Từ Đà Nẵng nghĩ về... mì Quảng
Vun vén niềm vui thêm ấm ápVẫn thấy đâu đây bóng mẹ hiềnTừng hạt cơm ngon tình trĩu nặngBếp lửa mỗi nhà: ngọn lửa thiêng
Bếp lửa ấy, ấm áp suốt một đời, luôn gợi nhớ về những gì êm đềm nhất. Ngày xưa, là mẹ; ngày nay, là vợ. Cứ thế, từng ngày, từng ngày đem lại sự tươi ngon vui sống. Lại nghĩ, được ăn, lại ăn ngon là một lạc thú ở đời. Mà, cái gu ẩm thực rất khó nói, có món người này chỉ cần nghe nhắc đến là thòm thèm, những muốn ăn tươi nuốt sống cho đã, cho bưa; trong khi đó, có người lại tiu ngiủ như mèo bị cắt tai. Xét ra, một khi bàn về chuyện gì, người ta cũng có thể “đồng thanh nhất trí”, trên dưới “biểu quyết” răm rắp trăm phần trăm, còn bàn về chuyện ăn uống e khó có thể dẫn đến sự đồng thuận.
Bình thường thôi. Thì đó, cứ xem các ông Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vương Hồng Sển, Băng Sơn... bàn về món ngon, mỗi người một phách, thậm chí ta có thể gào lên phản đối: “Ủa, món đó mà ngon cái nỗi gì?”. Nhưng rồi món ăn ấy vẫn tồn tại theo năm tháng, ấy là chưa kể về sau người ta còn cải tiến cho ngon hơn nữa, độc hơn nữa, bất chấp sự dị biệt trong gu ẩm thực của ai đó.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là gì?
Là có món ăn ấy bạn thấy ngon, thấy thích, thấy “tuyệt cú mèo” thì làm sao “tuyên truyền” cho người khác cũng giống như mình? Chà, chuyện này khó lắm, khó tựa như bảo con lạc đà chui qua lỗ kim, bởi cái sự bướng bỉnh, bảo thủ nhất con người ta vẫn chính là mãi mãi và luôn luôn, thường xuyên và thường trực... kiên quyết “giữ vững lập trường” cái gu ẩm thực của riêng mình. Chẳng lẽ chịu thua? Phải có cách gì chứ nhỉ? Tôi mạo muội nghĩ rằng, có lẽ cách tốt nhất là hãy viết một quyển sách về món ăn đó.
Đã có quyển sách nào, từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng chỉ bàn về mỗi một món ăn? Thú thật, tôi không biết. Nhưng trong cái không biết đó, tôi lại biết có người hầu như luôn đau đáu, ngẫm ngợi, suy nghĩ về món mì Quảng: Lê Minh Dương. Chỉ mỗi cái tên đó, không cần phải ghi thêm bất kỳ danh xưng gì khác tôi nghĩ, vẫn không oách bằng khi gọi rằng, thì, là, mà... đó là người rất mê món mì Quảng. Một khi, nếu được thiên hạ đồng thuận như vậy, thiết nghĩ đây là một vinh dự.
Thiết nghĩ, món ăn không chỉ là thực phẩm nhằm giải quyết sự kêu gào, réo gọi của bao tử, buộc mình phải ăn cho no ngay tắp lự. Nếu thế, còn gì là khái niệm “văn hóa ẩm thực”? Xin thưa, ăn một món ăn, còn là lúc con người ta ăn cả kỷ niệm êm đềm nữa, thí dụ cũng tô mì Quảng đó nhưng ngày ba mẹ còn sống nấu cho mình ăn có khác gì tô mì mà nay mình ngồi ăn ở quán? Rất khác. Dù cũng sợi mì đó, “nhưn” đó, rau đó, bánh tráng đó... nhưng lại khác. Khác ở chỗ chúng ta không ăn một vật chất cụ thể mà ăn kỷ niệm thông qua vật chất đó. Chẳng nói gì đâu xa, có những ngày lang thang ở Mỹ, được thưởng thức biết bao món ngonvật lạ nhưng rồi, tôi lại ước gì:
Lâu lắm mới được ăn mắm ruốc
Đậm đà hương vị nhớ quê nhà
Mặn mà - mà mặn trong đằm thắm
Quê mẹ là đây, chứ đâu xa...
Nhưng rồi nơi xứ lạ quê người làm sao có thể có mắm ruốc? Đành nhớ. Với người Quảng Nam, có lẽ đi đâu họ cũng nhớ về món ăn tiêu biểu nhất của họ, thuộc hạng “thượng thừa”, “số dzách”: mì Quảng. Vâng, từ món mì Quảng đó khi tìm hiểu sự ra đời của nó không chỉ tìm về món ăn mà chính là lúc tìm về văn hóa Quảng Nam. Khi tôi quả quyết như thế, hoàn toàn không vô cớ, bởi tính cách con người thế nào, món ăn thế ấy. Cái gì làm nên tính cách con người, chính phong thổ, thời tiết, thiên nhiên... nơi ấy. Do đó, một khi bàn về tô mì Quảng cũng là lúc chúng ta lật lại trang sử trong quá khứ, rồi kết nối với hiện tại.
Mà đã nói đi thì cũng phải nói lại, nào riêng gì mì Quảng, các món ngon khác ở vùng miền khác cũng đảm nhận vai trò này cho địa phương đó. Nhưng rồi hầu như tất cả đều đồng nhất khi nghĩ về... nước mắm. Và, tôi có những ngày thèm tha thiết, nhớ da diết nước mắm Nam Ô, để rồi ao ước:
Suốt nửa tháng nay thèm nước mắm
Nhạt miệng. Buồn thiu. Giấc chẳng lành
Hiểu ý có người đang khắc khoải
Em tặng nồng nàn vị biển xanh...
Như đã nói, gu ẩm thực là mỹ cảm của mỗi người. Vậy, công việc nghiên cứu về mì Quảng của Lê Minh Dương đến nay đã thế nào? Câu hỏi này không quan trọng bởi dù thế nào thì cũng phải chịu sự phán xét, đánh giá từ tính cách “Quảng Nam hay cãi”. Cãi về chuyện gì, rồi cũng đến lúc “hạ màn” nhưng về mì Quảng thì không. Dứt khoát là không. Nói như thế, ủa, hóa ra tôi khuyên mọi người thôi nghiên cứu về món ăn đặc trưng nhất của xứ Quảng?
Không đâu, tôi không hề có cái ý đó, mà, dù có thế đi nữa thì cũng không là gì cả. Thí dụ, trong đời mình, mình rất mê tít, đắm đuối, mê mệt một nhan sắc nhưng nếu gặp phải can ngăn của thiên hạ mà mình chùn bước? Không. Đã yêu thì lao tới bằng kim chỉ nam chính là lời mách bảo của trái tim. Đã có tâm thế ấy, cứ vững lòng bước tới. Một khi càng có nhiều người cùng bàn, cùng tìm hiểu về mì Quảng thì đó cũng là lúc chúng ta cùng chung tay quảng bá về món ăn này, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài nữa. Công việc này, rất đáng hoan nghênh, bởi như đã nói vì đây cũng là lúc khơi dậy văn hóa Quảng đồng hành cùng thời đại chúng ta đang sống.