Ngủ riêng có ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng?

Gặp phải tình trạng khó ngủ ở tuổi 54, chị Trần Thị Liễu (ở Vĩnh Phúc) đã tìm cách cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình. Một giải pháp mang lại hiệu quả bất ngờ với chị, đó là ngủ riêng phòng với chồng.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuổi trung niên kéo theo nhiều thay đổi về thể chất và tâm lý, khiến giấc ngủ không còn dễ dàng với nhiều người. Chị Liễu cũng không ngoại lệ.

Chị chia sẻ: "Tôi ngày càng khó ngủ hơn, tiếng ngáy của chồng khiến tôi khó chịu. Dù anh ấy cố gắng ngủ sau để tránh làm phiền nhưng cách này không còn hiệu quả với tôi như trước nữa".

Thêm vào đó, sự khác biệt trong thói quen ngủ giữa hai vợ chồng cũng khiến vấn đề khó ngủ của chị Liễu thêm trầm trọng. Chị thích không gian ấm áp trong khi chồng chị lại thích hé cửa sổ phòng khi ngủ cho thoáng.

Tình trạng mất ngủ thường xuyên khiến chị Liễu cảm thấy mệt mỏi, dễ cáu gắt, dễ mất tập trung và hiệu quả công việc giảm sút. Nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực từ việc mất ngủ, chị Liễu quyết định thử ngủ phòng riêng.

Ban đầu, chồng chị tỏ ra không đồng tình vì lo ngại điều này ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm, anh nhận ra việc ngủ riêng giúp cả hai thoải mái hơn, giảm những phiền toái không đáng có.

Chị Liễu đầu tư một chiếc giường nhỏ và tấm nệm có độ mềm phù hợp, cùng một chiếc chăn giữ ấm tốt.

Chị kể: "Tôi vui nhất khi được đắp chiếc chăn ấm, thoải mái, trong khi chồng tôi chỉ cần một chiếc chăn mỏng. Việc ngủ riêng giúp vợ chồng tôi thoải mái chỉnh giường ngủ theo ý muốn".

Buổi sáng, chị có thể dậy sớm tập thể dục mà không làm phiền giấc ngủ của chồng. Ngược lại, chồng chị cũng không phải lo lắng tiếng ngáy của mình ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ.

Thậm chí, anh còn thấy nhẹ nhõm khi không bị áp lực phải "ngủ ngoan", ít trở mình, để tránh làm chị thức giấc. Sự thay đổi này đã cải thiện chất lượng giấc ngủ của vợ chồng chị Liễu, giúp mang lại sự thư thái trong cuộc sống hàng ngày.

Bên cạnh đó, ở phòng riêng, chị Liễu cố gắng tạo không gian ngủ yên tĩnh và thư giãn. Chị lắp thêm rèm chắn sáng, sử dụng máy khuếch tán tinh dầu oải hương để tạo cảm giác dễ chịu. Trước khi ngủ, chị bỏ thói quen sử dụng điện thoại, mở nhạc thiền giúp chị nhanh chóng đi vào giấc ngủ tốt hơn.

Nhiều người cho rằng, việc vợ chồng ngủ riêng là dấu hiệu của sự rạn nứt trong mối quan hệ. Tuy nhiên, với chị Liễu, điều này lại trở thành giải pháp để duy trì hạnh phúc gia đình. Bởi khi có giấc ngủ ngon, vợ chồng chị giữ được sự vui vẻ, kiên nhẫn và thấu hiểu hơn trong các mối quan hệ hàng ngày.

Chị chia sẻ: "Ngủ riêng không ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng tôi, trái lại giúp chúng tôi hiểu và tôn trọng nhu cầu của nhau hơn".

Chồng chị Liễu cũng thừa nhận rằng, việc ngủ riêng phòng giúp anh nhận ra nhu cầu thực sự của cả hai. Anh khẳng định: "Chúng tôi vẫn dành thời gian trò chuyện, gần gũi cần thiết. Điều đó không hề thay đổi".

Ở tuổi trung niên, giấc ngủ không chỉ là nhu cầu sinh lý mà còn là "liều thuốc" quan trọng. Một giấc ngủ chất lượng mang lại sức khỏe tốt hơn, tâm trạng vui vẻ hơn, giúp chị Liễu dễ dàng cân bằng cuộc sống và công việc.

Việc linh hoạt và sẵn sàng thay đổi thói quen để ưu tiên giấc ngủ chất lượng giúp sức khỏe của vợ chồng chị Liễu được đảm bảo, để cả hai có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui cuộc sống.

Kim Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ngu-rieng-co-anh-huong-den-tinh-cam-vo-chong-20250110134312305.htm
Zalo