine có thể trả giá đắt nếu xung đột kéo dài

Sau khi cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Ukraine và Nga tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/5 kết thúc mà không đạt kết quả như kỳ vọng và tiếp theo là cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump với Tổng thống Nga Putin, các quan chức Ukraine không thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy có bước đột phá lớn.

Ukraine lo trả giá đắt nếu xung đột với Nga kéo dài. Ảnh: Getty

Ukraine lo trả giá đắt nếu xung đột với Nga kéo dài. Ảnh: Getty

Ngày 19/5, Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay, chủ yếu nhằm vào khu vực trung tâm Kiev và các vùng Dnipropetrovsk và Donetsk ở phía Đông Ukraine. Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết: “Nga không thể đánh bại chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng không thể giải phóng toàn bộ lãnh thổ. Nếu không có sự hỗ trợ đáng kể của Mỹ, tình hình có khả năng trở nên tồi tệ hơn. Theo thời gian, cán cân sức mạnh sẽ nghiêng về phía Nga. Chúng tôi vẫn sẽ sống sót nhưng sẽ phải trả giá rất đắt".

Các quan chức Ukraine đã bày tỏ mối lo ngại này sau khi Nga thể hiện quyết tâm theo đuổi chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm loại bỏ “nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột”, đồng thời đưa ra một loạt điều khoản cứng rắn mà Kiev phải đáp ứng để có thể tiến tới thỏa thuận hòa bình.

Trong các cuộc đàm phán ngắn ngủi ở Istanbul, nhà đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết, Moscow sẵn sàng tiếp tục chiến đấu: "Chúng tôi không muốn xung đột, nhưng chúng tôi sẵn sàng chiến đấu trong một, hai, ba năm, bất kể phải mất bao lâu. Còn các ông sẵn sàng chiến đấu trong bao lâu?"

Mặc dù một số quan chức Ukraine tin rằng lập trường của hai bên có thể thay đổi linh hoạt hơn nếu các cuộc đàm phán trong tương lai diễn ra, nhưng trên thực tế, Moscow và Kiev vẫn còn khoảng cách rất lớn trong những vấn đề cơ bản nhất.

“Đó là những vấn đề liên quan đến độc lập và chủ quyền cũng như quan hệ kinh tế và an ninh với Tây Âu", một quan chức cấp cao Ukraine cho biết.

Quan chức này nhấn mạnh: “Ukraine có thể thu hẹp quy mô quân đội do khó khăn về kinh tế hoặc trở thành quốc gia trung lập theo yêu cầu của Nga, nhưng chúng tôi không đồng ý hủy bỏ quan hệ với phương Tây”.

Hiện Tổng thống Zelensky đang nỗ lực hết sức để thuyết phục chính quyền Tổng thống Trump đứng về phía Ukraine và gây sức ép với Nga. “Tổng thống Zelensky đang đối mặt tình huống khó khăn vì phía sau ông ấy là cả một quốc gia đang chìm trong xung đột. Chúng tôi đang cố gắng làm mọi thứ vì không muốn mất đi sự ủng hộ của Mỹ.”, chính trị gia Oleksandr Merezhko của Ukraine lưu ý.

Rào cản lớn với các cuộc đàm phán

Bà Hanna Maliar - cựu thứ trưởng quốc phòng Ukraine nhận định, một trong những khó khăn chính đối với các cuộc đàm phán là việc ông Trump và ông Putin nhìn nhận quá trình này rất khác nhau. Tổng thống Putin luôn tin rằng ông có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

“Nga sẽ tiếp tục tiến về phía trước bởi họ có lợi thế và có lực lượng để tiếp tục chiến đấu. Tổng thống Putin đã nói rất rõ về mục tiêu của Nga và ông ấy đang hướng tới hoàn thành mục tiêu đó”.

Về mặt đàm phán, bà Hanna Maliar cho rằng ông Putin và ông Trump ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau, đại diện cho những nền văn hóa khác nhau.

“Tổng thống Putin là cựu điệp viên KGB. Ông ấy sẽ có những lập luận riêng biệt, còn ông Trump từng là một doanh nhân nổi tiếng và ông ấy có thể cho rằng cuộc đàm phán Nga-Ukraine giống như đàm phán về một thương vụ kinh doanh. Vì thế, khi hai bên ngồi vào bán đàm phán họ sẽ khó đạt được thỏa thuận chung”.

Lý do này đã khiến bà Maliar cùng nhiều quan chức khác của Ukraine suy đoán kết quả nhiều khả năng sẽ xảy ra nhất là tình trạng đối đầu kéo dài. “Nếu bạn hỏi về khả năng chấm dứt xung đột, tôi sẽ nói rằng có 90% khả năng cuộc chiến này sẽ tiếp tục kéo dài thêm một hoặc hai năm tới. Trên thực tế, kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, cường độ giao tranh đã tăng lên”.

Trong một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, Ukraine có thể đối mặt với rủi ro lớn do có ít nguồn lực hơn so với Nga. Điều này đặc biệt đáng lo ngại nếu Mỹ rút hoàn toàn hỗ trợ cho Kiev.

“Một cuộc chiến tranh tiêu hao giống như một cao nguyên với một vực thẳm phía dưới. Vực thẳm đó là sự sụp đổ của tiền tuyến”, một quan chức Ukraine cho biết.

Đối với một số nhân vật ở Ukraine, kịch bản tốt nhất trong các cuộc đàm phán có thể là 2 bên đạt được lệnh ngừng bắn, đóng băng giao tranh dọc theo tiền tuyến mà không nhất thiết phải giải quyết những vấn đề gốc rễ. Một số nhà phân tích lưu ý, điều này chắc chắn sẽ có lợi cho Nga vì Moscow có thời gian chuẩn bị cho các chiến dịch quân sự trong tương lai, nhưng một số người lại đưa ra ý kiến trái ngược, cho rằng Ukraine cũng có thể hưởng lợi từ quãng thời gian tạm dừng xung đột, cho phép họ tổ chức lại lực lượng vũ trang, tăng cường sản xuất vũ khí và củng cố các công sự tiền tuyến.

Trên chiến trường, Nga đang đạt được những bước tiến vững chắc và các lực lượng nước này đang chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn trong mùa hè, tình báo Ukraine đánh giá.

Nhà nghiên cứu Mykola Bielieskov thuộc tổ chức phi chính phủ Ukraine "Come Back Alive", cho rằng, chiến dịch tấn công mùa hè của Nga sẽ là chiến dịch dữ dội nhất trong cuộc chiến.

"Trong những tháng tới, Nga có thể tạo ra những tiến từ từ để tạo sự đột phá mạnh mẽ trên mặt trận phía đông", ông Bielieskov lưu ý. Còn nhà phân tích Galeotti nhận định, dù Nga có thể duy trì bước tiến một cách chậm rãi, thì khả năng họ giành quyền kiếm soát tất cả các vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền dường như rất thấp, đặc biệt là khi nói đến một thành phố lớn như Kherson".

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Telegraph

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ngung-ban-bat-thanh-ukraine-lo-tra-gia-dat-neu-xung-dot-voi-nga-keo-dai-post1200814.vov
Zalo