Ngứa râm ran, cảm giác như kim châm ở mặt cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm
Cảm thấy ngứa râm ran, cảm giác như kim châm ở mặt có thể cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn như đột quỵ.
Cảm thấy ngứa râm ran ở mặt có thể giống như cảm giác kim châm ở mặt, ngoài ra mọi người cũng có thể cảm thấy mặt bị tê và da mặt ngứa ngáy. Đây được gọi là tình trạng dị cảm trên mặt. Cảm giác này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khuôn mặt hoặc chỉ một bên. Tình trạng này có thể cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn.
Nguyên nhân khiến bạn cảm thấy ngứa râm ran ở mặt
Các dị cảm như cảm thấy ngứa râm ran, cảm giác như kim châm, ngứa da mặt, da mặt tê rát,... có thể do các nguyên nhân dưới đây:
1. Sự lo lắng
Lo âu mãn tính hay hoảng loạn ngắn hạn đều có thể khiến bạn cảm thấy ngứa râm ran, cảm giác như kim châm ở mặt, thậm chí là đau. Điều này có thể là do hàm và cổ cứng do căng cơ kéo dài, liên quan đến căng thẳng. Đặc biệt nếu bạn đang trong trạng thái hoảng loạn, bạn có thể bị ngứa ran ở mặt cùng với chóng mặt do thiếu oxy và lưu lượng máu tạm thời.
Nếu bạn bị lo âu mãn tính, bạn cần sử dụng thuốc được chỉ định và điều trị tâm lý. Bên cạnh đó, bạn nên duy trì lối sống và ăn uống lành mạnh, ưu tiên giấc ngủ, tập yoga và thiền để quản lý căng thẳng, tránh sử dụng rượu hay caffeine.
2. Phản ứng dị ứng
Một số người cảm thấy ngứa râm ran mặt do phản ứng dị ứng. Trong nhiều trường hợp, cảm giác này giống như ngứa hoặc nóng rát quanh miệng hoặc môi, đặc biệt là nếu bạn ăn thứ gì đó khiến bạn bị dị ứng.
Các dấu hiệu khác của phản ứng dị ứng có thể bao gồm: nổi mề đay, sưng tấy, phát ban, mắt ngứa và chảy nước mắt, nghẹt mũi, ho, thở khò khè, chóng mặt, đau dạ dày.
Nếu bị phản ứng dị ứng, bạn có thể sử dụng thuốc nhưng hãy cẩn trọng với tình trạng sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, khi có phản ứng dị ứng, tốt hơn hết bạn nên đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị.
3. Tổn thương thần kinh
Cảm giác ngứa râm ran ở mặt hay bất kỳ vị trí nào trên cơ thể có thể do tổn thương thần kinh, chẳng hạn như dây thần kinh sọ bị chèn ép. Ví dụ, chấn thương ở đầu, cổ hoặc lưng ảnh hưởng đến chức năng thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn. Nếu lưu lượng máu đến mặt bị hạn chế, bạn có thể cảm giác như kim châm ở mặt.
Đối với những chấn thương thần kinh nhẹ, các lựa chọn điều trị có thể bao gồm dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc liệu pháp xoa bóp. Phẫu thuật thần kinh ngoại biên có thể tái tạo hoặc sửa chữa các dây thần kinh bị tổn thương. Bạn có thể cần phẫu thuật để sửa chữa các dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng, dây thần kinh bị cắt hoặc các dây thần kinh không tự lành.
4. Bệnh zona
Bệnh zona là một tình trạng gây ra bởi sự tái hoạt động của virus varicella-zoster đang ngủ yên, cũng là nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu. Bệnh này gây ra phát ban da ở một bên cơ thể hoặc mặt. Phát ban thường gây đau và ngứa.
Một số người gặp phải biến chứng bệnh zona được gọi là đau thần kinh sau zona, bao gồm cơn đau thần kinh dữ dội ở vùng phát ban ban đầu. Mọi người mô tả cơn đau này là cảm giác nóng rát hoặc ngứa ran. Nếu bạn bị zona trên mặt, bạn sẽ thường có cảm thấy ngứa râm ran, đau rát và ngứa da ở mặt.
Không có cách chữa khỏi bệnh zona nhưng có cách điều trị để kiểm soát các triệu chứng như thuốc kháng vi-rút, các loại thuốc giảm đau không kê đơn, các loại thuốc khác tùy vào tình trạng bệnh của bạn.
5. Liệt mặt
Liệt mặt là tình trạng thần kinh dẫn đến sụp mí, yếu hoặc liệt chỉ một bên mặt. Tình trạng này do viêm dây thần kinh mặt gọi là dây thần kinh sọ số 7. Tình trạng này có thể xảy ra do nhiễm trùng, tổn thương bao myelin (một loại tổn thương thần kinh), rối loạn tự miễn dịch hoặc bệnh Lyme.
Những người bị liệt mặt có thể gặp khó khăn khi nhắm một mắt, ngoài ra lông mày và miệng của họ bị trễ xuống ở bên bị ảnh hưởng. Nhiều người mắc chứng rối loạn này cũng gặp phải những cảm giác bất thường ở bên mặt bị liệt, bao gồm cảm thấy ngứa râm ran và đau.
Những phương pháp điều trị liệt mặt bao gồm chăm sóc mắt, sử dụng corticosteroid đường uống, thuốc kháng vi-rút, kích thích điện.
6. Bệnh đa xơ cứng
Bệnh đa xơ cứng là một rối loạn tự miễn mãn tính liên quan đến tổn thương lớp vỏ myelin bao quanh các sợi thần kinh truyền tín hiệu giữa não và các bộ phận còn lại của cơ thể.
Tê hoặc cảm thấy ngứa râm ran mặt thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh đa xơ cứng. Người bệnh cũng có thể bị giảm cảm giác ở chân tay và thân. Các triệu chứng của bệnh đa xơ cứng sớm khác có thể bao gồm: thay đổi thị lực, đi lại không vững và dễ bị ngã, chóng mặt.
Điều trị bệnh đa xơ cứng tập trung vào việc giảm thiểu bệnh trở nên nặng hơn, kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Kế hoạch điều trị có thể bao gồm: sử dụng thuốc men, vật lý trị liệu - trị liệu nghề nghiệp hoặc trị liệu ngôn ngữ, tư vấn sức khỏe tâm thần.
7. Đột quỵ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA)
Đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế đe dọa tính mạng do lưu lượng máu đến não bị cắt đứt tạm thời. Đột quỵ thiếu máu não thoáng qua (TIA) là tình trạng lưu lượng máu đến não bị cắt đứt trong thời gian ngắn mà không liên quan đến tình trạng hoại tử mô trong não.
Cả đột quỵ và TIA đều có thể dẫn đến tê hoặc cảm thấy ngứa râm ran ở một bên cơ thể hoặc mặt và kèm theo các triệu chứng khác như:
+ Vấn đề phối hợp
+ Yếu cơ
+ Chóng mặt
+ Mất cân bằng
+ Tê hoặc ngứa ran ở một bên cơ thể hoặc mặt
+ Thay đổi cảm giác
+ Những thay đổi trong nhận thức
+ Khó nuốt
+ Lú lẫn
Nếu nhận thấy các dấu hiệu của đột quỵ ở người nào đó, bạn nên gọi xe cấp cứu ngay. Sau đó để người bị đột quỵ nằm nghiêng sang một bên và để đầu hơi ngẩng cao để đề phòng trường hợp nôn ói. Nếu bệnh nhân bị ngã và có chấn thương đầu cổ thì tuyệt đối không được di chuyển người bệnh.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần để ý đến nhịp thở của người bệnh. Nếu nhịp thở yếu, bạn cần hô hấp nhân tạo, có thể nới lỏng quần áo, khăn quàng, cà vạt và thắt lưng để người bệnh được dễ chịu hơn.
Nếu người bệnh bị hạ thân nhiệt, bạn nên sử dụng một chiếc chăn mỏng để đắp cho người bệnh.
8. Đau dây thần kinh sinh ba
Đau dây thần kinh sinh ba là một rối loạn gây ra các cơn đau dữ dội đột ngột ở mặt do các vấn đề về dây thần kinh sinh ba (dây thần kinh sọ thứ năm). Nhiều người bị cảm giác ngứa da mặt, nóng rát hoặc đau nhức ở mặt.
Các phương pháp điều trị đau dây thần kinh sinh ba bao gồm sử dụng kết hợp thuốc, phẫu thuật và các liệu pháp khác - chẳng hạn như châm cứu, phản hồi sinh học, liệu pháp tâm lý (liệu pháp trò chuyện), tập yoga.
9. Động kinh và co giật
Một số người mắc chứng rối loạn co giật, chẳng hạn như bệnh động kinh sẽ cảm thấy ngứa râm ran ở mặt như một dấu hiệu cảnh báo cơn động kinh hoặc trong quá trình lên cơn động kinh.
Điều này đặc biệt đúng với các cơn động kinh cục bộ, chỉ bắt nguồn từ một phần não của bạn. Những người bị động kinh cục bộ có nhiều trải nghiệm cảm giác, vận động và tâm lý không điển hình, có thể bao gồm co giật và giật mình cũng như các cảm giác như ngứa ran và tê liệt.
Các phương pháp điều trị để kiểm soát bệnh động kinh bao gồm thuốc chống co giật, chế độ ăn đặc biệt (thường kết hợp với thuốc chống co giật) và phẫu thuật.
10. Viêm xơ cơ
Bệnh xơ cơ là tình trạng đau mãn tính liên quan đến tình trạng mệt mỏi và mất ngủ cũng như tình trạng đau dai dẳng ở nhiều bộ phận của cơ thể. Nhiều người bị bệnh xơ cơ cũng bị đau dây thần kinh và ngứa ran như cảm thấy kim châm ở mặt hoặc chân tay.
Các triệu chứng khác của bệnh xơ cơ là: đau và cứng cơ và khớp, sương mù não, độ nhạy sáng, đầy hơi.
Không có một phương pháp điều trị nào hiệu quả với mọi người mắc bệnh xơ cơ. Tùy vào tình trạng của mỗi người mà các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Thuốc không kê đơn (OTC) hoặc thuốc theo toa để giảm đau
- Các bài tập như giãn cơ hoặc rèn luyện sức mạnh
- Liệu pháp ngủ
- Liệu pháp hành vi nhận thức
- Liệu pháp kiểm soát căng thẳng
- Thuốc chống trầm cảm
11. Nguyên nhân khác
Có nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng cảm thấy ngứa râm ran, cảm giác như kim châm ở mặt, da mặt ngứa ngáy:
+ Cảm lạnh và nhiễm trùng xoang
+ Chấn thương đầu
+ Tiếp xúc với không khí lạnh
+ Xạ trị, thuốc men
+ Mệt mỏi
+ Rối loạn khớp thái dương hàm (TMD/TMJ)
+ Mất cân bằng điện giải
+ Thiếu hụt vitamin
+ Đau nửa đầu liệt nửa người
Trên đây là những nguyên nhân khiến bạn cảm thấy ngứa râm ran hay cảm giác như kim châm ở mặt cũng như cách điều trị của từng bệnh lý. Nếu bạn cảm thấy ngứa râm ran ở mặt hay ngứa da mặt mà không rõ lý do hoặc các triệu chứng không thuyên giảm thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám để tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị phù hợp.
Nguồn: Verywellhealth